Tư liệu chiến tranh – Câu chuyện hấp dẫn
Đề tài phi công Mỹ ở Việt Nam những năm qua được ít người khai thác do nguồn tư liệu hạn chế và quan niệm rằng đây là vấn đề “nhạy cảm”. Thiếu tướng Phạm Văn Dần – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục III Bộ Công an cho rằng, bởi vậy, nhiều câu hỏi vẫn bỏ ngỏ, như phi công Mỹ đầu tiên nào bị bắn rơi trong chiến tranh Việt Nam? Trước khi các phi công Mỹ trở thành kẻ thù trên bầu trời Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng có mối quan tâm, giúp đỡ như thế nào đối với một phi công Mỹ ngay từ thời chống Pháp? Trong thời gian phi công Mỹ bị bắt tại Việt Nam, họ bị giam giữ, ăn ở ra sao, trong điều kiện như thế nào? Cuộc tập kích Sơn Tây đã diễn ra thế nào, đâu là những bí mật còn để ngỏ?...
![]() |
Cho đến khi loạt bài của nhà thơ - nhà văn Đặng Vương Hưng được đăng tải, nhận được sự theo dõi của đông đảo công chúng, một phần trong những băn khoăn trên mới được trả lời.
Đầu năm 2010, cuốn sách “Phi công Mỹ ở Việt Nam” đã được in thử nghiệm với số lượng hạn chế, phát hành mang tính thăm dò ý kiến bạn đọc. Tác giả Đặng Vương Hưng cho biết, đáng mừng là đã có nhiều phản hồi tốt và ý kiến bổ sung từ các cựu chiến binh cả Việt Nam và Mỹ. Điều này giúp và xúc tiến cho việc hoàn chỉnh bản mới ấn hành, bổ sung thêm nhiều tư liệu về thượng tướng Đào Đình Luyện – người anh cả của lực lượng phi công tiêm kích Việt Nam; Những chuyến bay “tuyệt mật” của các phi công Mỹ trong “Chiến tranh thời tiết” và nhiều chi tiết, diễn biến sau cuộc trao trả tù binh Mỹ tại Gia Lâm năm 1973…
Cuốn sách vừa được NXB CAND ấn hành, ra mắt tại Bảo tàng phòng không không quân với gần 400 trang, cung cấp nhiều tư liệu, hình ảnh quý giá xung quanh đề tài phi công Mỹ ở Việt Nam, gợi lại nhiều câu chuyện, con người của một thời.
Với thế mạnh của người làm báo, làm biên tập, xuất bản, nhà thơ Đặng Vương Hưng thể hiện cuốn sách theo các chủ đề, câu chuyện bằng văn phong giản dị, sáng sủa, thông tin sinh động, có sự đối chiếu, tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau.
Đặc biệt là cách “hấp dẫn hóa” của một tác giả với nhiều cuốn sách bán chạy, Đặng Vương Hưng sắp xếp thứ tự, “cài cắm” các chi tiết độc đáo, lập luận, ví von, đặt ra và giải tỏa những nghi vấn… gây được hứng thú cho người đọc. Bởi thế, người xem có thể theo dõi từng phần như những bước tiến triển của vấn đề, vừa như những đề tài độc lập: Lãnh tụ Hồ Chí Minh và những phi công Mỹ đầu tiên có mặt ở Việt Nam; Những phi công Mỹ tham chiến ở Điện Biên Phủ và bí ẩn “Chiến dịch kền kền “ném bom nguyên tử, sau nửa thế kỷ mới được tiết lộ”; Cuộc quyết đấu lịch sử “Điện Biên Phủ trên không” và ảnh hưởng của vấn đề tù binh phi công Mỹ tại hội nghị Paris”; “Tù binh phi công Mỹ ở “Hỏa Lò”… và những bí mật cuối cùng cần “giải mã”…
Những người trong cuộc
Có mặt tại cuộc ra mắt sách, đại tá Trần Trọng Duyệt – nguyên trại trưởng trại giam Hỏa Lò, người có thời gian quản lý các tù binh là phi công Mỹ, đã chia sẻ nhiều thông tin thú vị. Chính ông đã gọi điện mời nhà thơ Đặng Vương Hưng đến để cung cấp những tư liệu về phi công Mỹ còn nằm trong góc khuất.
![]() |
Đại tá Trần Trọng Duyệt.
Ông cho rằng, chính sách đối xử với tù binh phi công Mỹ trong những năm tháng chiến tranh, đã thể hiện đầy đủ sự nhân đạo của phía bên ta, dù cho họ là những kẻ gây tội ác trên bầu trời Việt Nam. Trong thời gian ở tù, không phải lúc nào mọi chuyện cũng suôn sẻ, tù binh Mỹ có khi phản đối quyết liệt, có người cắt mạch máu, tuyệt thực…, đại tá Duyệt đã phải hết sức linh hoạt, có lúc thể hiện sự cứng rắn, có lúc phải khéo léo dùng… mưu.
Một số nhân chứng quan trọng của vụ tập kích Sơn Tây năm 1970 cũng được nhắc đến trong cuốn sách. Trong đó có bác Lê Việt Tiến – nguyên Phó Ty công an Hà Tây, người có vợ và con gái đã bị lính Mỹ sát hại trong sáng sớm ngày 21-11-1970. Hai người con khác của bác bị bắn trọng thương.
Năm nay đã ngoài 90 tuổi, vẫn còn minh mẫn, bác Tiến chia sẻ: “Tổng số người bị bắn chết hôm đó là 13, trong đó có vợ và con tôi, mới 12 tuổi, học lớp 6. Thời gian đó, tôi thường phải đi khắc phục hậu quả bắn phá của giặc Mỹ. Vụ việc xảy ra hôm ấy, tôi cũng phải lo giải quyết việc chung lẫn tổ chức tang lễ của gia đình và cấp cứu cho hai con. Cho đến tận nhiều năm sau này, vẫn có những người hỏi tôi, liệu phía Mỹ có gián điệp mặt đất không? Nhưng tôi giải thích: Không có! Bởi chúng đã bị hẫng hụt trong đêm hôm đó, không biết rằng tù binh Mỹ đã được chuyển khỏi trại giam ở Sơn Tây từ ba tháng trước”.
Từ việc khai thác thông tin phục vụ cho các bài báo, đề tài phi công Mỹ ở Việt Nam đã ngày càng cuốn hút nhà thơ Đặng Vương Hưng. Quá trình mở rộng tìm kiếm tư liệu xây dựng cuốn sách đã giúp nhà thơ có được nhiều cuộc gặp gỡ các cựu chiến binh, các tướng lĩnh, lãnh đạo quân đội của cả Việt Nam và Mỹ, trong đó có nhiều người từng là tù binh phi công Mỹ tại Hà Nội.
Nhà thơ cho biết, nhiều cuộc tiếp xúc thú vị đã diễn ra, nhiều thông tin quý giá và thư từ đã được trao đổi qua lại với những tình cảm trân trọng, chân thành. Và quan trọng, mỗi người trong cuộc hồi tưởng hay tìm hiểu về quá khứ đang dần hé mở ấy, đều hướng đến mối quan hệ thân thiện giữa hai dân tộc.