Vượt khó để duy trì dạy học trực tiếp

NDO -

Khoảng 1,7 triệu học sinh ở tất cả các khối lớp từ bậc mầm non, tiểu học, THCS và THPT tại TP Hồ Chí Minh đã bước sang tuần lễ thứ tư dạy và học trực tiếp. Trước bối cảnh dịch Covid-19 có chiều hướng gia tăng phức tạp, ngành giáo dục thành phố đang gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, duy trì dạy và học trực tiếp trên lớp.

Học sinh Trường tiểu học Phan Đình Phùng, quận 3 trong giờ ăn cơm buổi trưa.
Học sinh Trường tiểu học Phan Đình Phùng, quận 3 trong giờ ăn cơm buổi trưa.

Trong những ngày qua, mỗi ngày có hàng trăm học sinh tại Trường tiểu học Phan Đình Phùng phải ở nhà học trực tuyến do bị nhiễm, nghi nhiễm và tiếp xúc gần với người bị nhiễm Covid-19. Cụ thể, tính đến ngày 4/3, nhà trường có khoảng 160 học sinh nhiễm Covid-19 (chiếm tỷ lệ 9%) đều phát hiện tại gia đình, hơn 10 giáo viên trường này cũng bị nhiễm Covid-19.

Thầy Mai Quang Phương, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Đình Phùng cho biết: Thông qua việc nắm thông tin từ cha mẹ học sinh, nhà trường ghi nhận hầu hết các trường hợp học sinh này có triệu chứng sốt nhẹ, thậm chí có em vui chơi bình thường. Sau khi học sinh bị F0, nhà trường sẽ xác định các em học sinh tiếp xúc gần và cho ở nhà học trực tuyến.

Phụ huynh tự theo dõi trong vòng 7 ngày (lý do vì các em chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19), nếu không mắc bệnh thì các em sẽ trở lại trường. Nhà trường cũng trang bị các máy đo thân nhiệt, khử khuẩn tự động, lên các kịch bản xử lý các F0 theo từng cấp độ để chủ động phòng, chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, biện pháp tốt nhất để bảo đảm an toàn cho các em vẫn là biện pháp tiêm vaccine phòng Covid-19. Ngành giáo dục thành phố đang lấy ý kiến của phụ huynh về vấn đề này để triển khai tiêm phòng cho các em. Khi các giáo viên bị F0, tùy theo tình hình sức khỏe, các giáo viên này sẽ dạy học trực tuyến cho các em học sinh cách ly tại nhà.

Vượt khó để duy trì dạy học trực tiếp -0
Các trẻ Trường mầm non Tuổi Thơ 7, quận 3 trong giờ học tập.

Tính đến thời điểm này, Trường mầm non Tuổi Thơ 7, quận 3 chưa có trẻ nào bị nhiễm Covid-19 được phát hiện tại nhà trường. Các trẻ đến lớp được học tập trong môi trường thoáng mát, an toàn, vui vẻ. “Phụ huynh có thể yên tâm về công tác phòng, chống dịch bệnh của nhà trường. Nhà trường không dám bảo đảm 100% không xảy ra các trường hợp F0, nhưng tập thể giáo viên của trường luôn cố gắng tối đa vệ sinh trường lớp, bảo đảm khoảng cách khi ăn, vui chơi cho các trẻ”, cô Vũ Đỗ Thúy Hiền, Hiệu trưởng Trường mầm non Tuổi Thơ 7 nói.

Cũng theo cô Thúy Hiền, do còn tâm lý e sợ, nhiều phụ huynh chưa đưa trẻ đến trường học vui chơi, học tập. Những ngày qua, toàn trường có gần 200 trẻ đi học trong tổng số 380 trẻ của toàn trường, chiếm tỷ lệ hơn 50%.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là ngoài kinh phí mua kit test (test nhanh), nhà trường phải trang bị số lượng lớn dung dịch khử khuẩn.

Mỗi ngày nhà trường khử khuẩn dụng cụ học tập, đồ chơi cho các cháu 2 lần mỗi ngày, lớp học được lau 4 lần một ngày để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chỉ tính trong tháng 2, tổng chi phí trang bị khăn giấy, dung dịch khử khuẩn, xà-phòng… cho toàn trường là 24 triệu đồng. So với giai đoạn dịch Covid-19 chưa bùng phát, chi phí vệ sinh đã tăng hơn sáu triệu đồng/tháng.

Hiện tại, nhà trường tận dụng các nguồn thu của đơn vị để chi trả, song về lâu dài trường kiến nghị cần có thêm quy định về xã hội hóa nhằm tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục công lập.

Theo số liệu thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, kể từ khi học sinh đi học trực tiếp sau Tết Nguyên đán đến ngày 2/3, số học sinh bị nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 có 40.385 ca, phát hiện trực tiếp tại trường là 2.160 ca. Đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên bị nhiễm, nghi nhiễm ghi nhận tại các cơ sở giáo dục 3.689 ca, trong đó 381 ca ghi nhận tại trường.

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Trong hai tuần gần đây, tình hình dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục có xu hướng phức tạp, số lượng học sinh, giáo viên bị F0, F1 gia tăng. Số lượng học sinh đi học trực tiếp cũng bị ảnh hưởng do phải cách ly y tế.

Ngành giáo dục đang đối mặt với nhiều khó khăn để nỗ lực duy trì dạy và học trực tiếp trên lớp cho học sinh trong điều kiện bảo đảm các biện pháp an toàn cao nhất. Các trường học đang gặp khó khăn về thiết bị y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch, xử lý các tình huống khi có ca nhiễm và nghi nhiễm như bộ kit test nhanh, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn… Khó khăn này ngày bộc lộ càng nhiều trong điều kiện dịch có chiều hướng gia tăng.

Cũng theo ông Duy Trọng, trong tình hình hiện nay, vai trò của nhân viên y tế học đường rất quan trọng. Tuy nhiên, trong suốt hai năm xảy ra dịch bệnh ngành giáo dục không tuyển được nhân viên y tế, và nhiều trường không có nhân viên y tế chuyên trách, giáo viên phải kiêm nhiệm. Cũng có các trường có nhân viên y tế nhưng không bảo đảm theo quy định của y tế đã tạo ra những khó khăn nhất định.

Năm học 2020-2021, toàn thành phố có 2.339 cơ sở giáo dục nhưng chỉ có 1.319 đơn vị trường học có nhân viên y tế có chuyên môn (tỷ lệ 56,39%). Năm học 2021- 2022, lực lượng y tế học đường không những không được bổ sung mà còn giảm đi.

Qua đó, ông Duy Trọng kiến nghị, để bảo đảm công tác dạy và học trực tiếp đạt hiệu quả, thành phố xem xét hỗ trợ các thiết bị y tế, dung dịch khử khuẩn… có cơ chế, chính sách hỗ trợ giáo viên. Đồng thời, bổ sung lực lượng y tế học đường để lực lượng này trở thành nhân tố quan trọng trong công tác bảo vệ sức khỏe cho học sinh, nhất là trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Để tháo gỡ khó khăn và tầm soát các ca nghi nhiễm là học sinh, giáo viên ở các cơ sở giáo dục, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho hay, Sở vừa cung ứng 60 nghìn bộ kit test nhanh thông qua Sở Giáo dục và Đào tạo cho các trường học.

Qua kiểm tra, trong quá trình các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học trực tiếp, về cơ bản là bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Đối với các trường mầm non, phổ thông có tổ chức bán trú, đây là vấn đề ngành y tế rất quan tâm.

Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, việc tổ chức suất ăn trong trường học phải đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt hơn không chỉ an toàn thực phẩm mà còn an toàn trong phòng, chống dịch. Ngoài ra, một số trường còn đặt ra những yêu cầu thực sự không cần thiết đã gây phiền hà cho phụ huynh, như có trường quy định hằng tuần phải có xét nghiệm định kỳ…

Ông Hưng cho rằng: “Chưa bao giờ chúng ta thấy được tầm quan trọng của lực lượng y tế học đường như hiện nay. Trước đây, ngành y tế cũng đã có nhiều cảnh báo và việc thiếu hụt lực lượng này đã ảnh hưởng rất lớn trong công tác bảo đảm sức khỏe cho học sinh không chỉ trong tình hình dịch Covid-19 mà cho cả trong điều kiện bình thường.

Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo đã thống nhất sẽ đề xuất với UBND TP Hồ Chí Minh thí điểm để phát triển nhân viên y tế học đường cho các cơ sở giáo dục vừa đủ về số lượng vừa bảo đảm về chất lượng”.