Ngày 19-3, tại Hà Nội, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam, nhằm giúp cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng tiếp cận với tình hình thực tế của các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng không để hoàn thiện thể chế, chính sách của Nhà nước trong công tác quản lý vận tải hàng không, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN.
Tham dự có lãnh đạo các hãng hàng không, các cơ quan quản lý nhà nước về hàng không dân dụng, các cảng hàng không, các công ty cung ứng suất ăn, cung ứng xăng dầu…
Nhiều ý kiến phát biểu tại hội nghị đã nêu những khó khăn của các hãng hàng không, như việc ngoài Vietnam Airlines (VNA), các hãng hàng không khác đều không có hệ thống dịch vụ mặt đất đồng bộ. Việc không có hệ thống dịch vụ đồng bộ cũng là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng dịch vụ trên các chuyến bay của các hãng kém và nhiều trường hợp khiến các chuyến bay bị chậm giờ.
Bên cạnh đó việc kiểm soát hao hụt nhiên liệu Zet A1 chưa hiệu quả. Tình trạng tắc nghẽn ở cửa ngõ sân bay. Đề xuất đối với chính sách quản lý giá vé nội địa, chính sách miễn visa 30 ngày cho khách du lịch đường bay Singapore - Phú Quốc, Siêm Riệp - Phú Quốc…
Theo Phó Tổng Giám đốc VNA, Dương Trí Thành, mật độ bay tăng nhanh, năng lực điều hành quản lý an toàn bay cũng tăng nhưng hạ tầng không tăng dẫn tới ách tắc giao thông không lưu ngày càng gay gắt. Đây là nguyên nhân dẫn tới chậm hủy chuyến. Những vấn đề thời tiết, không lưu và quan hệ với các đơn vị cung ứng dịch vụ đồng bộ từ mặt đất, xăng dầu, kỹ thuật, suất ăn… là những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ
Năm 2015, trong điều kiện hạ tầng các cảng hàng không (CHK) đã được cải tạo đầu tư xây mới như Nhà ga T2, sảnh E, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng góp phần để các hãng hàng không nâng cao chất lượng phục vụ. Tuy nhiên, việc chuyển giao, kết nối giữa các nhà ga vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần khắc phục.
Hiện nay, VNA chiếm gần 60% thị phần hàng không nội địa, Vietjet Air chiếm hơn 30% và 10% còn lại là các hãng hàng không khác. Tại các sân bay như Tân Sơn Nhất, không cần phải dịp lễ Tết mà ngay cả những ngày bình thường, máy bay cũng phải mất 30 phút lăn ra lăn vào. Do đó, việc mở rộng và cải tạo sân đỗ, đường lăn ở Tân Sơn Nhất đang trở thành nhu cầu cấp thiết.
Phó Tổng Giám đốc VNA Dương Trí Thành cho rằng, tại ba sân bay Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, VNA có thể tự cung ứng dịch vụ hành khách còn ở các sân bay khác VNA đã trả lại cho Tổng Công ty CHK Việt Nam (ACV). VNA đề nghị khi nào dung lượng hành khách của sân bay đạt hơn một triệu thì nên để cho các hãng tự phục vụ.
Chia sẻ về những vướng mắc trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ của các hãng hàng không, Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air (VJA) Nguyễn Đức Tâm cho rằng, VJA là hãng hàng không duy nhất mà toàn bộ dịch vụ cung ứng tại sân bay và các CHK đều không do hãng cung cấp. Chất lượng dịch vụ dành cho khách hàng của hãng tại các CHK phụ thuộc rất nhiều vào sự phối hợp giữa các bên, từ khâu làm thủ tục cho hành khách, tiếp nhận hành lý, dịch vụ sân đỗ, trả hành lý trên băng chuyền.
Để hướng tới mục tiêu, đạt dịch vụ tốt hơn theo tiêu chuẩn "bốn xin" và "bốn luôn" mà Bộ Giao thông vận tải phát động, đề nghị các công ty dịch vụ mặt đất tạo điều kiện cho VJA cùng tham gia tuyển chọn những nhân viên phục vụ cho những chuyến bay của hãng này.
Liên quan đến việc kiểm soát hao hụt xăng dầu, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Tâm cho biết, hiện nay máy bay của VJA nạp nhiên liệu Zet A1 của Công ty xăng dầu hàng không Vinapco và tỷ lệ hao hụt 2%, thì năm 2015 VJA mất 120 tỷ đồng, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của DN
Về việc thuế nhập khẩu nhiên liệu máy bay lại tăng lên 25%, nhân tố ảnh hưởng lớn nhất đến kết quả hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không, Giám đốc khu vực phía Bắc của Hãng hàng không Jetstar Pacific (JPA) Tạ Hữu Thanh, cho biết, đây là một gánh nặng tài chính đối với hãng hàng không.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã có chủ trương tăng thuế môi trường từ 1.000 đồng lên 3.000đồng/lít. Với mức tăng này làm ảnh hưởng đến chi phí của JPA dự kiến trong năm 2015 là gần 150 tỷ đồng.
Để tháo gỡ các khó khăn, hãng kiến nghị các Bộ Giao thông vận tải, Công thương, Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu xăng dầu hàng không xuống còn 7% và đưa thuế môi trường vào cơ cấu giá vé.
Thời gian qua, ACV đã cố gắng trong việc đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hạ tầng các sân bay. Tuy nhiên, tại các sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa), Cam Ranh hiện đang trong quá trình nâng cấp cho nên diện tích nhà ga còn nhỏ, thiếu ghế ngồi cho khách. Nếu chậm chuyến thì khách dồn lại. Không có chỗ cho hành khách ưu tiên, khu vực ăn uống, phòng chờ bị hạn chế.
Tổng Giám đốc Hãng hàng không Hải Âu Lương Hoài Nam, cho biết, hãng có ba máy bay thủy phi cơ. Mỗi máy bay có 12 chỗ ngồi. Mỗi máy bay có mức độ linh hoạt rất cao trong khai thác, cất hạ cánh trên biển hồ, đường băng cỏ, đường ôtô nếu cần. Do đó, nhìn thấy tiềm năng du lịch thủy phi cơ ở Việt Nam thì bất cứ địa phương nào có độ dày sông nước như khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cũng mở thủy phi cơ được nếu có chính sách phù hợp, với dự báo thị trường mỗi năm thu hút 100 nghìn khách quốc tế đến Việt Nam sử dụng thủy phi cơ.
Tuy nhiên, khó khăn là Việt Nam chưa có cơ chế chính sách thủ tục cho hàng không chung. Hãng đã mua và đưa về Việt Nam ba thủy phi cơ nhưng giấy phép bay được cấp mới chỉ đủ để khai thác hơn một chiếc, chưa đủ để khai thác tối đa ba máy bay vừa mua. Hải Âu đã đàm phán gói mua 20 chiếc thủy phi cơ, giao nhận trong vòng 5 năm, nhưng phải tạm hoãn giao nhận, chờ sự tháo gỡ cơ chế chính sách, mới dám đưa về...
Tổng Giám đốc Công ty xăng dầu hàng không Vinapco Hoàng Mạnh Tuấn khẳng định, là nhà cung cấp xăng dầu hàng không tại các sân bay của Việt Nam, thời gian qua, Công ty đã triển khai nhiều biện pháp giảm hao hụt. Trước đây, tỷ lệ hao hụt là 1,601% chung toàn mạng. Năm vừa qua, giảm xuống 1,403% và đang tiếp tục các giải pháp để giảm hao hụt. Riêng với VJA, do lấy nhiên liệu ở sân bay lẻ, mỗi lần lấy chỉ từ lần 2-4 tấn nhiên liệu /chuyến, trong khi các máy bay các hãng khác lấy 70-80 tấn nhiên liệu /chuyến, do càng lấy ít tỷ lệ dính bám, bay hơi và hao hụt càng nhiều.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu yêu cầu, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các hãng hàng không không thể quay mặt mà phải hỗ trợ nhau cùng phát triển. Vừa qua, các CHK đã được đầu tư rất nhiều về cơ sở hạ tầng nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Việc kết nối giữa nhà ga T1-T2 sân bay quốc tế Nội Bài hạ tầng có vấn đề thì đề nghị khai thác tối đa hạ tầng, phải lên phương án khắc phục về nhân lực, quy trình, quy chuẩn khai thác. Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp thu các kiến nghị của DN để hoàn thiện các văn bản pháp luật hiện nay.