Tìm "nét riêng" cho du lịch Vĩnh Long

Xây dựng sản phẩm đặc trưng, riêng biệt để tập trung đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đồng thời liên kết các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước để phát triển, đào tạo đội ngũ lao động có chuyên môn nghiệp vụ, đó là các giải pháp chính và định hướng phát triển của ngành du lịch tỉnh Vĩnh Long.

Du lịch trải nghiệm "tát mương bắt cá" ở Khu du lịch Vinh Sang (Vĩnh Long).
Du lịch trải nghiệm "tát mương bắt cá" ở Khu du lịch Vinh Sang (Vĩnh Long).

Khai thác tiềm năng và lợi thế

Tỉnh Vĩnh Long có vị trí trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) bởi sự đa dạng và trù phú của vùng đất nằm giữa hai sông lớn Tiền Giang - Hậu Giang. Nhìn từ trên cao, Vĩnh Long giống như một cù lao hình thoi nổi giữa sông với bốn vùng sinh thái nông nghiệp đặc trưng: Vùng phù sa cao ven sông, vùng cù lao; vùng đất trũng phèn có ảnh hưởng lũ; vùng đất trũng phèn không ảnh hưởng lũ. Trong đó, vùng phù sa cao ven sông có lợi thế bãi bồi, đất đai màu mỡ, thích hợp phát triển trồng cây ăn trái đặc sản, chuyên canh màu, nuôi trồng thủy sản trong mương vườn, nuôi cá bè trên sông và phát triển du lịch xanh. Diện tích trồng cây ăn trái của tỉnh khoảng 40 nghìn ha với nhiều loại đặc sản: bưởi năm roi, cam sành, măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, nhãn... mỗi năm sản lượng lên đến hàng trăm nghìn tấn, thu hàng trăm tỷ đồng. Ngày nay, nhiều nhà vườn nhạy bén đã biết tận dụng khai thác du lịch sinh thái.

Mục tiêu chung về phát triển du lịch của tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2010- 2015 là: "Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển du lịch sinh thái kết hợp tham quan di tích lịch sử, làng nghề... lượng khách tăng bình quân 20%/năm". Ðể đạt được mục tiêu này, những năm qua, Vĩnh Long đã tập trung đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, nhất là phát triển hệ thống cơ sở lưu trú, khách sạn đạt chuẩn "sao", nhà nghỉ và "homestay" ở nhà dân; cơ sở ăn uống, vui chơi giải trí - thể thao; phương tiện vận chuyển và nguồn nhân sự cho ngành du lịch; đồng thời khai thác tốt tiềm năng, lợi thế có sẵn từ thiên nhiên để phát triển. Những năm qua, khách du lịch đến Vĩnh Long tăng bình quân 10-12%/năm. Năm 2013, Vĩnh Long đón 940.000 lượt khách, trong đó có 5.500 lượt khách quốc tế, doanh thu 200 tỷ đồng. Năm 2014, ước đón 960.000 lượt khách, trong đó có 7.500 lượt khách quốc tế. Ðến năm 2015, mục tiêu của tỉnh là đón một triệu lượt khách, trong đó có 9.000 lượt khách quốc tế, với tổng doanh thu 220 tỷ đồng.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long, mặc dù tiềm năng du lịch dồi dào, nhưng việc phát triển lĩnh vực này thời gian qua chưa tương xứng. Ðiển hình như cù lao An Bình được xem là "thủ phủ" của loại hình du lịch "sông nước miệt vườn" và "Homestay - Tây ở nhà ta". Cù lao này có bốn xã An Bình, Hòa Ninh, Bình Hòa Phước và Ðồng Phú, thuộc huyện Long Hồ; nằm giữa sông Tiền và sông Cổ Chiên, khí hậu mát mẻ, thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, du lịch sông nước và phát triển cây ăn trái đặc sản. Hiện cả cù lao có 21 cơ sở lưu trú - du lịch, trong đó: 17 cơ sở có lưu trú (homestay); bốn cơ sở kinh doanh ăn uống, du lịch (không lưu trú). Những năm gần đây, đã có những nhà đầu tư lớn vào khu du lịch cù lao này, với nhiều sản phẩm hấp dẫn, như đi xem động vật quý hiếm, tham gia các trò chơi giải trí: câu cá, tát mương, chụp đìa... Tuy nhiên, sự đầu tư chỉ dừng lại ở đó, chứ chưa có những dịch vụ du lịch thu hút, níu chân du khách lưu lại dài ngày. Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long) Trần Thiện Ngoan cho biết, tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống với các sản phẩm độc đáo nhưng chưa được đầu tư xây dựng bài bản, chưa có các gian hàng mỹ nghệ chào bán sản phẩm nên loại hình du lịch làng nghề cũng chưa được khai thác hiệu quả.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long Nguyễn Văn Giàu cho biết, du lịch văn hóa sinh thái sông nước miệt vườn của tỉnh đã có thương hiệu và nguồn khách ổn định. Tuy nhiên, 80% đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn vẫn còn tính chất hộ gia đình, tính liên kết giữa các doanh nghiệp chưa cao, dịch vụ trong các cơ sở lưu trú còn đơn điệu, thiếu sản phẩm hỗ trợ để làm phong phú sản phẩm du lịch ở địa phương. Trước đây, khu du lịch trang trại Vinh Sang ở cù lao An Bình bắt đầu khai thác loại hình du lịch trải nghiệm như "tát mương bắt cá", đã thật sự gây ấn tượng mạnh mẽ đối với du khách. Không chỉ tái hiện cảnh sinh hoạt đồng quê, khu du lịch này còn chú ý đến các chi tiết thời gian, như khách tham gia phải mặc đồ ba bà đen, tát gàu sòng, bắt cá bằng nơm... tạo cảm giác gần gũi với nông thôn Nam Bộ. Tuy nhiên, không lâu sau, khi đến bất cứ một khu du lịch ở Tiền Giang hay TP Cần Thơ, cũng đều bắt gặp những "mô hình" tương tự. Vậy là, du lịch miền Tây "đâu cũng giống đâu". Hay như loại hình "Homestay - Tây ở nhà ta" ở Vĩnh Long phát triển khá tốt. Cù lao An Bình vẫn còn những ngôi nhà cổ truyền thống Nam Bộ, ba gian hai chái nằm dưới vườn cây trái sum suê. Thậm chí, ông Ba Lình, chủ một ngôi nhà cổ còn "tỉ mỉ" giữ đúng nét xưa với nền nhà bằng đất. Theo thời gian, nền đất kia trở nên sần sùi đậm nét thời gian. Từ khách ta đến khách Tây khi đặt chân đến đây đều bịn rịn không muốn rời chân. "Thích nhất là chúng tôi được tham gia mọi sinh hoạt cùng chủ nhà. Họ hướng dẫn chúng tôi nấu những món ăn dân dã mà hết sức độc đáo của đất nước các bạn. Khi đến đây tôi không có cảm giác mình là khách vì chủ nhà rất thân thiện và gần gũi. Ðiều đó đã gây ấn tượng với tôi", cô An-na Ma-ri Ðúp, một nữ du khách đến từ Anh chia sẻ. Tuy nhiên, "Homestay" bây giờ đã "phủ sóng" khắp các điểm du lịch sinh thái ở miền Tây. Và không ít nơi đã làm "biến tướng" hoặc làm xấu đi hình ảnh của loại hình du lịch trải nghiệm hấp dẫn này.

Tìm "nét riêng" cho du lịch Vĩnh Long ảnh 1

Khách du lịch tham quan Khu tưởng niệm Võ Văn Kiệt tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Ðể phát triển bền vững thì du lịch Vĩnh Long phải có những cái riêng, đó là nhận định của nhiều chuyên gia. Cùng với việc quan tâm đào tạo nguồn nhân lực lao động trực tiếp trong ngành du lịch có chuyên môn cao, việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn cho Vĩnh Long là công việc vô cùng quan trọng và cấp thiết. UBND tỉnh Vĩnh Long đã làm việc với Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch Việt Nam) và đi đến thống nhất xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh nhà. "Ðó là Du lịch sinh thái miệt vườn sông nước; "Homestay - Tây ở nhà ta" và Bảo tàng Nông nghiệp. Mặc dù đây chỉ là dự thảo, nhưng cơ bản là lãnh đạo tỉnh đã thống nhất. Vĩnh Long là địa phương đầu tiên phát triển loại hình du lịch trải nghiệm Homestay với những cái riêng độc đáo. Việc xác định này sẽ giúp ngành du lịch của tỉnh tập trung đầu tư cho các sản phẩm đặc trưng, không dàn trải.

Bài và ảnh: BÙI QUỐC DŨNG

Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, trong đề án liên kết phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long đã "phân phối" rõ sản phẩm du lịch riêng, đặc thù cho từng địa phương hoặc từng cụm. Thí dụ, du lịch mùa nước nổi thì Ðồng Tháp - Long An với vùng Ðồng Tháp Mười sẵn có, du lịch tâm linh hành hương ở An Giang với Vía bà Châu Ðốc, Núi Cấm... Khi đó, mỗi địa phương đều có sản phẩm du lịch riêng thì việc liên kết mới thật sự đem lại hiệu quả và phát triển bền vững.