Tổng khối lượng than thực cấp của TKV và Tổng công ty Đông Bắc cho các nhà máy nhiệt điện than của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạt gần 70% khối lượng theo hợp đồng đã ký, thấp hơn nhiều so với nhu cầu vận hành của các nhà máy này.
Đáng chú ý, Nhà máy Nhiệt điện than BOT Vĩnh Tân 1 cũng không được cung cấp đủ than theo như hợp đồng cung cấp than đã ký từ cuối năm 2013 và như vậy có thể dẫn tới nguy cơ phía Việt Nam phải bồi thường do ngừng máy vì thiếu nhiên liệu.
Thiếu hụt lao động sản xuất than
Trong hai tháng vừa qua, Công ty Than Quang Hanh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, số ca nhiễm là thợ lò tăng cao, ảnh hưởng việc huy động nhân lực, tác động tiêu cực đến sản xuất. Công ty đã thực hiện điều trị tích cực các ca nhiễm và bố trí sản xuất phù hợp, triển khai ứng dụng công nghệ mới, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, thực hiện thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh, phấn đấu hoàn thành đạt chỉ tiêu kế hoạch, sản lượng được giao.
Đến thời điểm hiện nay, số lượng công nhân của công ty huy động đi làm đã đạt từ 75% đến hơn 80%, đủ đáp ứng cho nhu cầu sản xuất. Dự kiến quý I/2022 Than Quang Hanh khai thác gần 800 nghìn tấn than nguyên khai, bằng 24%, trong đó than hầm lò gần 350 nghìn tấn. Tại Công ty Than Núi Béo, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số công nhân bị nhiễm Covid-19 tăng cao, nhất là thợ lò đã dẫn đến tình trạng thiếu lao động cục bộ, ảnh hưởng sản xuất.
Thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn, công ty nhanh chóng điều trị cho công nhân nhiễm bệnh, có phương án bố trí lao động phù hợp để giữ ổn định sản xuất, cung cấp than cho các khách hàng, nhất là than cho nhiệt điện.
Theo Phó Tổng Giám đốc TKV Phan Xuân Thủy, dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời tiết mưa nhiều bất thuận và nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày đã dẫn đến tình trạng ngành than bị thiếu lao động, nhất là lao động sản xuất than hầm lò, ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh trong quý I/2022 của Tập đoàn.
Thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3, các đơn vị sản xuất than hầm lò vùng Hạ Long và Cẩm Phả bị thiếu lao động trầm trọng do nhiều trường hợp công nhân là F0 phải nghỉ việc, ảnh hưởng đến sản xuất và cung cấp than, cùng với việc nhập khẩu than gặp khó khăn, thiếu hụt nguồn để pha trộn than, đáp ứng các chủng loại than cho nhiệt điện. Đến thời điểm hiện tại, số lao động huy động vào sản xuất đã tăng lên và bảo đảm sản lượng khai thác 150 nghìn tấn than nguyên khai/ngày. Một số đơn vị đạt sản lượng cao như Than Đèo Nai, Cao Sơn, Hạ Long, Vàng Danh, Uông Bí,…
Với quan điểm “không để thiếu than cho điện”, TKV đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tập trung sản xuất đạt sản lượng cao nhất; bám sát chỉ đạo điều hành của Tập đoàn theo từng tháng, từng quý, khắc phục các khó khăn về lao động, công nghệ, thiết bị,... khai thác đạt sản lượng ở mức cao nhất có thể, đáp ứng tối đa các chủng loại than cho tiêu thụ.
Các đơn vị sản xuất thực hiện giải pháp quyết liệt nhằm hạn chế lây lan dịch trong công nhân, dừng hoạt động tập trung đông người không cần thiết, phân loại F0, F1 để có biện pháp phân luồng, điều trị, bố trí sản xuất hợp lý. Các đơn vị sản xuất than hầm lò được yêu cầu huy động nhân lực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa một số lò chợ vào hoạt động. Những đơn vị sản xuất than lộ thiên có phương án lấy than trước mùa mưa, bảo đảm mục tiêu sáu tháng đầu năm đạt 60% kế hoạch năm; tập trung cao độ sản xuất trong các tháng 3, 4, 5, phấn đấu hoàn thành kế hoạch sáu tháng năm nay đạt ít nhất 50% kế hoạch cả năm.
Không để thiếu than
Phó Vụ trưởng Dầu khí và Than (Bộ Công thương) Trịnh Đức Duy nhấn mạnh, Bộ Công thương đặc biệt quan tâm công tác sản xuất và cung cấp than cho nhiệt điện, nhất là các nhà máy nhiệt điện BOT.
Với sản lượng than cho điện năm 2022 tăng và chiếm chủ yếu sản lượng than sản xuất của TKV, Bộ Công thương đề nghị Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị khắc phục khó khăn của dịch bệnh, trước mắt có giải pháp huy động lao động, bố trí sản xuất hiệu quả, về lâu dài tháo gỡ các khó khăn về sản xuất, giá than, nhập khẩu than,... để ổn định sản xuất, tăng sản lượng, đáp ứng đủ than cho nền kinh tế, nhất là than cho nhiệt điện, trong đó có 3 nhà máy nhiệt điện BOT gồm Vĩnh Tân 1, Mông Dương và Hải Dương, cung ứng than cho nhà máy nhiệt điện theo hợp đồng đã ký, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải đánh giá, trong năm 2022, nhu cầu than tăng cao đối với cả các nhà máy nhiệt điện và khách hàng khác, TKV đã chỉ đạo tăng sản lượng than sản xuất để cung cấp đủ than cho nhiệt điện. Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến thiếu hụt lao động, cùng với giá nhiên liệu tăng đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất than. Với tinh thần tập trung sản xuất tối đa để đạt sản lượng cao nhất; xác định tiếp tục thích ứng linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, lãnh đạo TKV đã chỉ đạo các đơn vị bố trí sản xuất phù hợp tình hình; phát động thi đua lao động sản xuất, phấn đấu hoàn thành kế hoạch và có cơ chế động viên, khen thưởng.
Có thể nói, ngành than đã huy động tối đa các nguồn lực cho sản xuất ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm mới, không để đứt gãy sản xuất ở bất cứ đơn vị nào. Các đơn vị cũng vận động công nhân thêm ca, thêm giờ để tăng giờ làm việc, tăng thời gian làm việc hữu ích, nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất than trong vùng cũng có phương án hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành kế hoạch sản lượng chung của cả vùng; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư phát triển sản xuất theo kế hoạch và các dự án chiến lược, đáp ứng nhu cầu tăng sản lượng trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Tính chung hai tháng đầu năm, TKV đã sản xuất hơn 6,4 triệu tấn than, bằng 16,4% kế hoạch năm.
Trong tháng 3 này, TKV điều hành sản xuất 4 triệu tấn, dự kiến cả quý I/2022, sản xuất đạt gần 10,5 triệu tấn, bằng 26,5% kế hoạch năm, đạt 25,5% kế hoạch điều hành và bằng 105% so với cùng kỳ than tiêu thụ 11,46 triệu tấn, bằng 26,66% kế hoạch năm và bằng 119% so với cùng kỳ... Ngành than cũng xây dựng phương án, tính toán khối lượng, chất lượng than nhập khẩu để chuẩn bị nguồn pha trộn, đáp ứng than cho nhu cầu của khách hàng.
Lãnh đạo TKV cũng nhận định, ngoài ảnh hưởng của dịch Covid-19 phức tạp dẫn đến thiếu hụt nhân lực tại các mỏ than, một diễn biến khác hết sức đáng chú ý đã tác động đến thị trường năng lượng quốc tế là cuộc xung đột Nga - Ukraine. Trong những ngày từ cuối tháng 2 trở lại đây, giá các loại nhiên liệu như dầu, khí, xăng và cả than ở nhiều thị trường quốc tế liên tục tăng cao.
Việc vận chuyển nhiên liệu bằng các phương thức vận tải đều gặp phải rất nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt, kể cả các chuyến tàu biển vận chuyển than. Điều này không chỉ làm hạn chế khối lượng than lưu thông trên thị trường mà còn làm giá than quốc tế tăng cao kỷ lục chưa từng có so với trước đây.
Trước tình hình thiếu hụt than cho sản xuất điện, Thứ trưởng Công thương Đặng Hoàng An đã chỉ đạo khẩn, yêu cầu TKV và Tổng công ty Đông Bắc thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm năng lực sản xuất than, thực hiện mọi giải pháp cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện theo đúng hợp đồng mua bán/cung cấp than đã ký, nhất là các nhà máy nhiệt điện BOT sử dụng than trong nước để tránh xảy ra tình trạng phía Việt Nam phải bồi thường do ngừng máy vì thiếu nhiên liệu.
Trong bất luận trường hợp nào cũng không được để thiếu than cho sản xuất điện theo cam kết tại hợp đồng mua bán/cung cấp than đã ký. Bộ Công thương yêu cầu EVN chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia có giải pháp điều độ phù hợp tình hình thực tế cũng như thông báo kế hoạch huy động cập nhật hằng tháng cho chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than để kịp thời thu xếp nguồn than cho sản xuất điện.