Dạy học bằng hệ thống trình chiếu tiên tiến

Phương pháp dạy học hiện nay ở nước ta vẫn được coi là thụ động. Lâu nay, giáo viên thường soạn bài ra các trang giáo án, và khi đứng lớp dùng bảng đen, phấn trắng, còn sinh viên vừa nghe vừa chép. Ðiều này khiến giáo viên khá vất vả khi trình bày, còn học sinh quá chăm chú vào việc ghi chép, cho nên việc truyền đạt chưa đạt hiệu quả cao. Do đó, một câu hỏi đặt ra, tại sao chúng ta không áp dụng hệ thống thiết bị trình chiếu hỗ trợ giảng dạy hiện đại vào trường học nhằm đổi mới phương thức giảng dạy, nâng cao hiệu quả đào tạo.

Theo một nghiên cứu của hãng máy chiếu Liesegang (Ðức) cho thấy, nếu chỉ dùng mắt để quan sát, tức vận dụng kỹ năng nhìn, khả năng nhận thức và lưu giữ thông tin đạt 20-40%. Hoặc nếu chỉ sử dụng kỹ năng nghe, thì lượng thông tin, kiến thức tiếp nhận chỉ đạt 10-30%. Ngược lại, nếu kết hợp cả hai kỹ năng nghe và nhìn lại,  khả năng tiếp nhận và lưu giữ thông tin của người đó lên tới 60-80%. Còn nếu kết hợp việc trao đổi, vấn đáp thì hiệu quả còn cao hơn.

Hệ thống thiết bị trình chiếu tiên tiến giúp giáo viên và học sinh được giải phóng đôi tay. Hầu như công việc của giáo viên sẽ là cầm thanh trỏ laser hay bút điện tử và đưa ra lời giảng giải ngắn gọn, trong khi học sinh chỉ lật các trang giấy photocopy bài giảng và theo dõi. Sử dụng phương thức này, sinh viên sẽ chuyển từ hình thức nghe và chép thành nghe, nhìn, trao đổi, vấn đáp và hoàn toàn không bị sao nhãng vì việc chép bài. Với các tài liệu được photocopy sẵn trên tay, học sinh có thể hoàn toàn theo dõi được quá trình giảng dạy  của giáo viên lúc ở lớp và tiện xem lại khi về nhà. Với những thắc mắc của học sinh, giáo viên chỉ cần chuyển về khung hình có liên quan để giảng giải thay vì phải viết lại từ đầu, nếu phần đó đã lỡ tẩy xóa đi mất. Với giáo viên, tùy từng hệ thống trình chiếu, họ có thể soạn bài theo các cách khác nhau.

Chẳng hạn in trên phim trong, soạn powerpoint... Bài giảng sẽ được photocopy sẵn cho từng học sinh. Nếu phụ trách nhiều lớp cùng khóa, lợi ích càng rõ ràng. Họ không phải viết đi viết lại năm lần lên bảng cùng một nội dung, nếu như giáo viên đó phụ trách năm lớp cùng khóa trước mỗi một bài giảng như nhau. Giảng dạy bằng phương pháp mới sẽ sinh động, thú vị hơn truyền thống, bởi có âm thanh, hình ảnh, mầu sắc. Nếu cần, giáo viên có thể chạy cả một đoạn video liên quan đến bài giảng hay hiển thị các vật mẫu bằng một camera (chiếu vật thể). Với các hệ thống máy chiếu hiện đại, còn cho phép thầy và trò cùng trao đổi, vấn đáp tương tác qua mạng. Giáo viên có thể chấm bài, chọn bài mẫu của học sinh ưu tú để giới thiệu trước cả lớp bằng cách hiển thị bài viết trên màn hình.

Hiện tại, có hai loại hệ thống trình chiếu giảng dạy, đó là sử dụng máy chiếu hắt với ngân sách đầu tư thấp (dưới 10 triệu đồng)  và dùng máy chiếu đa năng nếu nhà trường có kinh phí dự trù từ 20 triệu đồng trở lên. Ngoài ra, nếu trường nào có ngân sách lớn, có thể trang bị thêm các phụ kiện hỗ trợ khác như: camera chiếu vật thể, bảng điện tử. Máy chiếu hắt là thiết bị giúp phóng to tài liệu, văn bản, hình ảnh  được in trên tấm phim trong. Một hệ thống trình chiếu dùng máy chiếu hắt thường bao gồm: một máy chiếu hắt (Overhead Projector), màn chiếu và phim slide.

Ưu điểm của hệ thống này là dễ sử dụng, không cần tới máy tính và vốn đầu tư thấp. Yếu điểm của hệ thống là máy chiếu thường khá nặng, khó di chuyển và điều khiển thủ công. Những hãng hàng đầu về máy chiếu hắt hiện nay là Liesegang, Kindermann (Ðức), SunBeam (Nhật)... Máy chiếu đa năng, cũng có vai trò phóng to hình ảnh, nhưng còn có nhiều lợi thế hơn. Ðó là khả năng hiển thị từ nhiều nguồn khác nhau: máy vi tính, thu hình, đầu DVD, mạng Internet... Các máy chiếu đa năng đời mới còn có thể kết nối không dây, tích hợp loa âm thanh nổi, đầu DVD, máy ảnh/quay video, đầu đọc thẻ nhớ..., và được cải tiến theo hướng gọn nhẹ, đa năng hơn với nhiều loại cổng kết nối hơn. Một hệ thống trình chiếu giảng dạy dùng máy chiếu đa năng thường bao gồm một máy chiếu multimedia, máy tính xách tay và màn chiếu.

Người sử dụng đòi hỏi phải có kỹ năng về sử dụng máy vi tính và các phần mềm ứng dụng, soạn thảo văn bản, hoặc thiết kế (MS Word, Excel, PowerPoint, AutoCAD...), nhất  là PowerPoint.  Trên thị trường có rất nhiều hãng sản xuất máy chiếu đa năng tên tuổi như Hitachi, Sanyo, Epson, Panasonic, Sony, Canon, Infocus, Optoma, BenQ...

Màn chiếu được coi một phụ kiện tiêu chuẩn cho cả hai loại máy chiếu trên. Tùy thuộc vào diện tích và cách thiết kế của văn phòng mà người dùng có thể chọn loại màn chiếu treo tường hoặc ba chân để có thể di chuyển khi cần thiết. Những thương hiệu màn chiếu phổ biến là Da-lite, Stewart... Máy tính xách tay là thiết bị hầu như không thể thiếu với hệ thống trình chiếu dùng máy chiếu đa năng thông thường. Tuy nhiên, với các máy chiếu tích hợp sẵn khe cắm thẻ nhớ, khả năng đọc ổ USB, hoặc đầu DVD thì vai trò của chiếc laptop chỉ còn có tác dụng gián tiếp. Camera chiếu vật thể cũng  là thiết bị phụ trợ đi kèm với máy chiếu đa năng. Giảng viên có thể dùng nó để thu hình tài liệu và các đồ vật chung quanh theo mọi góc độ. Giống như camera quan sát, máy có thể tự động lấy nét siêu nhanh, và cho phép hiển thị gần như theo thời gian thực.

Ngoài ra, thay vì sử dụng bảng đen, phấn trắng, bảng điện tử kết hợp  máy chiếu đa năng cũng có tác dụng như màn hình hiển thị và cho phép tương tác trực tiếp trên bề mặt bằng bút điện tử. Sau mỗi lần viết hết bảng hoặc kết thúc chương bài,  có thể in, quét ảnh và gửi e-mail nội dung vừa trình bày. Bút điện tử còn có thể thay thế vai trò của chuột và bàn phím máy tính, cho phép thực hiện các thao tác lưu, sửa, xóa... (Bảng này còn có một phiên bản đơn giản hơn là Copy Board, cho phép viết lên và in nội dung ra và không cần phải kết nối vào máy chiếu).