Vào Đảng trên chiến trường bảo vệ Đồng Văn
Hơn 80 tuổi nhưng ông Lê Hồng Nam, ở phường Minh Khai, TP Hà Giang vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn, nhất là khi kể về một thời tuổi trẻ vượt núi, băng rừng đối đầu với những toán phỉ hung hãn trong cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn 55 năm về trước.
Đầu năm 1959, lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CAVT) Hà Giang được thành lập. Khi đó, ông Nam là thiếu úy cảnh sát vũ trang được điều động sang làm phân đội trưởng cơ động CAVT. Lực lượng mới thành lập còn non trẻ, kinh nghiệm chiến đấu chưa nhiều cho nên ông Nam cùng đồng đội được cấp trên cử sang Thái Nguyên tập huấn kinh nghiệm kỹ thuật, chiến thuật quân sự, trọng tâm là kỹ thuật chiến đấu trong rừng núi.
Cùng thời gian đó, vùng cao Hà Giang diễn ra cuộc "cải cách dân chủ", khắp các bản làng, người dân đi bầu cử HĐND và UBND xã, hầu hết những người thuộc giai cấp bóc lột cũ như thổ ty, tổng giáp, mã phài không được bà con bầu vào cơ quan hành chính. Các xã cũng thành lập hợp tác xã, vận động bà con trồng cây lương thực, giảm trồng cây thuốc phiện, đồng thời tiến hành thu hồi vũ khí, chấn chỉnh lại đội ngũ dân quân, du kích. Cuộc "cải cách dân chủ" ở vùng cao khiến một bộ phận không nhỏ những người thuộc tầng lớp nêu trên ở vùng cao bị mất quyền lợi, địa vị thống trị, từ lâu có tư tưởng phản cách mạng, đã cấu kết với phản động ngoài nước âm mưu nổi loạn, tách Đồng Văn ra khỏi sự quản lý của Nhà nước.
"Chúng tôi tập huấn bên Thái Nguyên chưa được bao lâu, đầu tháng 11 - 1959 thì nhận được lệnh cấp trên quay gấp về đơn vị, phỉ sắp làm loạn ở Đồng Văn. Anh em còn trẻ, hăng hái nên nhận lệnh là lên đường ngay, không kể ngày đêm để kịp về sát cánh cùng đơn vị lên mặt trận" - ông Nam kể lại.
Ngày trở về, quê hương xứ đá không còn bình yên, những tên đầu sỏ của phỉ và phản động nước ngoài như Vàng Chúng Dình, Vàng Chỉn Cáo, Lý Nhè Lùng... lôi kéo hàng nghìn người Mông, Dao, Lô Lô ở Đồng Văn, trong đó không ít người là ủy viên ủy ban xã, công an, xã đội nổi lên chống phá cách mạng, chống lại nhân dân. Súng kíp, hỏa mai, giáp 5, giáp 3 cất giấu trong hốc đá, nương ngô được lôi lên, lực lượng của các toán phỉ được lập thành trung đội, đại đội chiếm giữ các điểm cao, chấn giữ các ngả đường dẫn lên cao nguyên đá.
"Ngay khi về Hà Giang, tôi cùng đồng đội nhận lệnh bảo vệ lãnh đạo tỉnh, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Xã, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang đi nắm tình hình ở Đồng Văn và dự hội nghị hiệp thương ở Quản Bạ. Hội nghị hiệp thương không thành. Phỉ ngang nhiên thách thức chính quyền, bắt đầu kế hoạch nổi dậy" - ông Lê Hồng Nam nhớ lại.
Ngày 30-11-1959, phỉ đóng cổng trời Cán Tỷ, từ đó đến cuối tháng 12, tại Yên Minh, Đông Hà, Bạch Đích, Phó Bảng, Na Khê, Đồng Văn... từng toán phỉ hung hãn phá trụ sở ủy ban, bắt giết cán bộ huyện, cán bộ công an, giết hại dân lành. Chúng đánh cả vào trung tâm huyện lỵ, cướp cửa hàng mậu dịch, lấy vải, muối, dầu, xà phòng chia nhau. Giọng ông Nam chùng xuống: "Ngày 12-12, phỉ đánh vào xã Lũng Phìn, không chỉ phá trụ sở ủy ban, cướp hàng hóa, phá kho thóc lấy lương thực mà chúng còn giết hại dã man hai cán bộ thương nghiệp, bắn chết hai người dân vì không nghe theo lời chúng làm phỉ. Trong góc nhỏ của Bảo tàng tỉnh Hà Giang giờ đây vẫn còn lưu giữ lọ mỡ người được ta thu giữ, đó là bằng chứng rõ nhất về sự tàn bạo của phỉ, chúng giết cán bộ và rán lấy mỡ để thị uy và răn đe người dân".
Ngày 28-12-1959, Bộ Chính trị chỉ thị cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Khu ủy Việt Bắc và tỉnh Hà Giang phải nhanh chóng có biện pháp dập tắt vụ bạo loạn trên cơ sở nhận định tình hình nghiêm trọng và chiều hướng phát triển.
Phân đội cơ động CAVT do ông Lê Hồng Nam chỉ huy cùng phối hợp các lực lượng vũ trang như dân quân, du kích địa phương, Trung đoàn 246 - Quân khu Việt Bắc, Tiểu đoàn 12 cơ động Bộ Tư lệnh Công an nhân dân bắt đầu tiến công, phá thế bao vây, truy quét trên toàn bộ các điểm bị phỉ chiếm đóng và hoạt động.
Những toán phỉ ở Đồng Văn, ngoài những tên đầu sỏ là lực lượng phản động, còn lại là người dân nhẹ dạ hoặc bị ép buộc làm phỉ. Do đó, lực lượng trinh sát công an và CAVT thực hiện chiến thuật vừa vận động, kêu gọi đồng bào không theo phỉ, bỏ hàng ngũ trở về địa phương, đồng thời kiên quyết tiêu diệt các toán phỉ ngoan cố. Chiến dịch tiễu phỉ trên Cao nguyên Đồng Văn giành thắng lợi vào đúng mùng một Tết năm Canh Tý (1960), toán phỉ cuối cùng do Vàng Chúng Dình chỉ huy cố thủ trên núi Má Sồ bị đánh bại.
Vào hang Trà Mần bắt tên tướng phỉ
Vụ bạo loạn ở Đồng Văn cơ bản được dập tắt, nhưng phần lớn chiến sĩ công an không được nghỉ ngơi mà tiếp tục lần vào hang ổ, truy tìm những tên tướng phỉ ngoan cố lẩn trốn như Vàng Chúng Dình, Lý Nhè Lùng, Vàng Chỉn Mìn... Trong đó, Vàng Chúng Dình là tên chỉ huy đặc biệt nguy hiểm. Dình vốn là người Trung Quốc, hắn từng tập hợp hàng nghìn tên phỉ đánh nhau với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc nhưng thất bại chạy sang Việt Nam câu kết với tầng lớp phản động tại Đồng Văn. Được đào tạo nên Dình lọc lõi, mưu mẹo, khó thuyết phục và truy bắt. Sau thất bại ở núi Má Sồ, hắn cùng đồng bọn trèo lên hang Trà Mần (Lũng Cú) giáp đường biên để dễ bề hoạt động và nuôi hy vọng Mỹ và Tổng thống Ngô Đình Diệm ở miền nam Việt Nam sẽ viện trợ để tiếp tục nổi loạn.
Cuốn phim tài liệu do Công an tỉnh Hà Giang còn ghi lại lời của ông Hoàng Trọng Kim (trinh sát Công an Hà Giang giai đoạn 1960) kể về cuộc vây bắt tướng phỉ Vàng Chúng Dình: "Nắm được tình hình, trinh sát công an vạch kế hoạch nghi binh, đánh lừa tướng phỉ. Đầu năm 1960, một chiếc trực thăng bay lượn trên bầu trời xã Phố Cáo, Phố Là, hạ cánh xuống thung lũng rộng rồi thả người. Thông tin đó nhanh chóng đến tai Dình khi hắn đang ở hang Trà Mần. Do bị cô lập, không nắm được thông tin lại có người của ta cài vào cho nên Dình cho rằng "vật đen" đó chính là "đại diện miền nam" ra tham mưu cho hắn tiếp tục nổi loạn. Sáng hôm sau, quân của Dình dẫn người đàn ông lạ mặt, trang bị từ đầu đến chân toàn bằng đồ Mỹ, lưng khoác điện đài, cổ lủng lẳng máy ảnh, đó là Trần Tấn Nghĩa. Dình không hề nghĩ vị "đại diện miền nam" là một trinh sát công an Khu Việt Bắc".
Trinh sát Trần Tấn Nghĩa trở thành vị "tham mưu tối cao" của Dình, kế hoạch "trèo cao, leo sâu" vào tổ chức phỉ của Công an Hà Giang thành công. Cuối năm 1960, nhận lệnh bắt tướng phỉ Vàng Chúng Dình, vị "tham mưu tối cao" nói: "Ngô Tổng thống điện báo, miền nam chuẩn bị đánh ra bắc, lệnh cho lực lượng ở Đồng Văn nổi dậy đánh ép từ biên giới xuống, cần họp kín, cận vệ ra ngoài cửa hang canh gác".
Nửa đêm, trinh sát Hoàng Trọng Kim dẫn một số chiến sĩ công an leo dây lên phía sau cửa hang vào bắt Dình. Tên tướng phỉ đang cùng vị "tham mưu tối cao" và ông Mã Chính Lâm (người của ta cài vào) chụm đầu bàn bạc thì đèn vụt tắt. Dình chưa kịp kêu thì bị quật ngã, bị nhét giẻ vào mồm, trói chặt chân tay, cho vào một cái võng. Công an khênh hắn đi đúng năm ngày đêm mới đến trại giam ở Yên Minh. Ông Hoàng Trọng Kim nói, bắt được Vàng Chúng Dình là ta đã tiêu diệt được hoàn toàn lực lượng phỉ trong hang ổ phản động nổi loạn Đồng Văn.
Sau hơn một năm tiễu phỉ và truy quét những tên cầm đầu, Hà Giang đã dẹp tan vụ bạo loạn chống phá cách mạng, làm tan rã lực lượng phỉ hơn 1.110 tên. Vàng Chúng Dình, Vàng Chỉn Cáo cùng đồng bọn bị Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Giang xét xử với bản án nghiêm khắc.
Cao nguyên đá Đồng Văn trở lại với vẻ yên bình. Đồng bào các dân tộc nơi cực bắc của Tổ quốc vui hơn khi một vài năm sau đó, Con đường Hạnh Phúc nối từ thị xã Hà Giang với các huyện vùng cao hoàn thành. Con đường là một kỳ tích, biểu tượng minh chứng cho sức mạnh và tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc vùng xuôi với đồng bào rẻo cao, mở cánh cửa no ấm và phát triển cho vùng đất phía sau cổng trời Quản Bạ.
"Lực lượng vũ trang của ta gặp phải không ít khó khăn do các toán phỉ lợi dụng địa hình rừng núi, thoắt ẩn, thoắt hiện. Nhất là khi đánh vào Yên Minh, phỉ xua dân đi trước, lẩn vào dân để đánh ta. Có hỏa lực trong tay nhưng các chiến sĩ nhiều lúc phải ngừng bắn vì không thể xả đạn vào dân". - Ông Lê Hồng Nam kể. |
Các trinh sát công an vũ trang đã vận động quần chúng phân hóa hàng ngũ phỉ, cô lập những tên cầm đầu, tố giác hoạt động của phỉ; cả vợ, con, anh em của chỉ huy phỉ cũng cộng tác chặt chẽ với trinh sát công an vận động phỉ ra hàng. Từ đó, dần lôi kéo được những phần tử có thể sử dụng, giúp trinh sát thực hiện chiến thuật "trèo sâu leo cao, đánh vào kéo ra" có hiệu quả, lần lượt bắt gọn các tướng phỉ như Lý Nhè Lùng, Vàng Chỉn Mìn, Hầu Vạn Quả, trong đó, việc bắt tướng phỉ Vàng Chúng Dình là quan trọng nhất. TRUNG TÁ HOÀNG VĂN GIANG Đội trưởng Đội nghiên cứu tổng kết lịch sử và quản lý khoa học, Công an tỉnh Hà Giang |