Khó khăn trong lưu thông hàng hóa
Hiện nay việc tiêu thụ, sản xuất tại các tỉnh thành phía bắc đang có nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đặc biệt là khâu lưu thông.
Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nếu tình trạng như hiện nay kéo dài sẽ làm đứt gãy những chuỗi sản xuất nông sản.
“Vấn đề nghiêm trọng nhất là việc vận chuyển vật tư nông nghiệp gặp khó khăn. Nếu không thu hoạch nông sản sẽ không thể bắt đầu chu kỳ sản xuất mới. Thế nhưng hiện nay nhiều nơi thậm chí thu hoạch được nhưng cũng không thể tiêu thụ”, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật, Trung Quốc được xem là thị trường quan trọng nhất tại khu vực phía bắc. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc xuất khẩu nông sản, hàng hóa sang Trung Quốc bị gián đoạn.
“Cụ thể, tại các cửa khẩu tại Lào Cai, số lượng hàng hóa xuất sang Trung Quốc giảm 30% so với 10 ngày trước. Tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), trong tuần này đã phát hiện 5 ca dương tính với SARS-CoV-2 nên việc kiểm soát đã được siết chặt hơn, tốc độ thông quan hàng hóa qua đó cũng chậm hơn rất nhiều”, bà Nguyễn Thị Thu Hương thông tin.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Chế biến và Phát triển nông sản cũng chia sẻ: Nguyên vật liệu, vật tư nông nghiệp đang là vấn đề nóng ở cả trong nam lẫn ngoài bắc do chưa có sự nhất quán trong kiểm tra, kiểm soát khâu lưu thông. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá thành nguyên vật liệu bị đẩy lên cao, tình hình sản xuất đã khó khăn càng trở nên khó khăn hơn.
Từ những khó khăn đó, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng, tiêu thụ nông sản tại các tỉnh thành phía bắc trong điều kiện dịch Covid-19.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến là Tổ trưởng, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản sẽ là đơn vị đầu mối.
Khơi thông sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản
Theo đó, Tổ công tác giúp Bộ trưởng chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Cụ thể phối hợp với các tỉnh, thành phố thúc đẩy hoạt động sản xuất, thu hoạch nông sản, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ nông sản tại các địa phương thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch Covid-19.
Tổ công tác có nhiệm vụ chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương rà soát kế hoạch sản xuất thời vụ bảo đảm gắn với kế hoạch tiêu thụ nông sản; xây dựng các phương án, kế hoạch tiêu thụ nông sản kịp thời ứng phó với dịch Covid-19.
Bên cạnh đó Tổ công tác cần phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo thực hiện các giải pháp thúc đẩy cung ứng, tiêu thụ nông sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của các địa phương thuộc tâm dịch Covid-19. Nghiên cứu, đề xuất báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc nếu vượt thẩm quyền.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Tổ công tác có thể thông qua hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp sẽ làm việc với các tỉnh để khơi thông sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.
“Một trong những giải pháp cấp bách hiện nay để duy trì đà tăng trưởng là lấy nơi ‘khỏe mạnh’ bù vào nơi ‘yếu’. Những tỉnh đang hoạt động ổn định sẽ bù đắp cho các tỉnh đang bị đứt gãy chuỗi sản xuất do dịch bệnh”, Thứ trưởng nhận định.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho rằng một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Tổ công tác là rà soát, đánh giá để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp trong giai đoạn cuối năm.
"Tình hình diễn biến dịch Covid-19 tại các tỉnh phía bắc chưa bị ảnh hưởng nặng nề như phía nam nên chúng ta cần xử lý sớm 2 vấn đề. Một là xây dựng kịch bản để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh nhiều khó khăn. Hai là bảo đảm năng lực sản xuất để cung ứng cho những khu vực còn lại", ông Toản đề xuất.
Cũng theo ông Toản, một bài học kinh nghiệm đúc rút từ công tác tháo gỡ cung ứng, tiêu thụ nông sản phía Nam là cần xây dựng vùng đệm để thành lập những điểm trung chuyển kết nối hàng hóa, nông sản.
Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường, Tổ công tác phía bắc cần lấy kinh nghiệm từ Tổ công tác phía nam trong việc đánh giá cung cầu của địa phương. Các tỉnh có thể tự cung ứng được bao nhiêu và cần hỗ trợ cụ thể ra sao.
"Bên cạnh đó cần có danh sách những đầu mối, doanh nghiệp của địa phương và kịch bản vận chuyển nông sản. Cần có kế hoạch sản xuất tiêu thụ, cân đối cung cầu. Từ đó sẽ có phương án chung, sau đó tùy thuộc vào tình hình cụ thể tại địa phương sẽ có những chỉ đạo, phương án chi tiết”, ông Nguyễn Như Cường nêu ý kiến.