Thừa nhận tiến độ hai dự án đến nay là quá chậm so với quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Ðiện Biên, Chủ tịch UBND thành phố Ðiện Biên Phủ Lê Tiến Dũng cũng cho biết chi tiết: Dự án đường 60 m được UBND tỉnh Ðiện Biên phê duyệt đầu tư ngày 4/12/2015 có tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng (vốn tái định cư Thủy điện Sơn La 294 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 56 tỷ đồng); thời gian thực hiện dự án là 5 năm (từ 2015 - 2020). Dự án hạ tầng kỹ thuật khung được UBND tỉnh Ðiện Biên phê duyệt tại Quyết định số 106/QÐ-UBND ngày 13/2/2017, có tổng mức đầu tư hơn 279 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương và một phần vốn thu từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất; thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 đến 2021.
Nếu chiểu theo thời gian phê duyệt của từng dự án thì thời điểm này dự án đường 60 m đã phải hoàn thành được sáu tháng, là đại lộ thênh thang kết nối khu đô thị mới phía tây với các khu dân cư trong thành phố; còn dự án hạ tầng kỹ thuật khung giờ đã vào giai đoạn nước rút dẫu chưa hoàn thiện tất cả hạng mục thì cũng đã mang dáng dấp khung trung tâm thương mại, kỹ thuật hiện đại và gần đó là những ngôi nhà của người dân tái định cư (TÐC) được dựng lên san sát theo hàng. Vậy nhưng thực tế của hai dự án lại chỉ là những đoạn đường chắp nối; đường 60 m mở dở chưa thông; hai bên đường vẫn là những ngôi nhà lụp xụp, xập xệ.
Theo báo cáo của chủ đầu tư hai dự án là UBND thành phố Ðiện Biên Phủ, tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) tại dự án đường 60 m hiện còn hơn 17.000 m2 chưa được giải phóng (chiếm 16,2% tổng diện tích phải GPMB); lũy kế giá trị khối lượng xây lắp mới đạt 60%; để hoàn thành toàn bộ dự án như phê duyệt cần bổ sung hơn 61 tỷ đồng vì tăng so với tổng mức đầu tư. Còn với dự án hạ tầng kỹ thuật khung hiện còn 8,57 ha đất của 127 gia đình (chiếm 42,4% tổng diện tích mặt bằng) chưa được giải phóng, vì nhiều hộ không nhất trí làm dự án; nhiều gia đình nhất trí triển khai dự án nhưng chưa nhận tiền đền bù... Về nguồn vốn thực hiện dự án, hiện còn thiếu 116 tỷ đồng (chiếm 41,54%) so với tổng mức đầu tư. Tiến độ thi công bốn điểm TÐC để bố trí TÐC cho các hộ dân bị ảnh hưởng từ dự án hạ tầng kỹ thuật khung hiện cũng quá chậm: Ðiểm TÐC số 1 dự kiến bố trí 59 ô đất thì thi công mới đạt khoảng 6%; điểm TÐC số 2 (41 ô) chưa tổ chức thi công; điểm TÐC số 3 có tiến độ khá hơn thì đạt 80% trong tổng số dự kiến 134 ô.
Về nguyên nhân tiến độ chậm, Chủ tịch UBND thành phố Lê Tiến Dũng cũng thừa nhận, ngoài nguyên nhân khách quan là do một bộ phận người dân không đồng thuận, còn có nguyên nhân chủ quan từ chính quyền, cán bộ thành phố. Ông lý giải, phần do thời gian dài thành phố chưa thật sự quan tâm công tác quản lý đất đai, có khi còn buông lỏng quản lý; phần do thiếu nhân lực vì cùng lúc phải đảm đương nhiều dự án và phần do chất lượng cán bộ, công chức còn hạn chế nên không đáp ứng yêu cầu công việc tại hai dự án. Tuy nhiên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ðiện Biên Mùa A Sơn lại cho rằng, các nguyên nhân lãnh đạo UBND thành phố Ðiện Biên Phủ đề cập là ngụy biện vì thẳng thắn đánh giá thì nguyên nhân chính là năng lực tổ chức, điều hành, thực hiện của cán bộ thành phố yếu; tại rất nhiều cuộc họp về hai dự án này, lãnh đạo thành phố cứ cam kết thế này thế kia rồi… để đấy; tiến độ không chuyển động, người dân thì kiện tụng rất nhiều trong khi chính sách đền bù, GPMB tại hai dự án lại có nhiều ưu ái nhất cả nước.
Ðồng tình với ý kiến của ông Mùa A Sơn, ông Lò Văn Mừng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Ðiện Biên cho rằng, có nguyên nhân sâu xa xuất phát từ một số cán bộ, công chức cho nên người dân không tin tưởng, không đồng thuận. "Ðể nhân dân tin, nhân dân ủng hộ cần xử lý nghiêm đối với cán bộ vi phạm, cán bộ không gương mẫu mà trước đây Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã kiểm tra, chỉ rõ" - ông Lò Văn Mừng kiến nghị.
Nghiêm túc phê bình những thiếu sót, hạn chế trong công tác quản lý đất đai của TP Ðiện Biên Phủ thời gian qua, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Ðiện Biên chỉ rõ: Hệ lụy là đã không chỉ tác động trực tiếp về kinh tế mà còn ảnh hưởng rất lớn đến quá trình triển khai các dự án kinh tế, xã hội trên địa bàn. Do vậy, cùng với yêu cầu TP Ðiện Biên Phủ phải nghiêm túc chấn chỉnh, khắc phục ngay, đồng chí Nguyễn Văn Thắng đề nghị thành phố phải chủ động giải quyết dứt điểm các vướng mắc, kiến nghị của nhân dân trong GPMB tại hai dự án; chủ động phối hợp với các sở, ngành, thành viên ban chỉ đạo dự án tháo gỡ vướng mắc; có cơ chế khuyến khích người dân bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Quá trình triển khai cần hết sức coi trọng tuyên truyền, thông tin chế độ, chính sách đền bù, TÐC đến nhân dân một cách công khai, kịp thời, chính xác để nhân dân hiểu; tránh tình trạng mỗi đơn vị tuyên truyền một kiểu khiến người dân hồ nghi, băn khoăn; việc áp dụng đơn giá, chế độ đền bù, TÐC cho người dân cần vận dụng tối đa tạo thuận lợi cho nhân dân, song phải trong quy định pháp luật; còn với cá nhân cố tình chây ỳ, chống đối, yêu sách thì phải kiên quyết theo đúng quy định pháp luật, không thể để chỉ vì vài người mà ảnh hưởng chung dự án.
Giao các sở, ngành cử cán bộ, công chức có chuyên môn, kinh nghiệm hỗ trợ TP Ðiện Biên Phủ tiếp tục triển khai hai dự án để hoàn thành càng sớm càng tốt, đồng chí Nguyễn Văn Thắng cũng đồng thời giao Công an tỉnh Ðiện Biên nắm tình hình, làm rõ thông tin có hay không cán bộ, công chức liên quan đến hai dự án làm chậm tiến độ dự án để tổng hợp báo cáo Thường trực Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo.
Bài và ảnh: Lê Lan