Tìm hướng phát triển hiệu quả cây thanh long

Thanh long từng là cây "xóa đói, giảm nghèo" và là cây "làm giàu" của hàng trăm nghìn hộ dân ở nhiều địa phương, tập trung tại ba tỉnh: Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Tuy nhiên, sản xuất và tiêu thụ trái thanh long ngày càng khó khăn, thiếu ổn định. Thực tế đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết một cách căn cơ từ sản xuất đến tiêu thụ, để phát triển hiệu quả, bền vững loại nông sản này.

Nông dân xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Long An thu hoạch thanh long. (Ảnh THANH PHONG)
Nông dân xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Long An thu hoạch thanh long. (Ảnh THANH PHONG)

Bài 1: Bất cập giữa mở rộng diện tích và tiêu thụ sản phẩm

Năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, sản xuất và tiêu thụ thanh long đã và đang gặp nhiều khó khăn. Giá thu mua thanh long trong nước giảm rất sâu khiến nhiều nhà vườn điêu đứng.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, cả nước có khoảng 64.700 ha thanh long tập trung chủ yếu ở ba tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Trong đó, Bình Thuận dẫn đầu với hơn 33.750 ha; tiếp đến là Long An với hơn 11.800 ha và Tiền Giang hơn 9.700 ha. Hầu hết thanh long do các hộ nông dân trồng và không chủ động được thị trường tiêu thụ…

Không quản lý được sản xuất

Ông Nguyễn Văn Chín ở thôn Phú Mỹ, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) cho biết, trước đây, gia đình ông có 7 sào đất trồng lúa nhưng thu nhập rất thấp, chỉ đủ ăn. Năm 2010, gia đình chuyển sang trồng cây thanh long và cho thu nhập cao gấp 5-7 lần so với trồng lúa, cuộc sống của gia đình khá hẳn lên. Không chỉ riêng gia đình ông Chín, gần như tất cả các hộ dân có đất lúa ở địa phương cũng đều chuyển sang trồng thanh long.

Từ nhiều năm trước, thanh long được xác định là cây trồng lợi thế và đặc sản của tỉnh Bình Thuận. Doanh thu bình quân của thanh long đạt khoảng 350-400 triệu đồng/ha/năm; lợi nhuận bình quân khoảng 150-170 triệu đồng/ha/năm, cao hơn rất nhiều so với các loại cây trồng khác. Chính vì vậy, diện tích thanh long phát triển rất nhanh, đặc biệt trong giai đoạn 2010-2020.

Đến cuối năm 2021, diện tích thanh long của Bình Thuận khoảng 33.750 ha với hơn 30 nghìn hộ nông dân tham gia sản xuất, thu mua, sơ chế, xuất khẩu thanh long. Hằng năm, tạo việc làm thường xuyên cho 70-80 nghìn lao động. Giá trị xuất khẩu thanh long chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất cây ăn quả.

Tại Long An, qua hơn 10 năm cây thanh long bén rễ đã mang về lợi nhuận ròng cho nông dân hơn 1 tỷ đồng/ha/năm. Cây thanh long góp phần quan trọng giúp Châu Thành trở thành huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Long An…

Thực tế, người nông dân thấy cây trồng nào mang lại hiệu quả kinh tế cao thì sẽ tập trung phát triển. Ông Nguyễn Văn Sinh ở thôn Thuận Thành, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) cho biết, năm 2011, gia đình ông trồng 400 trụ thanh long ruột trắng trên diện tích 4 sào đất lúa, đến năm 2014 cho thu hoạch, hiệu quả cao hơn hẳn lúa và các loại cây trồng khác. Thấy vậy, nhiều hộ trong thôn làm theo và đến bây giờ cả thôn đều trồng thanh long, nhà nào ít nhất cũng được một sào thanh long.

Ông Nguyễn Văn Triệu ở xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết, trước đây, thấy một số hộ nông dân trồng thanh long đều "ăn nên làm ra", từ hộ nghèo, cận nghèo đã vươn lên giàu có. Đến năm 2016, khi thấy giá thanh long ruột đỏ ở mức cao, gia đình ông đã chuyển đổi 7 sào đất trồng rau màu sang chuyên canh cây thanh long ruột đỏ. Việc chuyển đổi sang trồng cây thanh long lan rộng khắp địa phương…

Tình trạng sản xuất theo phong trào, nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, mạnh ai nấy trồng diễn ra ở hầu khắp các vùng trồng thanh long. Chính vì vậy việc quy hoạch cây trồng ở các địa phương bị phá vỡ.

Theo quy hoạch, vùng trồng thanh long tập trung của Bình Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 là 30.000 ha; đồng thời, không khuyến khích mở rộng thêm diện tích để tập trung đầu tư phát triển thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích hiện có. Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh đã có hơn 33.750 ha, vượt gần 4.000 ha so với quy hoạch. Hầu hết các địa phương trong tỉnh (trừ huyện đảo Phú Quý) đều trồng thanh long. Một số địa phương xác định thanh long là cây trồng chủ lực như Hàm Thuận Nam, huyện có diện tích trồng thanh long cao nhất tỉnh với gần 15.000 ha, chiếm 1/3 diện tích đất sản xuất của toàn huyện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cho biết, trong đề án "Phát triển cây thanh long của tỉnh Tiền Giang đến năm 2025" quy hoạch với diện tích khoảng 9.000 ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này, diện tích trồng thanh long của tỉnh đã vượt mục tiêu về diện tích của đề án hơn 700 ha. Người nông dân sản xuất tự phát rất khó kiểm soát, chính quyền địa phương và ngành chức năng không thể quản lý được người sản xuất, nếu có cũng chỉ áng chừng.

Thị trường tiêu thụ không ổn định

Năm 2021, sản lượng thanh long của cả nước đạt gần 1,4 triệu tấn, trong đó riêng ba tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang chiếm sản lượng hơn 1,25 triệu tấn. Thị trường nội địa tiêu thụ khoảng từ 15-20% sản lượng, còn lại từ 80-85% sản lượng là xuất khẩu. Trong xuất khẩu, chỉ có khoảng từ 2-3% là xuất khẩu chính ngạch, còn lại theo hình thức biên mậu (tiểu ngạch) qua biên giới Trung Quốc.

Theo ngành công thương của ba tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, đa số các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến xuất khẩu thanh long ở địa phương tham gia xuất khẩu tiểu ngạch, chỉ một số ít xuất khẩu chính ngạch. Tỉnh Bình Thuận có 200 doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến xuất khẩu thanh long, trong đó có 18 đơn vị xuất khẩu chính ngạch, còn lại là xuất khẩu tiểu ngạch. Tỉnh Tiền Giang, trong số 80 đơn vị thì chỉ có 17 đơn vị xuất khẩu chính ngạch.

Ông Nguyễn Tiến, chủ một cơ sở thu mua thanh long xuất khẩu ở xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) có thâm niên hơn 15 năm bán thanh long qua thị trường Trung Quốc theo hình thức tiểu ngạch cho biết, để bán được thanh long, mỗi chủ cơ sở phải tự tìm các mối bán hàng cho mình tại các chợ của Trung Quốc để thỏa thuận, sau đó thông qua những trung gian vận chuyển đưa thanh long của mình tới đó bán. Các chủ cơ sở hoặc các doanh nghiệp hoàn toàn không chia sẻ mối khách hàng tiêu thụ của mình cho người khác. Giá cả hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ của họ.

Căn cứ vào báo giá từ khách hàng Trung Quốc, các chủ cơ sở ở Việt Nam sẽ đặt hàng các thương lái thu mua thanh long theo quy cách, chất lượng và giá cả thỏa thuận; trên cơ sở đó, các thương lái sẽ tìm đến các nhà vườn thanh long để thu mua theo nguyên tắc "thuận mua, vừa bán". Khi nhu cầu thị trường tăng, giá thanh long lên cao, người trồng thanh long được hưởng lợi; khi nhu cầu thị trường giảm, giá thanh long xuống thấp, nông dân sẽ là người bị thiệt hại nhiều nhất…

Theo Cục Trồng trọt, giá trị xuất khẩu thanh long của cả nước đạt cao nhất vào năm 2019 với gần 1,25 tỷ USD. Thanh long Việt Nam xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ thanh long chủ yếu với tỷ lệ 90%. Tuy nhiên, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long đã và đang gặp nhiều khó khăn. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc; giá thu mua trong nước giảm sâu, hiện nay thanh long ruột trắng chỉ còn 500 đồng đến 1.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ 3.000 đến 5.000 đồng/kg.

Ông Lê Văn Hải ở thôn Bình An, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) có 5 sào thanh long, nói: "Thanh long nhà tôi hiện đang cho thu hoạch nhưng bán không được, để lâu cũng không được mà muốn cắt bỏ cũng không đủ sức. Thương lái chỉ mua với giá 500 đồng đến 1.000 đồng/kg, nhà tôi cũng bán để dọn vườn, khỏi mướn công cắt bỏ. Nhưng họ chỉ lấy trái đẹp, còn trái xấu họ bỏ lại. Với tình trạng này, gia đình tôi chưa biết chuyển hướng sang trồng cây gì".

Người trồng thanh long tại tỉnh Tiền Giang, Long An cũng gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Văn Náo, canh tác 2.000 m2 thanh long ở ấp 5, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành (Long An) cho biết, hai năm về trước gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ cây thanh long. Còn hai năm trở lại đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm cho giá thanh long giảm dưới mức giá thành sản xuất. Hiện, giá trái chín tại vườn chỉ 4.000 đồng/kg, thu lại chưa đủ vốn đầu tư vật tư nông nghiệp và tiền điện. Tình trạng này kéo dài thì người trồng thanh long sẽ tái nghèo…

Thực tế cho thấy, chỉ có những vùng, những đơn vị nào liên kết sản xuất, tiêu thụ tốt thì mới tiêu thụ ổn định. Trong quý I/2022, ước tính sản lượng thanh long các tỉnh có diện tích trồng lớn phía nam khoảng 247 nghìn tấn. Hiện, với chính sách "Không Covid-19", Trung Quốc tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dịch Covid-19, thông quan hàng hóa qua cửa khẩu chậm, làm giảm giá thu mua trong nước. Một số nông dân đã tạm dừng sản xuất rải vụ thanh long để tránh rủi ro.

Cuối tháng 2 vừa qua, tại hội nghị về tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long tổ chức tại thành phố Phan Thiết (Bình Thuận), Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chỉ rõ: "Sản xuất và tiêu thụ thanh long của chúng ta thiếu ổn định, bền vững là do cách tiếp cận của chúng ta sai. Tư duy của chúng ta là tư duy một đầu sản xuất, mà chúng ta không quan tâm đầu thị trường, trong khi đầu thị trường mới quyết định đầu sản xuất. Sản xuất của chúng ta mù mờ vì chắc chắn chúng ta không thể biết bao nhiêu người sản xuất thanh long; về thị trường thì càng mù mờ hơn nữa. Chúng ta không có tư duy hội đoàn, mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy biết, thành ra mọi thông tin mình không nắm được…".

(Còn nữa)