Điểm tựa của nông dân
Anh Nguyễn Tất Nhu, ở xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Gần ba năm trước, anh đầu tư khoảng hai tỷ đồng để trồng rau thủy canh trên diện tích 2.000 m2. Do chưa nắm rõ quy trình kỹ thuật chăm sóc cho nên rau hay bị sâu bệnh, chất lượng không tốt dẫn đến thương lái chèn ép, giá bán thấp. Anh Nhu cho biết thêm: “Tôi chủ yếu học trên in-tơ-nét, học qua những người đã trồng rau cho nên không nắm được cách thức chăm sóc theo quy trình CNC. Qua tìm hiểu, tôi đã đăng ký học trồng rau thủy canh ở huyện Củ Chi và được cán bộ, nhân viên Trung tâm đến tận trang trại chỉ dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc và hỗ trợ vật tư nông nghiệp. Nhờ đó, dần dần tôi nắm được quy trình kỹ thuật và trong hai năm nay đã đi vào sản xuất ổn định”.
Theo tính toán của anh Nhu, trước đây, doanh thu chỉ đạt khoảng 30 triệu đồng/1.000 m2/vụ rau; sau khi nhận được sự hỗ trợ và chuyển giao quy trình kỹ thuật chăm sóc của Trung tâm, doanh thu tăng hơn gấp đôi, hơn 80 triệu đồng/1.000 m2/vụ rau, mỗi năm thu lãi ròng hơn 400 triệu đồng. Anh Nhu còn tiết kiệm được nhân công, thời gian ươm giống cây, chăm sóc cây trồng. Nếu trước đây, khi chưa hiểu rõ quy trình nhân giống, tỷ lệ cây con chết chiếm từ 40 đến 50% thì nay tỷ lệ cây giống chết giảm dưới 5%. Anh Nhu cho biết: “Tôi dự định mở thêm 1.000 m2 vào cuối năm nay, đầu năm sau mở thêm một trang trại trồng các loại rau khác cũng ở xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi”.
Anh Nguyễn Tất Nhu là một trong rất nhiều nông dân, doanh nghiệp (DN) hưởng lợi từ thành quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao các quy trình kỹ thuật chăm sóc, mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến của Trung tâm. Sáng kiến được nông dân, các DN không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà cả khu vực phía nam tâm đắc và áp dụng rộng rãi là việc chuyển tải nhà màng ứng dụng công nghệ I-xra-en với chi phí cao khi nhập vào nước ta thành một nhà màng ứng dụng công nghệ trong nước với chi phí thấp nhưng mang lại hiệu quả không thua kém gì.
Vào năm 2010, khi nhập công nghệ của I-xra-en cần có chi phí đầu tư từ 2 đến 2,5 tỷ đồng/1.000 m2, vượt quá khả năng đầu tư của hầu hết nông dân thời điểm đó. Trăn trở trước điều này, tập thể Trung tâm đã miệt mài cải tiến thành nhà màng ứng dụng bằng công nghệ trong nước với mức đầu tư chỉ khoảng từ 250 đến 300 triệu đồng/1.000 m2, có cả hệ thống tưới nước tiết kiệm tự động rất phù hợp với điều kiện vùng nông thôn của nước ta. Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp CNC Nguyễn Thị Huệ, cho biết: “Về chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các mô hình nông nghiệp, nếu bà con nông dân, DN, các tỉnh, thành phố đến Trung tâm liên hệ thì Trung tâm sẽ chuyển giao theo yêu cầu để các đơn vị này về ứng dụng vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp và nhân rộng. Trung tâm còn liên kết, hợp tác các địa phương để thúc đẩy ứng dụng nông nghiệp CNC bằng hình thức hỗ trợ nông dân chuyển giao các quy trình kỹ thuật chăm sóc, mô hình sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ một phần kinh phí vật tư nông nghiệp ban đầu như giống cây trồng, nước dinh dưỡng nuôi cây…”.
Khởi nguồn cho sự lan tỏa
Đưa chúng tôi đến giới thiệu mô hình trình diễn giống dưa lưới mới CNC01, bà Nguyễn Thị Huệ chia sẻ: “Giống dưa lưới Trung tâm mới lai tạo này có năng suất tăng từ 10 đến 20%, có độ thơm hơn nhiều so với các giống dưa lưới hiện có, năng suất bình quân đạt từ 30 đến 40 tấn/ha. Hiện, Trung tâm đang trồng thử nghiệm để tiếp tục đánh giá và hoàn thiện quy trình kỹ thuật chăm sóc trước khi chuyển giao cho nông dân, DN sản xuất đồng loạt”.
Khoảng 10 năm trước, nông dân, DN ở phía nam muốn sản xuất hoa lan phải nhập cây giống từ Thái-lan về trồng với giá cao. Những năm gần đây, Trung tâm đã nhân giống các loại hoa lan thành công bằng phương pháp nuôi cấy mô để cung cấp cho thị trường trong nước với hơn một triệu cây giống một năm. Hiện, các giống lan (Mokara, Dendrobium, Hồ điệp, Ngọc điểm, Hoàng hậu, Cát cát, lan rừng) mà Trung tâm cung cấp cho nông dân, các đơn vị có yêu cầu đã rẻ hơn các giống nhập khẩu từ 500 đến 1.000 đồng/cây với chất lượng không thua kém các giống lan của nước ngoài. Từ năm 2013 đến nay, Trung tâm đã thực hiện thành công 170 đề tài nghiên cứu khoa học. Các nội dung nghiên cứu tập trung vào việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp như: Công nghệ trồng cây không đất, nhà màng, tưới tiết kiệm nước, vi sinh, di truyền, công nghệ sau thu hoạch, nuôi cấy tế bào thực vật, nuôi cá kiểng, sản xuất giống mới, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc các giống cây, giống hoa, giống con, quy trình nhân giống các giống cây dược liệu quý hiếm… Các kết quả nghiên cứu khoa học được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn, giúp nhiều nông dân nâng cao thu nhập. Kết quả các đề tài nghiên cứu đều đạt khá, giỏi chiếm hơn 80% ứng dụng vào thực tế sản xuất. Trung tâm cũng thực hiện chuyển giao phương thức sản xuất nông nghiệp hiện đại với nhiều mô hình ứng dụng khoa học trong sản xuất nông nghiệp, như rau ăn lá, rau ăn quả, nhân giống in-vitro (trong ống nghiệm), vi sinh, di truyền... cho nông dân với hiệu quả kinh tế mang lại bình quân cao hơn từ 1,5 đến 2 lần so với canh tác truyền thống. Trong số này, có bảy mô hình được công nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Đã chuyển giao bốn quy trình kỹ thuật về mô hình lan Mokara; quy trình trồng dưa lưới, cà chua bi, trồng ớt cay cho nông dân, DN không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà còn ở các địa phương khác như Phú Yên, Đắk Lắk, Kon Tum, Quảng Bình, Đồng Nai, Kiên Giang, Tiền Giang, Tây Ninh, Bình Dương, Đắk Nông, Gia Lai... Nhờ vậy, bà con nông dân và các đơn vị tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình ứng dụng, hiệu quả đem lại cao, từ 1,1 đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm.