Bộ GD-ĐT nói về kế hoạch thí điểm dạy tiếng Nga và Trung Quốc từ lớp 3

NDO -

NDĐT - Trước những ý kiến băn khoăn về việc dạy tiếng Nga, Trung Quốc là ngoại ngữ thứ nhất hệ 10 năm trong trường phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản giải đáp.

Bìa sách giáo khoa tiếng Nga của NXBGDVN (Ảnh minh họa).
Bìa sách giáo khoa tiếng Nga của NXBGDVN (Ảnh minh họa).

Tại Hội nghị trực tuyến do Bộ GD-ĐT mới đây về Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, cho biết Bộ GD-ĐT có lộ trình đưa tiếng Nga, tiếng Trung Quốc giảng dạy hệ 10 năm từ năm 2017. Vấn đề này nhận được nhiều ý kiến cả ủng hộ và không ủng hộ.

Trong văn bản gần đây nhất, Bộ GD-ĐT cho biết ý kiến về kế hoạch thí điểm chương trình giảng dạy tiếng Nga và tiếng Trung Quốc của ngoại ngữ thứ nhất. Theo đó, Bộ GD-ĐT cho biết: “Ngoại ngữ thứ nhất” là bắt buộc. Theo Quy định của Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006, học sinh được lựa chọn một trong bốn ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc làm ngoại ngữ thứ nhất. Năm 2011, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 2051/QĐ-BGDĐT ngày 18-5-2011 về việc tiếng Nhật được bổ sung dạy và học trong trường phổ thông như ngoại ngữ thứ nhất hoặc ngoại ngữ thứ hai tùy theo nhu cầu và lựa chọn của các địa phương và trường học.

“Ngoại ngữ thứ hai” là tự chọn, không bắt buộc. Tùy theo nhu cầu của người học và điều kiện dạy học, các trường phổ thông có thể bố trí dạy học đáp ứng nhu cầu của học sinh. Căn cứ vào ngoại ngữ thứ nhất, học sinh có thể chọn một trong năm ngoại ngữ nói trên là ngoại ngữ thứ hai. Gần đây, tiếng Đức và tiếng Hàn được Bộ GD-ĐT dạy học thí điểm như ngoại ngữ thứ hai ở các địa phương, trường học có nhu cầu và có đủ điều kiện dạy - học.

Theo Quyết định 1400/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, một trong những nhiệm vụ của Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020" là: "Xây dựng và triển khai chương trình mới đào tạo ngoại ngữ bắt buộc ở cấp học phổ thông đạt các bậc trình độ như sau: tốt nghiệp tiểu học đạt trình độ bậc 1 theo Khung năng lực ngoại ngữ; tốt nghiệp trung học đạt trình độ bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ; tốt nghiệp trung học phổ thông đạt trình độ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ.

Tổ chức xây dựng các chương trình ngoại ngữ phổ thông 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 đến lớp 12, biên soạn sách giáo khoa, tài liệu học tập, giảng dạy, phù hợp với quy định về năng lực trình độ của mỗi cấp, lớp học. Khuyến khích các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng, thực hiện các chương trình song ngữ, bồi dưỡng nâng cao trong các cơ sở của mình.

Ngoài chương trình đào tạo môn ngoại ngữ bắt buộc (ngoại ngữ 1), học sinh có thể tự chọn học thêm một ngoại ngữ khác (ngoại ngữ 2). Việc bố trí dạy môn ngoại ngữ 2 chỉ thực hiện từ lớp 6 đến lớp 12 với trình độ đạt tương đương bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông".

"Thực hiện Quyết định số1400/QĐ-TTg ngày 30-9-2008 của Thủ tướng Chính phủ, Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đã trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo kế hoạch triển khai giai đoạn 2016-2020,trong đó có hoạt động xây dựng chương trình môn học tiếng Nga, tiếng Trung Quốc theo chương trình mới - hệ 10 năm như đã xây dựng đối với tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nhật. Việc xây dựng chương trình này nhằm bảo đảm người học khi hoàn thành chương trình tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt được các chuẩn đầu ra quy định theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam đã được ban hành" - Bộ GD-ĐT cho biết.