Tìm giải pháp khắc phục triệt để diện tích cam bị bệnh ở Hà Giang

NDO - Hàng nghìn ha cam sành đang trong thời kỳ cho thu hoạch ở các huyện Bắc Quang, Quang Bình (Hà Giang) bị bệnh vàng lá, khô đầu cành. Cây cam bị bệnh sinh trưởng, phát triển kém khiến nhiều chủ vườn đứng ngồi không yên trước nguy cơ thất thu vụ cam năm nay.
0:00 / 0:00
0:00
Cây cam bị bệnh vàng lá, khô đầu cành ở Hà Giang.
Cây cam bị bệnh vàng lá, khô đầu cành ở Hà Giang.

Nguy cơ thất thu vì cam bị bệnh

Vườn cam sành rộng hơn 2ha của gia đình anh Hoàng Văn Học, thôn Thọ Quang, xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang đã trồng được gần 6 năm. Niên vụ cam 2021-2022, diện tích cam của gia đình anh vẫn cho thu hoạch. Nhưng sau thời gian cho thu hoạch, nhiều cây bắt đầu xuất hiện bệnh vàng lá, khô đầu cành, cây không thể ra lá non và chết dần.

Anh Hoàng Văn Học chia sẻ, khi thấy một số cây cam trong vườn có hiện tượng bị bệnh, anh đã dùng một số phương pháp chữa trị nhưng không được. Xót xa lắm vì mấy năm qua gia đình đầu tư không ít tiền của, công sức vào vườn cam, nay mới thu hoạch khoảng hai năm thì cây bị bệnh. Với hiện tượng này, vụ cam năm nay chắc chắn sẽ thất thu.

Không chỉ riêng gia đình anh Học, từ năm 2021 đến nay, nhiều vườn cam trên địa bàn huyện Bắc Quang, Quang Bình cũng xuất hiện tình trạng vàng lá, khô đầu cành, kém phát triển. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang, đến nay có hơn 1.560ha cam bị vàng lá, khô đầu cành, kém phát triển và chết.

Trong đó, huyện Bắc Quang có 979,69ha của 1.146 hộ ở 20 xã, thị trấn bị nhiễm bệnh, nhiều nhất xảy ra ở các xã Vĩnh Phúc, Tiên Kiều, Vĩnh Hảo. Huyện Quang Bình có 424ha cam bị bệnh, nhiều nhất ở xã Hương Sơn với 248ha. Tổng diện tích cam bị vàng lá, khô đầu cành ở hai huyện chiếm hơn 20% tổng diện tích cam sành toàn tỉnh.

Hầu hết cây cam ở các độ tuổi đều bị tình trạng trên nhưng diện tích bị lớn nhất lại xảy ra ở cây cam trong thời kỳ cho thu hoạch, cây có tuổi đời từ 5-15 năm, giai đoạn cây cho sản lượng cao nhất. Do đó, vụ cam tới đây chắc chắn sẽ gây thiệt hại với người trồng cam, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của cây cam sành toàn tỉnh.

Ngay khi xuất hiện tình trạng cây cam bị vàng lá, ngành chuyên môn các huyện cũng đã kiểm tra, khuyến nghị người dân theo dõi vườn, loại bỏ những cây bị bệnh, cắt tỉa tạo tán, tích cực chăm sóc. Tuy nhiên, do chưa có giải pháp hữu hiệu nên diện tích bị bệnh tiếp tục lan rộng.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bắc Quang Nguyễn Đàm Thuyên cho biết, người dân lo lắng khi cây cam bị bệnh. Nhiều hộ bị diện tích lớn băn khoăn không biết có chữa, khắc phục được hay không, nếu được thì tỷ lệ thành công ra sao, phương pháp và chi phí như thế nào?

Tìm giải pháp khắc phục triệt để diện tích cam bị bệnh ở Hà Giang ảnh 1

Cơ quan chức năng khảo sát tình trạng bệnh vàng lá trên cây cam tại huyện Bắc Quang.

Chủ vườn cam cần chăm sóc đúng kỹ thuật

Trước hiện tượng trên, mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang và Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đi kiểm tra thực tế tại các địa phương và làm việc với các hộ dân có diện tích cam bị bệnh để tìm hiểu nguyên nhân và biện pháp khắc phục.

Qua kiểm tra, Tiến sĩ Cao Văn Chí, Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, hiện tượng cây cam bị vàng lá, khô đầu cành không chỉ mới xảy ra ở Hà Giang mà xuất hiện ở nhiều vùng trồng cam trên cả nước. Tình trạng cây cam bị bệnh ở Hà Giang cũng giống như các địa phương khác do bộ rễ của cây bị thối.

Nguyên nhân do sự thiếu quan tâm đầu tư, chăm sóc của chủ vườn và chăm sóc chưa đúng cách, lạm dụng phân bón hóa học, ít hoặc không sử dụng phân bón hữu cơ khiến giảm độ PH trong đất, giảm vi sinh có lợi. Đồng thời, sau những đợt mưa kéo dài rồi nắng nóng, bộ rễ tơ của cây bị tổn thương, bị nghẹn rễ, sau đó bị nấm bệnh, tuyến trùng, nhóm rệp sáp hại tấn công làm cho bộ rễ của cây bị thối, hỏng, không hấp thụ được dinh dưỡng.

Từ nhận định về nguyên nhân gây bệnh, cơ quan chức năng đã đưa ra một số giải pháp để khắc phục. Đối với vườn cam bị bệnh mật độ thấp, chủ vườn cần thoát nước tốt sau các trận mưa, tưới vườn đủ ẩm thường xuyên trong những ngày nắng nóng. Bên cạnh đó là phun thuốc trừ nấm bệnh lên cây và toàn bộ diện tích đất vườn; tưới thuốc trừ rệp sáp hại rễ, tuyến trùng hại rễ vào trong đất; tưới phân kích rễ cây để bộ rễ mới phát triển; bón bổ sung phân hữu cơ vi sinh và phân NPK tổng hợp hàng tháng.

Đối với vườn bị mật độ cao, ngoài các biện pháp trên cần tiêu hủy ngay những cây bị nặng không có khả năng hồi phục, sau đó rắc vôi bột, tưới thuốc nấm, thuốc trừ rệp và tuyến trùng để khống chế nguồn bệnh lây lan. Cùng với đó, sử dụng nấm đối kháng Trichoderma ủ với phân hữu cơ và tăng cường bón phân hữu cơ vi sinh làm giàu hệ thống vi sinh vật đất, đặc biệt là vi sinh vật đối kháng.

Để người nông dân có thể khắc phục triệt để tình trạng bệnh trong vườn cam thì ngành chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương cần sâu sát, hướng dẫn người dân triển khai các giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, chủ vườn cam phải thật sự quan tâm, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, khuyến cáo mới có thể khắc phục triệt để tình trạng trên.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bắc Quang Nguyễn Đàm Thuyên cho biết, mong muốn tỉnh thực hiện mô hình phục hồi cây cam khi bị bệnh để làm mẫu cho người dân học tập. Đồng thời có khuyến cáo ở từng mức độ bệnh sẽ thực hiện phục hồi hoặc chặt bỏ chuyển đổi cây trồng khác. Bên cạnh đó xây dựng cơ chế hỗ trợ bà con, nhất là các hộ đang vay vốn đầu tư.