Giải ngân bằng 13,17% kế hoạch
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT), quý I-2021, giải ngân vốn đầu tư công trong cả nước đạt hơn 60,7 nghìn tỷ đồng, bằng 13,17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương mức thực hiện cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giải ngân vốn trong nước đạt 14,74%, vốn nước ngoài đạt 0,66%. Phần lớn các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10%, nhiều bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn. Một số dự án trọng điểm có tỷ lệ giải ngân đạt kết quả thấp, như dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến bắc - nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 chỉ đạt 13,3% kế hoạch. Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng chỉ đạt 14,65% kế hoạch. Lý giải hiện tượng chậm giải ngân vốn đầu tư công trong quý đầu năm, Bộ KH và ĐT cho biết, đây là thời điểm các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện hồ sơ thanh toán, giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 và làm thủ tục kéo dài kế hoạch vốn sang năm 2021. Hơn nữa, tháng 2-2021 trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở một số địa phương cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công tại các dự án, công trường. Bộ KH và ĐT lưu ý trong quý I-2021, có 31 bộ, ngành vẫn chưa giải ngân kế hoạch, tạo áp lực rất lớn trong công tác giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới. Bên cạnh đó, giải ngân vốn nước ngoài nguồn ngân sách T.Ư (vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài) gần như chưa thực hiện trong khi cùng thời điểm này năm 2020 đã giải ngân được 4,99% kế hoạch.
Một hiện tượng cần lưu tâm khác là tình trạng nhiều bộ, ngành, địa phương năm 2020 tiêu không hết số vốn được phân bổ, có văn bản xin trả lại vốn để điều chỉnh tăng vốn cho các bộ, ngành, địa phương khác có nhu cầu. Trong đó, số vốn ODA trả lại rất cao. Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, diễn biến này hơi ngược so với thông lệ, cho thấy công tác chuẩn bị dự án chưa tốt. Đây là vấn đề cần khắc phục vì ngân sách vẫn phải trả lãi trong khi tiền vay về không tiêu được. Bộ KH và ĐT đánh giá, việc các bộ, ngành, địa phương đề nghị giảm kế hoạch đầu tư vốn ODA khá lớn do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về nguyên nhân khách quan, nhiều dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động của đại dịch Covid-19 nặng nề hơn so với dự án trong nước vì hầu hết hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài, từ khâu nhập máy móc thiết bị đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu, tư vấn giám sát... Tuy nhiên, Bộ KH và ĐT cũng chỉ rõ, nguyên nhân chủ yếu là do công tác lập kế hoạch vốn ODA chưa sát với nhu cầu thực tế, dự án có nhu cầu bổ sung vốn giải ngân không được bố trí vốn kịp thời hoặc bố trí thiếu vốn đối ứng; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; công tác giải ngân, rút vốn chưa linh hoạt, chủ dự án ngại làm thủ tục rút vốn giải ngân nhiều lần.
Xây dựng kịch bản điều hành từng quý
Trung tâm Thông tin dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) nhận định: Quý I-2021, tăng trưởng GDP đạt 4,48% là kết quả khả quan. Tuy nhiên, một số yếu tố được xem là động lực và đóng góp lớn đối với tăng trưởng lại chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công thấp, triển khai phân bổ vốn chậm. Để triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo sát sao, tận dụng những động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm những thách thức, rủi ro.
Theo Bộ KH và ĐT, việc tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công sẽ là chìa khóa cho tăng trưởng năm 2021, vừa giúp kích cầu kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Vì thế, nhiệm vụ của những quý còn lại rất nặng nề, đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn của các cấp, các ngành trong triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh các giải pháp đang thực hiện, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng kịch bản điều hành giải ngân vốn đầu tư công cho từng quý để đôn đốc thực hiện theo tiến độ cụ thể: Quý II hoàn thành giải ngân các dự án được phép kéo dài vốn đầu tư công năm 2020 sang; quý III giải ngân 80% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 và các dự án chuyển tiếp có kế hoạch hoàn thành trong năm 2021, hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án khởi công mới; quý IV phấn đấu giải ngân 90% kế hoạch vốn năm 2021 được giao. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân vốn đầu tư công vì trong căn bệnh trầm kha chậm giải ngân vốn, phần lớn do nguyên nhân chủ quan khi một số bộ, ngành, địa phương chưa vào cuộc quyết liệt, thiếu quyết tâm chính trị; vai trò người đứng đầu chưa được phát huy; công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế...
Đồng thời, cần trao quyền và giao trách nhiệm cho các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư đi kèm với cơ chế bám sát tiến độ từng dự án, tổ chức giao ban định kỳ để phân loại dự án, có giải pháp tích hợp với từng loại dự án và từng giai đoạn cụ thể của từng dự án. Nghiên cứu ban hành giải pháp xử lý triệt để các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công như công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó là việc chuẩn bị đầu tư sơ sài, thiếu khảo sát dẫn đến tình trạng dự án được quyết định đầu tư và bố trí triển khai lại gặp khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, đơn giá, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư...
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) nhận định, giải ngân vốn đầu tư công đang có chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao hơn so nhiều năm trước, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Cùng với việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân, cần tập trung cải thiện mạnh mẽ hơn về chất lượng, hiệu quả đầu tư công thông qua nguyên tắc phân bổ vốn tập trung vào các dự án trọng điểm có tính lan tỏa, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, nhất là hạ tầng giao thông và năng lượng.
Năm 2020, có năm bộ, ngành có văn bản xin chuyển trả lại hơn 576 tỷ đồng vốn trong nước. Bên cạnh đó, có 10 bộ, ngành và 45 địa phương có văn bản xin chuyển trả lại hơn 15 nghìn tỷ đồng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh giảm vốn của năm bộ, ngành để tăng vốn cho 16 địa phương với nguyên tắc cho phép giải ngân ngay sau khi cấp có thẩm quyền giao kế hoạch; ưu tiên dự án có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách T.Ư giai đoạn 2016-2020. Riêng đối với vốn ODA, chỉ có sáu địa phương xin tăng vốn với tổng số tiền đề xuất hơn 589 tỷ đồng. Như vậy, còn hơn 14,5 nghìn tỷ đồng được các bộ, ngành trả lại nhưng không có nơi xin tăng vốn, Chính phủ trình Quốc hội cho phép giảm bội chi ngân sách T.Ư năm 2020.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư