Hạn chế tác động tiêu cực của việc tăng giá nguyên liệu đầu vào

Suốt một thời gian dài, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã kiệt quệ vì dịch bệnh, nay lại chuẩn bị chịu thêm tác động của việc tăng giá các yếu tố đầu vào như xăng dầu, vật liệu xây dựng,... Những tác động dồn dập này đang nguy cơ khiến nhiều doanh nghiệp khó gượng dậy được nếu không có những giải pháp hỗ trợ kịp thời từ phía các cơ quan quản lý.

Sản xuất thép cán tại Nhà máy thép Việt - Trung (Lào Cai). Ảnh: MINH DŨNG
Sản xuất thép cán tại Nhà máy thép Việt - Trung (Lào Cai). Ảnh: MINH DŨNG

Nhiều doanh nghiệp đang buộc phải điều chỉnh giá bán sản phẩm, các ngành dịch vụ thì dè dặt hơn, nghe ngóng đợi tín hiệu tốt hơn của thị trường. Tuy nhiên, chịu thiệt thòi nhiều hơn cả chính là người tiêu dùng.

Giá nối nhau tăng

Giá xăng dầu tăng cao nhất trong vòng bảy năm qua khiến nhiều doanh nghiệp vận tải đã khó càng thêm khó. Theo đại diện hãng ta-xi Quê Lụa, giá xăng dầu tăng liên tiếp thời gian qua đã tác động rất lớn tới hoạt động kinh doanh vận tải của đơn vị. Hiện hãng đang rơi vào tình trạng "lỗ chồng lỗ" bởi hơn hai tháng qua, toàn bộ hơn 300 đầu xe bị "đắp chiếu", đến khi được phép hoạt động trở lại thì giá xăng dầu liên tiếp tăng cao khiến kinh doanh vận tải rất èo uột. Tuy giá xăng tăng cao, nhưng do vắng khách và bị ta-xi công nghệ cạnh tranh cho nên giá cước các hãng ta-xi nhiều năm qua không tăng. Vì thế, từ khi giá xăng ở mức 15 nghìn đến 16 nghìn đồng/lít, nay tăng lên hơn 24 nghìn đồng/lít thì các hãng ta-xi vẫn giữ giá cước ổn định, ngó trước trông sau xem tín hiệu thị trường thế nào rồi mới lên phương án điều chỉnh. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng dịch Covid-19, người dân ít có nhu cầu di chuyển bằng các phương tiện dịch vụ, lượng khách đi ta-xi của hãng giảm mạnh, chỉ đạt 35% đến 40% so thời điểm trước dịch. Do vậy, mặc dù rất khó khăn, đối diện tình trạng thua lỗ nhưng hãng không thể tăng giá cước trong thời điểm hiện tại mà phải đành tiết giảm tối đa chi phí, mong sớm vượt qua khó khăn.

Bà Phạm Thị Lan Hương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinafco, Trưởng ban Logistics (Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam) cho biết, đối với các doanh nghiệp logistics, chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí hoạt động. Từ tháng 1/2021 đến nay, giá xăng dầu đã tăng gần 40%, theo đó chi phí hoạt động vận tải của doanh nghiệp logistics tăng lên ít nhất 10%. Ðiều này đặt doanh nghiệp đứng trước áp lực tăng giá vận tải, tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường mới hồi phục, nhu cầu chưa thật sự cao, áp lực cạnh tranh lớn, để giữ chân khách hàng và nguồn hàng, doanh nghiệp logistics chỉ có thể điều chỉnh một phần giá cước. Thị trường logistics Việt Nam khá phân tán, do đó giá xăng dầu tăng thật sự là áp lực lớn. Nhằm hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp, Hiệp hội đề xuất Chính phủ xem xét giảm thuế, phí đối với xăng dầu; kéo dài thời gian hỗ trợ và mở rộng thêm đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 bao gồm các doanh nghiệp dịch vụ hỗ trợ vận tải, logistics, chứ không đơn thuần là "doanh nghiệp vận tải"; giảm phí bảo trì đường bộ, cầu đường,...

Trước sức ép tăng giá xăng, nhiều loại vật liệu xây dựng cũng rục rịch tăng theo. Ðối với ngành thép, giá nguyên liệu toàn cầu từ cuối năm 2020 liên tục tăng, trong đó quặng sắt thời điểm tháng 5/2021 tăng cao gấp 2,6 lần, phế liệu tăng 2,5 lần so cùng kỳ năm 2020. Ðiều này dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp sản xuất buộc phải tăng giá bán thép từ 200 nghìn đến 900 nghìn đồng/tấn, ở mức 16,8 triệu đến 17,5 triệu đồng/tấn tùy thương hiệu. Theo lý giải của Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nghiêm Xuân Ða, mặc dù năng lực sản xuất của ngành thép Việt Nam đã đáp ứng đủ nhu cầu thị trường trong nước, nhưng nguyên liệu phục vụ sản xuất thép hầu hết phải nhập khẩu. Dự báo, giá thép trong dịp cuối năm tiếp tục tăng, gây áp lực căng thẳng cho các dự án xây dựng, bất động sản triển khai trở lại sau khi giãn cách. Mặt bằng giá thép mới sẽ được xác lập và có thể cao hơn mặt bằng hiện tại, do đó, việc ổn định thị trường thép là cần thiết. VSA kiến nghị các doanh nghiệp sản xuất thép ưu tiên phục vụ thị trường trong nước trong ngắn hạn, đầu tư tăng chuỗi giá trị gia tăng trong quá trình sản xuất thép, tìm kiếm nguồn nguyên liệu ổn định trên thị trường quốc tế.

Hạn chế tác động tiêu cực của việc tăng giá nguyên liệu đầu vào -0

Giá nhiều loại vật tư đầu vào tăng cao tác động tiêu cực đến nhiều công trình, dự án xây dựng, bất động sản. Ảnh: QUANG HƯNG 

Cần những giải pháp tổng thể

Trên thị trường hiện nay, giá nhiều loại vật liệu xây dựng khác như xi-măng, cát, sỏi cũng tăng tương ứng, khiến lượng tiêu thụ giảm mạnh. Tính từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp xi-măng đã điều chỉnh tăng giá bán tăng khoảng 70 nghìn đến 80 nghìn đồng/tấn, ảnh hưởng không nhỏ đến tiêu thụ của các doanh nghiệp. Tiêu thụ xi-măng trong nước của cả nước quý III/2021 chỉ đạt gần 11,8 triệu tấn, giảm 23,7% so cùng kỳ, trong đó Tổng công ty Xi-măng Việt Nam (Vicem) đạt 3,96 triệu tấn, giảm 20,8% so cùng kỳ. Việc tăng giá các nguyên nhiên liệu đầu vào gây tác động lớn đến tiến độ thi công các dự án. Trong đó, việc quản lý các gói thầu đã ký hợp đồng trước thời điểm tăng giá vật liệu xây dựng gặp khó khăn, nhất là hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói với chi phí dự phòng thấp và bên chịu thiệt thòi là các nhà thầu. Ðể giảm tác động tiêu cực của biến động giá vật liệu xây dựng và ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng phù hợp mặt bằng giá thị trường, lưu ý tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá.

Bên cạnh bảo đảm an toàn sản xuất, phòng, chống dịch bệnh, các đơn vị kinh doanh vật liệu xây dựng cũng chủ động xây dựng giải pháp nhằm bình ổn giá. Theo Tổng Giám đốc Vicem Lê Nam Khánh, Vicem đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tăng cường quản lý, theo dõi, giám sát thiết bị và các thông số công nghệ của hệ thống lò nung, duy trì thiết bị hoạt động ổn định, an toàn và bảo đảm chất lượng sản phẩm, tiết giảm định mức tiêu hao. Ðồng thời, cân đối việc huy động năng lực thiết bị hợp lý, tiến hành cải tạo, bảo dưỡng, tối ưu hóa các điều kiện hoạt động của thiết bị để phát huy cao nhất năng suất thiết bị, đáp ứng nhu cầu thị trường; điều hành linh hoạt, giảm chi phí logistics, đẩy mạnh tiêu thụ, giữ giá thành sản phẩm,... Ðại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Hoàng Văn Cường cho biết thêm, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào, nhất là xăng dầu tăng cao tác động đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Do đó, việc đề xuất biện pháp để kiềm chế giá xăng, dầu không tăng lên quá cao là cần thiết. Khi giá xăng dầu tăng, cơ quan quản lý cần can thiệp điều chỉnh giá bằng việc sử dụng công cụ thuế, giảm thuế nhập khẩu hoặc duy trì thuế môi trường ở mức hợp lý; rà soát, nghiên cứu cơ cấu, những khoản nào khiến giá xăng dầu đội lên, có hướng cắt giảm để ổn định giá xăng dầu. Bên cạnh đó, Bộ Công thương có nghiên cứu, đánh giá mức độ thay đổi của giá thế giới với khả năng cung ứng trong nước, từ đó dự báo được mức độ ảnh hưởng. Còn Bộ Tài chính là đơn vị thực thi các chính sách, nên xây dựng lộ trình thay đổi về thuế; điều chỉnh phí phù hợp thực tế, giúp giá xăng dầu không tăng sốc, đột biến,...

Bộ Công thương nhận định, mức thuế, phí chiếm tỷ trọng rất cao trong cơ cấu giá thành sản phẩm xăng dầu. Trong đó các loại thuế, phí chiếm 42% đến 43% cơ cấu giá thành xăng và 24% đến 30% với mặt hàng dầu. Vì vậy, ngoài việc sử dụng hiệu quả, linh hoạt Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công thương sẽ báo cáo Chính phủ, kiến nghị một số giải pháp, trong đó đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính cân nhắc giảm thuế, phí như thuế xuất, nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và nhất là thuế bảo vệ môi trường. 

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ