Phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng ở ngành dầu khí

Tiết lộ của Trần Ngọc Giao về cuộc đào tẩu năm 2002

Vào cuối buổi chiều Trần Ngọc Giao - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Interpet Việc Nam, ông chủ tài khoản của bốn công ty tại Deustche Bank chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã "thật thà" khai báo về cuộc đào tẩu ra nước ngoài của mình vào năm 2002, trước khi vụ án được khởi tố một thời gian ngắn.

Nguyễn Lai Phong kêu oan

Nguyễn Lai Phong được giới báo chí tham dự phiên tòa rất quan tâm, vì là người đã có công tố giác hành vi phạm tội của Nguyễn Quang Thường và đồng bọn với Cơ quan điều tra Bộ Công an" như quyết định đình chỉ điều tra của VKSNDTC đã nêu. Tại phiên tòa này, Phong được triệu tập với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Để bảo vệ quyền lợi cho mình, Phong đã mời hai luật sư Phan Trung Hoài và Vũ Bá Thanh bảo vệ. Theo hồ sơ vụ án thể hiện, Phong với tư cách là Phó Giám đốc Interpet Việt Nam đã tham gia vào việc ký giả chữ ký của lãnh đạo Viện Corall, đóng giả con dấu của Viện này vào Hợp đồng số 02 (tháng 4-2000), tạo điều kiện cho Trần Quang rút 1,4 triệu USD tiền nhà nước trong dự án khối nhà block.

Ngoài ra, Phong còn là người trực tiếp đứng ra thực hiện một số giao dịch, ký kết hợp đồng kinh tế với đối tác trong nước với danh nghĩa là lãnh đạo Interpet Việt Nam để thi công một số hạng mục công trình của dự án nói trên. Cũng theo hồ sơ vụ án, Phong đã nhận từ Trần Quang số tiền 80.000 USD và 20 triệu đồng từ Đội 5 Công ty xây lắp điện 2 đơn vị thi công một phần hạng mục của dự án nhà block 140 chỗ.

Tại phiên tòa, khi trả lời HĐXX về chức năng, nhiệm vụ trong Công ty Interpet, Phong cho rằng anh ta chỉ là nhân viên bình thường, không có chức quyền, công việc chủ yếu là dịch các tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng Nga trong các bản hợp đồng giao dịch giữa PTSC và Corall, làm thông dịch viên tiếng Nga cho các đoàn chuyên gia của Corall sang Vũng Tàu làm việc.

Tại phiên tòa, một số bị cáo khai về việc Phong ký nháy vào tài liệu, hợp đồng giả. Giải thích về việc này, Phong thừa nhận có ký nháy nhưng lại cho rằng "mục đích của việc ký này là để cam kết dịch đúng nội dung từ tiếng Việt sang tiếng Nga chứ không tham gia làm giả". Về việc đứng ra giao dịch với một số đối tác trong nước để mời họ thi công một số hạng mục của công trình dự án nhà block 140 chỗ, Phong thừa nhận có thật. Khi được hỏi về số tiền 80.000 USD đã nhận của Trần Quang, Phong cho rằng mình không nhận như lời khai của Quang tại CQĐT. Còn số tiền 20 triệu đồng của Đội 5 Công ty xây lắp điện 2, Phong thừa nhận có nhận từ bà Nguyễn Thị Bích Hà nhưng lại cho rằng đó là tiền công chứ không phải tiền bồi dưỡng?

Nhân chứng Nguyễn Thị Bích Hà - nguyên Đội trưởng Đội 5 Công ty xây lắp điện 2 - đã khai rằng trong quá trình đơn vị bà thi công một số hạng mục công trình nhà block 140 chỗ, đều phải qua phê duyệt của Phong, kể cả việc thanh toán tiền bạc đều phải có ý kiến của anh ta. Trước lời khai của một số bị cáo nhân chứng. Chủ tọa Hoàng Thanh Tùng đã nhận xét: Vai trò của ông (tức Phong) không đơn giản như những gì ông đã khai tại phiên toà này".

Khi được Chủ tọa cho phép trình bày ý kiến của mình, Phong đã kêu oan rằng mình bị Cơ quan ANĐT khởi tố bắt giam oan. "Tôi đã làm văn bản gửi các nơi trình bày về vấn đề này nhiều lần nhưng chưa được trả lời thỏa đáng" - ông Phong "than thở". Chủ tọa phiên tòa đã chấn chỉnh lời kêu oan của Phong rằng: "Ông bị khởi tố, điều tra vì có một số hành vi liên quan đến vụ án mà cơ quan bảo vệ pháp luật xác định có dấu hiệu phạm tội. Việc VKSNDTC đình chỉ điều tra đối với ông là do có công chuộc tội, được miễn trách nhiệm hình sự chứ không phải là ông bị khởi tố oan đâu. Tòa nói để ông biết mà có lời khai cho trung thực”.

Cuộc đào tẩu của Trần Ngọc Giao

Trước khi vụ án này được Cơ quan ANĐT Bộ Công an khởi tố, một số người đã biết thông tin này, trong đó có Trần Quang. Trần Quang đã "bày binh bố trận" để Trần Ngọc Giao làm một cuộc đào tẩu bằng đường bộ từ Vũng Tàu ra Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội rồi sang Trung Quốc, Singapore. Thái-lan, Malaysia. Tại phiên tòa, Chủ tọa cũng tỏ ra thắc mắc về cuộc đào tẩu này nên đã hỏi Giao: "Câu chuyện bỏ trốn của bị cáo vốn gây rất nhiều tò mò trong dư luận, bị cáo có thể kể sơ bộ về việc này?".

… Giao khai rằng việc mình được ấn vào chiếc ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Interpet Việt Nam là do sự sắp đặt của Trần Quang và Mác-xim. Việc anh ta làm một số công việc của Interpet cũng là do Trần Quang chỉ đạo. Do vậy, vào giữa năm 2002, khi một Đoàn thanh tra của Bộ Công an đến Xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt Xô (VSP) làm việc, khi Đoàn thanh tra chú ý đến một số hợp đồng mà VSP ký kết với PTSC và Corall, trong đó đặt vấn đề đến sự có mặt của Công ty Interpet Việt Nam và Mac-xim. Sau đó, dư luận bên ngoài có tin đồn Interpet làm ăn bậy bạ nên công an đang tiến hành điều tra. Tin đồn này ngày càng lan rộng nên Giao rất hoang mang, lo lắng.

"Quá lo sợ, bị cáo đã điện thoại cho một anh tên là Thắng ở Bộ Công an hỏi về việc này nhưng anh ấy không nói gì, bị cáo mới yên tâm. Đến tháng 9-2002, trong lúc bị cáo đang ăn cơm với gia đình thì nhận được điện thoại của Trần Quang gọi từ Hà Nội. Quang bảo bị cáo nói chuyện với anh Dương Minh Đức (bạn thân của Quang, trú tại Hà Nội). Trao đổi qua điện thoại với bị cáo, anh Đức kêu bị cáo cầm hộ chiếu ra ngay sân bay mua vé đi Hà Nội gấp, có việc cần bàn. Bị cáo ra sân bay mua vé nhưng không còn nên báo lại cho Quang biết. Anh Đức và Quang bảo bị cáo đón taxi ra Nha Trang, còn ảnh thì đi từ Hà Nội vào.

Khi bị cáo đi đến Nha Trang thì nhận được điện thoại của anh Đức gọi bị cáo đi thẳng ra Đà Nẵng. Đến Đà Nẵng, bị cáo lại nhận được điện thoại chỉ đạo đi thẳng ra Hà Nội. Sau nhiều ngày, bị cáo có mặt tại Hà Nội. Tại đây, Quang và anh Đức bảo Bộ Công an đang điều tra, có nhiều vấn đề liên quan đến Interpet và buộc bị cáo phải lánh mặt một thời gian. Anh Quang bảo bị cáo ra nước ngoài và coi như đi du lịch vậy. Các anh lo thủ tục cho bị cáo đi Trung Quốc rồi sang Singapore. Ở Singapore được một thời gian, anh Đức điện thoại cho biết anh đang ở Thái-lan và bảo bị cáo qua Thái-lan. Ở Thái-lan được thời gian, anh Đức gọi điện bảo bị cáo đi sang Malaysia để gặp vợ và con bị cáo đang ở bên đó.

Bị cáo sang Malaysia và vợ con bị cáo cũng có mặt ở bên ấy. Những lần sau đó vợ và con bị cáo tự sang Malaysia thăm bị cáo. Bị cáo ở Malaysia từ đó cho đến ngày 27-1-2004, khi trở về Việt Nam qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất thì bị Cơ quan điều tra Bộ Công an bắt theo lệnh truy nã." - Giao khai báo thành khẩn.

Riêng Dương Minh Đức đã bị cơ quan ANĐT Bộ Công an khởi tố về tội "Che giấu tội phạm" nhưng sau đó phải tạm đình chỉ do đối tượng này đã nhanh chân tẩu thoát ra nước ngoài.

Ngày 10-10, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần xét hỏi.