Một trong số đó là hướng dẫn viên trẻ Lê Hoàng, trước đây chuyên làm lữ hành quốc tế. Những tháng đầu năm 2020, khi khách nước ngoài gần như không đến Việt Nam, Hoàng và nhiều đồng nghiệp rơi vào cảnh thất nghiệp, nhưng không vì thế mà anh chán nản. Hoàng dồn thời gian nghiên cứu thông tin trên mạng và biết đến nền tảng trải nghiệm trực tuyến vừa ra mắt của Airbnb, cho phép người dùng tổ chức những hoạt động online có khả năng mang lại giá trị cho khách hàng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ngay lập tức, chàng hướng dẫn viên trẻ bắt tay vào lên kế hoạch chi tiết cho tour du lịch trực tuyến đầu tiên về chủ đề tìm hiểu văn hóa cà-phê Việt, hướng dẫn du khách cách pha cà-phê truyền thống kiểu Việt Nam. Tất cả những gì anh cần chuẩn bị là chiếc điện thoại được nối mạng internet, chân máy, micro chống ồn cùng những nguyên liệu pha chế cần thiết. Vì là tour trực tuyến cho nên du khách được cận cảnh chứng kiến từng công đoạn thực hiện qua màn hình và làm theo, được tương tác trực tiếp với hướng dẫn viên để làm rõ hơn những điều còn thắc mắc. Hoàng cũng thường xuyên thay đổi địa điểm pha chế để bên cạnh kiến thức về cà-phê, du khách còn được tìm hiểu thêm thông tin về những địa danh đẹp của Việt Nam. Mỗi tour như này thường được anh thiết kế trong khoảng một giờ đồng hồ. Trên Airbnb, trang bán tour của anh nhận được nhiều đánh giá tích cực với 4,98/5 sao. Du khách thích thú với cách trò chuyện dí dỏm của anh và hơn hết là những kiến thức về văn hóa, lối sống người Việt Nam đằng sau những câu chuyện về cà-phê Việt.
"Nếu không thể đưa khách đến đất nước mình, tại sao không mang đất nước mình đến gần hơn với họ?", tâm niệm như vậy cho nên ngoài tour về cà-phê Việt, Hoàng còn mở rộng vận hành những tour du lịch online đi bộ tham quan phố cổ, tìm hiểu lịch sử Hà Nội hay khu phố Pháp ở Thủ đô… Tour du lịch của Hoàng chủ yếu thu hút du khách nước ngoài từ các thị trường xa ở châu Âu, châu Mỹ, Australia… Có những tour quy định mức phí cố định, nhưng cũng có tour được tổ chức miễn phí, hướng dẫn viên chỉ nhận tiền tip (tiền boa) từ khách tham gia. Hoàng cho hay trung bình mỗi tour thường có từ bảy đến 10 khách, ngoài ra có tour tổ chức cho từ 40 đến 50 khách. Tính đến nay, anh đã hướng dẫn cho cả chục nghìn khách đăng ký các tour online. Trong khi Hà Nội đang trong những ngày giãn cách xã hội, nhưng Hoàng vẫn bận rộn với những tua trực tuyến về cà-phê Việt được thực hiện tại nhà. Anh dự định thời gian tới sẽ triển khai thêm tour giới thiệu về kho tàng truyện cổ tích Việt Nam…
Đã và đang có doanh nghiệp cũng áp dụng hình thức tour trực tuyến như Lê Hoàng, trong đó Ginatours là một trong số ít những doanh nghiệp lữ hành vẫn đang cố trụ lại giữa mùa dịch. Hiện tại, doanh nghiệp này là đơn vị tiên phong trong chuyển hướng khai thác những tour du lịch được tổ chức dưới dạng "phát sóng trực tiếp". Hướng chủ yếu đến đối tượng học sinh, sinh viên trong nước và du khách Nhật Bản, công ty xây dựng những tour du lịch trực tuyến theo từng chủ đề riêng với mục đích tham quan kết hợp giáo dục, như: Tour tìm hiểu lịch sử chiến tranh tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, TP Hồ Chí Minh; Tour tham quan Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, TP Hồ Chí Minh; Tour tham quan và tìm hiểu về áo dài, văn hóa dân gian Việt Nam tại Bảo tàng Áo dài, TP Hồ Chí Minh; Tour trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt và đặc sản miền tây sông nước tại Mỹ Tho, Tiền Giang; Tour tham quan và trải nghiệm phố cổ Hội An, Quảng Nam… Một nhân viên kinh doanh tour online của Ginatours cho biết, trong điều kiện không thể đi du lịch dễ dàng như trước, việc tìm đến những tour du lịch online là lựa chọn hợp lý. Bởi chỉ cần những thiết bị điện tử như ipad, điện thoại kết nối mạng, dù ở nhà, du khách vẫn có thể tham gia hành trình thực tế khám phá cảnh sắc văn hóa, thiên nhiên ở những điểm du lịch nổi tiếng mà không cần di chuyển với chi phí vô cùng tiết kiệm. Điểm thú vị đặc biệt của những "livestream tours" này là du khách và hướng dẫn viên có thể tương tác trực tiếp với nhau ngay tại thời điểm phát sóng cho nên càng gia tăng sự hứng thú và cảm giác trải nghiệm.
Mặc dù chưa thật sự phổ biến nhưng rõ ràng những tour du lịch online khai thác thế mạnh của công nghệ đã phát huy được lợi thế trong bão Covid khi vừa bảo đảm an toàn phòng dịch, vừa đáp ứng nhu cầu du lịch bị kiềm chế khá lâu của du khách toàn cầu. Theo nhiều chuyên gia, đại dịch càng kéo dài, càng cần nhìn nhận du lịch online như một hướng đi cần thiết nhằm khơi thông dòng chảy du lịch và phần nào hạn chế những tổn thất nặng nề của ngành. Từ quá trình thực hiện những tour du lịch phát sóng trực tiếp thời gian qua, những hướng dẫn viên như Lê Hoàng cũng nhận ra trong số những du khách mà anh phục vụ còn có cả những đối tượng đặc biệt như người cao tuổi, người khuyết tật. Vì thế, ngay cả khi dịch bệnh được khống chế, du lịch online cũng là một hướng khai thác cần được các doanh nghiệp du lịch đầu tư đẩy mạnh để thu hút thị phần du khách chưa được ngành công nghiệp không khói quan tâm, đó là những người có nhu cầu cao về du lịch nhưng bị hạn chế về thời gian, về năng lực kinh tế hoặc sức khỏe trong thực hiện những chuyến du lịch theo hình thức truyền thống.