Theo đó, Montana sẽ coi việc các cửa hàng ứng dụng của Google và Apple cung cấp TikTok trong phạm vi tiểu bang là bất hợp pháp, nhưng chính quyền bang sẽ không áp dụng bất kỳ hình phạt nào đối với những cá nhân sử dụng ứng dụng này.
Nếu vi phạm lệnh cấm, TikTok có thể đối mặt các khoản phạt cho mỗi lần vi phạm và phạt bổ sung 10.000 USD/ngày.
Về phía Apple và Google, 2 công ty này cũng sẽ bị phạt 10.000 USD/vi phạm/ngày nếu ứng dụng TikTok được tải xuống từ cửa hàng ứng dụng của họ.
Apple và Google hiện vẫn chưa đưa ra phản hồi trước lệnh cấm trên. Trong khi đó, TikTok phát đi thông cáo tuyên bố rằng luật mới của của chính quyền bang Montana đã “vi phạm quyền của người dân Montana trong Tu chính án thứ nhất khi cấm TikTok một cách bất hợp pháp”. Đồng thời, cho biết sẽ tiếp tục các nỗ lực để “bảo vệ quyền lợi của người dùng trong và ngoài tiểu bang”.
Ủy ban châu Âu cấm nhân viên cài đặt TikTok trên các thiết bị
Thời gian qua, TikTok đang phải đối mặt với lời kêu gọi ngày càng tăng từ các nhà lập pháp và quan chức chính phủ Mỹ về việc cấm ứng dụng này trên toàn quốc do lo ngại vấn đề về bảo mật thông tin, dữ liệu.
TikTok đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc và khẳng định công ty cũng sẽ không làm như vậy nếu được yêu cầu.
Theo số liệu của Trung tâm nghiên cứu Pew, TikTok hiện có hơn 150 triệu người dùng ở Mỹ, trong đó 67% là thanh thiếu niên ở độ tuổi 13-17. Tuy nhiên, công ty con của ByteDance lại cho biết “đại đa số” người dùng của họ ở Mỹ trên 18 tuổi.
Lệnh cấm TikTok của bang Montana đã vấp phải không ít sự phản đối. Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) cho rằng đạo luật mới được ký ban hành là “vi hiến” và vi phạm quyền tự do ngôn luận của người dân Montana; đồng thời kêu gọi hành động pháp lý từ phía các tòa án.
Trong quá khứ, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng ban hành lệnh cấm tải mới ứng dụng TikTok và WeChat thuộc sở hữu của các công ty Trung Quốc, tuy nhiên sau đó lệnh cầm này bị tòa án bác bỏ và không có hiệu lực.