Duy trì chuỗi sản xuất tại các khu kinh tế, khu công nghiệp

Sau thời gian tích cực "lót ổ, đón đại bàng", các khu kinh tế, khu công nghiệp ở Bắc Trung Bộ đã quy tụ nhiều dự án "tỷ đô", "đầu kéo", góp phần quan trọng tạo đà tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm chuỗi sản xuất tại các khu kinh tế, khu công nghiệp đang được các địa phương, doanh nghiệp thực hiện khẩn trương, quyết liệt.

Đo thân nhiện cho công nhân lao động hằng ngày tại Công ty TNHH Gang Thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Đo thân nhiện cho công nhân lao động hằng ngày tại Công ty TNHH Gang Thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

Trong những năm qua, các khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), Ðông Nam Nghệ An (Nghệ An), Vũng Áng (Hà Tĩnh) đã thu hút nhiều dự án đầu tư trong nước và nước ngoài lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế vùng Bắc Trung Bộ.

Chủ động ngăn ngừa dịch bệnh

Ông Lý Mộc Văn, Giám đốc Trung tâm an toàn, vệ sinh môi trường, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), nằm trong Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) cho biết: Công ty đã sớm thành lập trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch, lên kế hoạch ứng phó với các tình huống ở những cấp độ khác nhau, thành lập ban quản lý khu cách ly gắn với việc tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng dịch đối với tất cả cán bộ, công nhân. FHS đã tiến hành sàng lọc, test nhanh Covid-19 cho 12.447 cán bộ, nhân viên công ty, công nhân các nhà thầu và người thân, tất cả đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Cùng với đó, hằng tuần, đơn vị sẽ tiến hành test nhanh Covid-19 cho 35% tổng số cán bộ, nhân viên của công ty. Thực hiện phương án "ba tại chỗ", FHS đã bố trí nơi ăn, nghỉ làm việc tập trung cho gần 5.000 lao động tại khu ký túc xá của FHS. Việc kiểm soát lực lượng lao động đang ở bên ngoài và lao động của các nhà thầu phụ khi ra vào công xưởng được thực hiện chặt chẽ.

Theo số liệu thống kê từ Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, trong tổng số gần 17.000 lao động đang làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng, dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh đã thu hút hơn 11.000 lao động. Ðể kiểm soát tốt sức khỏe cho hàng nghìn nhân viên, nhiều hình thức kiểm tra, giám sát trực tiếp đã được công ty thực hiện như: Lắp đặt hệ thống máy đo thân nhiệt tự động bằng thiết bị đo hồng ngoại tại khu vực cổng chính; nghiêm túc kiểm tra thân nhiệt tại các cửa ra vào và văn phòng làm việc, khi phát hiện trường hợp thân nhiệt hơn 37,50C và có các biểu hiện sốt thì không được lên ca và phải lập tức đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe...

Trưởng Ban phòng, chống dịch Covid-19 Khu công nghiệp VSIP (Nghệ An) Lê Ðức Giáp cho biết: Các doanh nghiệp sử dụng xe đưa đón công nhân hay công nhân trong nội huyện được đi xe riêng đi làm phải bảo đảm các điều kiện về an toàn phòng, chống dịch. Công nhân có giấy xét nghiệm âm tính trong 72 giờ, có giấy đi đường, cam kết tuân thủ phương án "một cung đường, hai điểm đến". Khu công nghiệp VSIP Nghệ An duy trì 24/7 các chốt kiểm tra, đội an ninh thường xuyên tuần tra, nhắc nhở và xử lý người và phương tiện ra vào khu công nghiệp… Khu công nghiệp VSIP kết hợp Công đoàn Ban Quản lý, Liên đoàn Lao động huyện Hưng Nguyên đến các doanh nghiệp có đông công nhân tuyên truyền cho người lao động sắp xếp công việc gia đình, cá nhân để thực hiện "ba tại chỗ" tại công ty. Người lao động được bố trí ăn, ở, trợ cấp thêm 1-1,5 triệu đồng/người/tháng, được chăm sóc, theo dõi sức khỏe, test định kỳ.

Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa có hơn 400 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho 96 nghìn lao động, trong đó có khoảng 130 doanh nghiệp có quy mô sử dụng từ 100 lao động trở lên. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa quản lý chặt các chuyên gia nhập cảnh. Mỗi doanh nghiệp cùng chủ động thực thi các biện pháp phòng, chống dịch, tăng cường quản lý, giám sát công nhân lao động. Với hơn 2.000 lao động làm việc tại cảng quốc tế và Công ty cổ phần gang thép Nghi Sơn, trong đó 30% công nhân, người lao động quê ở tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh nhiều tháng qua không về nhà, chấp hành quy định "ba tại chỗ". Công ty có cư xá cho công nhân lưu trú, tổ chức phương tiện đưa, đón trong ngày theo phương án "một cung đường, hai điểm đến"; thành lập tổ an toàn Covid-19 đến các bộ phận, phân xưởng sản xuất, cử nhân viên y tế mua kit, test nhanh cho người lao động ở bộ phận nguy cơ cao 3 ngày/lần nhằm chủ động kiểm soát, giảm chi phí phòng, chống dịch.

Anh Vũ Ngọc Huân, Tổ trưởng Tổ an toàn Covid-19 khu nhà trọ ở phố 5, phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa (Thanh Hóa) trao đổi: "Nhiều doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Lễ Môn sử dụng tới hàng nghìn lao động như Công ty may Việt - Nhật, Công ty giày Sun Jade Việt Nam, cho nên nhu cầu thuê nơi ở rất lớn. Tôi cùng nhiều gia đình trên địa bàn phường xây nhà cho công nhân thuê và thành lập tổ an toàn Covid-19 tại các khu nhà trọ nhằm giám sát dịch tễ, hướng dẫn công nhân, người lao động tự giác, chủ động giữ gìn vệ sinh nơi lưu trú, thực thi các biện pháp phòng, chống dịch".

An toàn để sản xuất

Từ ngày 23/8, Ban Quản lý Khu kinh tế Ðông Nam Nghệ An triển khai một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19; trong đó, yêu cầu các doanh nghiệp phải bố trí người lao động ăn, nghỉ, làm việc tập trung "ba tại chỗ" tại nhà máy. Kể từ 0 giờ ngày 25/8, tạm dừng việc bố trí xe đưa đón công nhân tập trung đi, về hàng ngày cũng như sử dụng xe cá nhân đi làm để hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19; khuyến khích người lao động đăng ký "ba tại chỗ" tại doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh đang lây lan nhanh và phức tạp trong cộng đồng.

Chủ tịch Hiệp hội May mặc Thanh Hóa Trịnh Xuân Lâm cho biết: Khi một bộ phận người lao động phải nghỉ việc, cách ly y tế, các doanh nghiệp trong hiệp hội giúp nhau may sản phẩm hoặc cho mượn máy khâu, tăng năng lực sản xuất, bảo đảm tiến độ, kế hoạch giao hàng.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Thanh Hóa thu hút được 64 dự án có tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 18 nghìn tỷ đồng và gần 43 triệu USD, thành lập mới 1.710 doanh nghiệp. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 16,83%, giá trị xuất khẩu đạt hơn 2,5 tỷ USD, tăng hơn 36%; thu ngân sách đạt hơn 19 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Hiện các cơ sở sản xuất trong các khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh duy trì hoạt động bình thường, bảo đảm phòng, chống dịch bệnh an toàn.

Nhờ chủ động tuân thủ, thực hiện hiệu quả các quy định phòng dịch, 6 tháng đầu năm 2021, FHS sản xuất hơn 3,2 triệu tấn thép các loại (tăng 20 % so với cùng kỳ), đạt doanh thu hơn 2,4 tỷ USD. Với những đóng góp quan trọng này, FHS đã và đang góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế Hà Tĩnh theo hướng gia tăng tỷ trọng công nghiệp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh, Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết: Hoạt động của các đơn vị sản xuất, kinh doanh tại Khu kinh tế Vũng Áng mang lại gần 60 % tổng thu ngân sách của địa phương, trong đó thu xuất nhập khẩu chiếm 97% của cả tỉnh. Vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ, duy trì chuỗi sản xuất có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với đó, tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy trình phòng, chống dịch Covid -19 nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh.

NGÔ TUẤN, THÀNH CHÂU, MAI LUẬN