Kiểm định để nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường đại học

Phóng viên báo Nhân Dân có cuộc trao đổi với GS, TSKH Bành Tiến Long, Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo chung quanh vấn đề này. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.

- Ðược biết Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) chuẩn bị thực hiện thí điểm kiểm định chất lượng ở một số trường đại học (ÐH) sau đó triển khai rộng rãi. Vậy xin đồng chí cho biết vì sao phải kiểm định và việc kiểm định này dựa trên tiêu chí cụ thể nào?

- Vâng, Bộ GD và ÐT triển khai thí điểm kiểm định chất lượng trường đại học. Mục đích của kiểm định là để đánh giá từng trường, liệu chất lượng đào tạo đạt được mục tiêu hay chưa. Mục tiêu này là do các trường đặt ra trong từng giai đoạn nhất định. Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trường đại học có 28 điều, 10 tiêu chuẩn gồm 53 tiêu chí cụ thể, mỗi tiêu chí có hai mức. Nội dung chủ yếu là xác định những điều kiện tối thiểu các trường cần phải có để bảo đảm chất lượng như: Tổ chức và quản lý; chương trình đào tạo; các hoạt động đào tạo; đội ngũ cán bộ quản lý; giảng viên và nhân viên; người học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hoạt động hợp tác quốc tế; thư viện, trang thiết bị học tập và cơ sở vật chất khác; tài chính và quản lý tài chính.

- Thưa ông, việc kiểm định như vậy có đánh giá đúng thực chất và có phù hợp điều kiện từng trường đại học hiện nay không?

- Trường ÐH đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng có nghĩa là trường đã có đủ các điều kiện để đào tạo được những sinh viên có những phẩm chất và năng lực cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Nhiều người gọi đó là trường ÐH có đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng. Việc kiểm định như vậy là đánh giá đúng thực chất vì quy trình kiểm định rất chặt chẽ.

Kiểm định có hai giai đoạn: đánh giá bên trong và đánh giá bên ngoài. Các trường phải thành lập một tổ chức kiểm định độc lập trong các trường để đánh giá bên trong. Ðây là điều kiện bắt buộc khi triển khai để đánh giá khách quan, đúng thực chất. Bản thân đội ngũ giảng viên, cán bộ, công chức, các tổ chức khác trong trường như: Thanh tra giáo dục, Thanh tra nhân dân, Ban kiểm soát, Hội sinh viên... là các tổ chức kiểm tra khi trường công bố công khai kết quả. Bản thân xã hội cũng sẽ là người kiểm tra khách quan công tác đánh giá bên trong.

Tiếp đến là công việc của Hội đồng kiểm định bên ngoài, gồm đại diện một số bộ, ngành, một số trường đại học, Hội sinh viên Việt Nam, cơ quan khoa học và kỹ thuật, các doanh nghiệp... sẽ là những người phản biện chuẩn xác nhất. Nếu đoàn chuyên gia đánh giá bên ngoài cho rằng báo cáo tự đánh giá của trường ÐH không phản ánh đúng thực chất của trường thì trường ÐH đó chắc chắn không được bộ công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Việc kiểm định như thế này hoàn toàn phù hợp điều kiện từng trường đại học hiện nay. Khi xây dựng tiêu chí cụ thể thì Bộ GD và ÐT đã cân nhắc đến tình hình thực tế của các trường đại học nước ta hiện nay.

- Vậy có nên đưa ra tiêu chí cho từng trường hoặc nhóm trường và hình như có tình trạng nhiều trường không mặn mà lắm với chủ trương này phải không thưa ông?

- Không thể đưa ra tiêu chí cho từng trường hoặc nhóm trường, đây cũng là thông lệ quốc tế. Hơn nữa các tiêu chí đưa ra trong Bộ tiêu chuẩn có hai mức: mức thấp và mức cao và cũng chỉ là những yêu cầu tối thiểu mà bất cứ trường đại học nào cũng phải đạt. Việc nhiều trường không "mặn mà" lắm với chủ trương này cũng dễ hiểu. Ngoài lý do là các trường phải gánh thêm công việc nặng nề và thêm chi phí thì cũng như ở nhiều nước trên thế giới, trong thời gian đầu, nhiều trường ÐH của ta còn ngần ngại, còn có tâm lý sợ "vạch áo cho người xem lưng". Nhiều trường cũng tỏ ra lo lắng về trách nhiệm của lãnh đạo trường. Ðây là sự lo lắng rất đúng. Nhưng khi họ xác định được rằng kiểm định chất lượng nhằm mục đích giúp các trường ÐH không ngừng phát triển, kiểm định có khâu tự đánh giá do chính nhà trường thực hiện và đánh giá ngoài do các đồng nghiệp, Hiệp hội nghề nghiệp... am hiểu các hoạt động của trường tham gia thực hiện, thì các trường ÐH sẽ tự tin hơn, đỡ lo lắng hơn.

Khi các trường ÐH hiểu rõ quy trình thực hiện, thấy được rằng kiểm định chất lượng sẽ giúp các trường ÐH tự xác định được vị trí của mình trong xã hội thì các trường ÐH sẽ đón nhận kiểm định chất lượng một cách thoải mái hơn, cởi mở hơn. Mười trường đăng ký kiểm định thí điểm đầu tiên hoàn toàn tự nguyện, nhiều trường khác cũng đã sẵn sàng.

- Ông có thể cho biết, nếu kiểm định mà chưa đạt chất lượng thì hướng xử lý của bộ ra sao?

-  Những trường ÐH chưa có đủ các điều kiện để được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng thì sẽ tiếp tục tự hoàn thiện và đăng ký kiểm định khi có đủ điều kiện. Và đương nhiên, bộ sẽ không cấp chứng nhận bảo đảm chất lượng. Nếu sau một thời gian tự hoàn thiện mà trường vẫn không được công nhận bảo đảm chất lượng thì chắc chắn hậu quả đối với trường sẽ rất lớn từ nhiều khía cạnh.

- Ông có thể cho biết công tác kiểm định các trường đại học đã làm gì và triển khai đến đâu, liệu đến bao giờ có thể thực hiện xong lộ trình kiểm định, đánh giá chất lượng trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng?

- Trong năm học 2005-2006, Bộ GD và ÐT sẽ tiến hành kiểm định khoảng 20% số trường đại học; trong hai, ba năm tiếp theo sẽ hoàn thành đợt một việc kiểm định tất cả các trường đại học theo các tiêu chí đã được quy định trong Bộ tiêu chuẩn. Ðây là một công việc lớn và hoàn toàn mới đối với chúng ta. Bộ GD và ÐT và các trường đã thống nhất chọn mười trường đại học tham gia kiểm định thí điểm đợt một, đã tổ chức tập huấn về tự đánh giá năm trường ở phía bắc cuối tháng 3 và tổ chức tập huấn cho năm trường ở phía nam vào đầu tháng 4-2005. Các trường này sẽ triển khai tự đánh giá (thường gọi là đánh giá bên trong) và Bộ GD và ÐT dự định sẽ thành lập Hội đồng kiểm định đánh giá bên ngoài các trường đó vào cuối năm 2005. Vào khoảng tháng 8-2005, bộ sẽ triển khai tập huấn tiếp theo cho mười trường đại học khác để có thể kiểm định công nhận trong năm 2006.

Bộ GD và ÐT chỉ đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng phối hợp Trung tâm Kiểm định của Ðại học Quốc gia Hà Nội, Dự án giáo dục đại học tập hợp chuyên gia, xây dựng văn bản, tài liệu tập huấn và hướng dẫn các trường tổ chức thực hiện, đã tổ chức buổi làm việc với lãnh đạo mười trường ÐH tham gia đợt kiểm định thí điểm, cử chuyên gia xuống giúp các trường triển khai tự đánh giá, hỗ trợ một phần kinh phí để các trường triển khai thực hiện. Ngoài ra, trong năm nay bộ đề nghị các trường cử cán bộ phụ trách công tác kiểm định đi thực tập ngắn ngày để học hỏi kinh nghiệm kiểm định chất lượng của các trường ở nước ngoài. Nhiều hoạt động liên quan khác cũng đang được triển khai. Bộ GD và ÐT đánh giá rất cao sự cố gắng và trách nhiệm của các trường vì đây là vấn đề mới và từ nay đến cuối năm khối lượng công việc của các trường rất lớn.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng.