Gỡ vướng cho doanh nghiệp, duy trì "mạch máu" kinh tế

Tại một số địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội ở cấp độ cao nhất, đã yêu cầu các nhà máy, doanh nghiệp triển khai kế hoạch sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" và chỉ được duy trì 30% nhân lực. Mặc dù đối diện nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp sản xuất đã chủ động thực hiện biện pháp phòng chống dịch, áp dụng linh hoạt các phương án nhằm duy trì sản xuất trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho công nhân tại Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (TP Đà Nẵng).
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho công nhân tại Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (TP Đà Nẵng).

Tuy nhiên, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông và xuất khẩu hàng hóa là rất lớn, nếu các địa phương và doanh nghiệp không có những giải pháp ứng phó một cách toàn diện, mạnh mẽ và kịp thời. Những tác động chưa có tiền lệ của dịch bệnh đang từng ngày đe dọa trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Không để gián đoạn sản xuất

TP Đà Nẵng có 137 doanh nghiệp triển khai sản xuất theo phương án "3 tại chỗ", với hơn 11.600 lao động, hơn 90 doanh nghiệp hoàn thành xét nghiệm cho người lao động. Giữa đại dịch, nhưng những container hàng hóa vẫn nối tiếp lên đường ra cảng, một tín hiệu tích cực cho thấy "mạch máu" kinh tế vẫn được duy trì.

Công ty TNHH Murata Việt Nam tại Đà Nẵng chuyên sản xuất thiết bị điều khiển, có hơn 4.000 công nhân, nhưng từ ngày 16/8, khi Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội ở cấp độ cao nhất, công ty chỉ bố trí 400 người ở lại làm việc theo phương châm 3 tại chỗ. Công ty bố trí khu văn phòng thành nơi nghỉ ngơi, ăn ở, sinh hoạt đầy đủ cho người lao động, chia ca kíp sản xuất phù hợp để hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu.

Theo Chủ tịch Công ty Nakagawa Wataru, công ty lắp vách ngăn ở khu vực sinh hoạt và làm việc nhằm hạn chế tiếp xúc, kiểm tra chặt chẽ thân nhiệt và các dấu hiệu nhiễm dịch trước khi công nhân vào ca làm việc. Còn Công ty cao-su Đà Nẵng chỉ để lại 800 công nhân sản xuất các sản phẩm trọng yếu xuất khẩu. Trong tháng 8, công ty xuất khẩu các đơn hàng với giá trị lên hơn 10 triệu USD. Tổng Giám đốc công ty Lê Hoàng Khánh Nhựt chia sẻ, công ty đã duy trì hơn 75% công suất, nhiều công đoạn hoạt động 90%, hoạt động sản xuất không bị gián đoạn.

Một trong những doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" đầu tiên ở Đồng Nai từ đầu tháng 7 là Công ty TNHH Daikan Việt Nam trong khu công nghiệp Amata.

Tổng Giám đốc công ty Nguyễn Công Đoàn cho biết, nhận thấy dịch bệnh diễn biến phức tạp, doanh nghiệp đã đăng ký và được chấp thuận thực hiện "3 tại chỗ". Gần hai tháng qua, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp được duy trì, người lao động an tâm làm việc, lưu trú ở nhà máy và công ty không bị đứt gãy chuỗi cung ứng với các đối tác nước ngoài. Bộ phận tiếp xúc với người ngoài để giao nhận hàng được bố trí khu vực cách biệt nơi sản xuất, lưu trú của người lao động để hạn chế nguy cơ dịch xâm nhập.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi Trần Anh Dũng cho biết, công ty xử lý khoảng 80% lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với khoảng 1.200 tấn/ngày. Nhờ kịp thời áp dụng "3 tại chỗ" và các giải pháp ứng phó với dịch nên dù nhà máy nằm trong vùng phong tỏa, việc vận hành vẫn duy trì ổn định. Khoảng 700 người lao động kể cả đối tác vận chuyển, thu gom rác thải đều an toàn, chưa có trường hợp nào nghi nhiễm.

Tỉnh Hậu Giang có 35 doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động theo mô hình "3 tại chỗ". Hầu hết các doanh nghiệp đều phải giảm quy mô sản xuất, nhưng riêng Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam tại cụm công nghiệp Phú Hữu A vẫn duy trì 100% công nhân, hoạt động 100% công suất.

Tổng Giám đốc công ty Chung Wai Fu tiết lộ: Thuận lợi của công ty là trước đây đã đầu tư hơn 380 tỷ đồng để xây dựng khu ký túc xá gồm 4 tòa nhà với gần 420 căn hộ cho người lao động, sức chứa 1.500 người. Khi dịch bùng phát, khoảng 1.100 nhân viên đã vào sống tại đây, nên không bị động khi triển khai mô hình "3 tại chỗ". Công ty có nhiều chính sách hỗ trợ cho công nhân, tăng 20% lương cố định, duy trì 3 bữa ăn/ngày, cấp phát khẩu trang y tế, thiết bị phòng dịch, tăng tần suất xét nghiệm từ 1 lên 2 lần/tuần, tiêm vắc-xin cho nhân viên thực hiện "3 tại chỗ".

Gỡ vướng cho doanh nghiệp, duy trì
Một doanh nghiệp duy trì sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" ở Đồng Nai.

Gỡ vướng cho doanh nghiệp

Thống kê từ Sở Công thương tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh có 55 xí nghiệp, với hơn 19.300 lao động đăng ký phương án "3 tại chỗ" và "1 cung đường, 2 điểm đến". Trong đó, 39 xí nghiệp (hơn 10 nghìn lao động) được phê duyệt thực hiện hai phương án trên, phần lớn là doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản với hơn 8.400 lao động.

Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Văn Đô cho rằng, nhờ chủ động các phương án sản xuất, lĩnh vực thủy sản - ngành kinh tế mũi nhọn của Cà Mau bảy tháng qua vẫn giữ đà tăng trưởng. Tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt gần 354.250 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 54,8% kế hoạch, tăng 5,2% so cùng kỳ; khai thác đạt 61,2% kế hoạch, tăng 1,1% so cùng kỳ. Sản lượng chế biến tôm hơn 101 nghìn tấn, đạt 66,5% kế hoạch, tăng 18,3% so cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu ước hơn 544 triệu USD, đạt 52,2% kế hoạch, tăng 20% so với cùng kỳ.

Những ngày này, 600 cán bộ, công nhân Công ty Camimex Cà Mau vẫn duy trì sản xuất theo phương án "1 cung đường, 2 điểm đến" và "3 tại chỗ". Công nhân được bố trí ăn "lệch giờ" tại căng-tin (có vách ngăn), tan ca được xe đón về khách sạn nghỉ ngơi, tuyệt đối không tiếp xúc với người ngoài. Tổng Giám đốc công ty Bùi Đức Cường cho biết: Công ty phải giảm đến 40% công nhân, tốn kém chi phí hơn nhưng bù lại vẫn duy trì sản xuất mức trên trung bình, đó là thắng lợi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử khẳng định, địa phương tạo điều kiện hết mức có thể và động viên để các doanh nghiệp xuất khẩu duy trì sản xuất trong tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, cái khó hiện nay phần nhiều nằm ngoài địa phương, nhất là với doanh nghiệp có ngành hàng chủ lực trong xuất khẩu nông, thủy sản.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cũng cho biết, trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, tỉnh cố gắng duy trì được 20% số doanh nghiệp sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" trong và ngoài khu công nghiệp với khoảng 200 nghìn người lao động. Tuy nhiên, quá trình thực hiện phương án "3 tại chỗ", đã có 70 doanh nghiệp với gần 10.500 lao động ngừng hoạt động; 256 doanh nghiệp giảm lao động với 6.574 công nhân.

Khó khăn lớn nhất hiện nay ở Đồng Nai khi thực hiện phương án "3 tại chỗ" là chi phí của doanh nghiệp tăng rất cao mới duy trì được sản xuất. Hoạt động trong điều kiện phòng, chống dịch nghiêm ngặt, hầu hết doanh nghiệp đều gặp khó khăn, vướng mắc. Đơn cử, chi phí xét nghiệm 3 ngày/lần cho 100% người lao động làm việc là chi phí rất lớn. Nếu doanh nghiệp có 500 lao động, mỗi tháng riêng chi phí xét nghiệm lên đến 1 tỷ đồng, đầu tư chỗ ăn, nghỉ, sinh hoạt,… cũng rất lớn.

Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã đề nghị thành phố giảm tần suất xét nghiệm cho công nhân làm việc tại chỗ xuống 1 tuần/lần hoặc hỗ trợ chi phí xét nghiệm để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Phương tiện của doanh nghiệp đưa người lao động đi xét nghiệm, mua thực phẩm, vận chuyển hàng hóa,… được phép lưu thông theo phương thức "1 cung đường, 2 điểm đến". Nhiều doanh nghiệp mong muốn chính quyền cho phép tăng tỷ lệ người lao động làm việc từ 30% lên 50 - 60% để dây chuyền sản xuất hiệu quả.

Đại diện nhiều doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh cũng nhận định, phương án "Ba tại chỗ" và "1 cung đường, 2 điểm đến" chỉ thích hợp áp dụng trong thời gian ngắn một vài tuần. Trong lúc kiểm soát dịch bệnh còn nhiều khó khăn, giải pháp này bộc lộ nhiều kẽ hở, nguy cơ cao, tạo ra những ổ dịch mới tại một số nhà máy có hàng nghìn công nhân, nguồn lây do cả bên ngoài và bên trong khu vực sản xuất.

UBND thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra bốn phương án sản xuất để doanh nghiệp tùy điều kiện lựa chọn. Doanh nghiệp kiến nghị nên cho phép cách ly các ca F0 tại khu vực cách ly trong nhà máy luôn để thuận tiện trong quản lý mà không cần đưa vào khu cách ly tập trung bên ngoài; hoặc nêu tiêu chí rõ ràng phương án "bốn xanh"; quy định cụ thể đối với trường hợp người lao động được về nhà…

Chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp phải hoạt động trong điều kiện phòng, chống dịch nghiêm ngặt, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định: Lãnh đạo TP Đà Nẵng rất cân nhắc và chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế, xã hội khi quyết định "phong tỏa cứng", nhằm loại bỏ ca nhiễm ra khỏi cộng đồng. Những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp sẽ được thành phố xem xét, cùng tháo gỡ, trên nguyên tắc ưu tiên hàng đầu cho phòng, chống dịch bệnh.