Tiếp tục hành trình của công lý cho nạn nhân chất độc da cam

Tiếp tục hành trình của công lý cho nạn nhân chất độc da cam

Món tiền của những người tình nguyện

Bà Lian, một phụ nữ Đan Mạch gốc Trung Quốc, là một trong những người tới sớm nhất. Đi xem phim với hai chiếc làn nhựa nặng, lần này bà mang tranh do các em làng Hữu Nghị vẽ đến bán để quyên tiền cho các em đi xem rối nước vào 26-11 này.

Từ hơn một tháng nay, bà Lian đến làng Hữu Nghị để châm cứu, bấm huyệt phục hồi chức năng cho các em.

Nhưng cuộc sống và trẻ em ở làng đã khiến bà phải làm điều gì hơn thế: Lian đi mua màu, giấy vẽ mang đến làng, rồi mang các bức vẽ nguệch ngoạc của các em đi bán, chút tiền thu được dành cho các em đi xem xiếc, múa rối...

Trong số các bức tranh bà đem đến có hàng chục bức trông giông giống hình cây thông. Đây là tác phẩm của Hảo, một cậu bé ở làng. Hảo vẽ gì cũng thành... cây thông, từ con bướm đến ba mẹ, bạn bè... bởi trí não cậu chỉ có thể phân biệt được như vậy.

Thế nhưng chỉ vài chục phút trước buổi chiếu, bà Lian đã bán được tất cả số tranh đem theo. Ở bàn bên cạnh, cô tình nguyện viên đang học năm cuối ĐH Ngoại thương Nguyễn Phương Hà cũng rất mừng vì bán được mấy chục bông hoa sen và nhiều ví cầm tay do các em ở làng làm.

Món tiền này cũng để dành cải thiện thêm đời sống cho các em. Có thâm niên hơn bà Lian, Hà đã đến làng Hữu Nghị làm tình nguyện viên hơn chín tháng nay. Tình nguyện với cô là không nề hà bất kỳ công việc gì, từ dán giá lên sản phẩm của các em trong làng, đi làm phiên dịch, đi bán hàng trong các buổi gặp gỡ...

Hà thú thật hơn chín tháng làm tình nguyện viên ở một làng trẻ em nạn nhân chất độc da cam, nhưng hôm nay là lần đầu tiên cô được xem một bộ phim tài liệu về nạn nhân, được chiếu tại rạp và được gặp mặt đạo diễn bộ phim này.

Phim và những giọt nước mắt

Đông đảo người nước ngoài đang công tác tại Việt Nam tới mua vé xem phim.

Để có “Đêm trắng” và buổi chiếu này, các thành viên văn phòng đại diện Quỹ Hòa giải và phát triển, Tổ chức Những người bạn của di sản văn hóa Việt Nam đã vất vả mất nhiều ngày trời.

Phòng chiếu có 89 chỗ ngồi, vé xem bộ phim tài liệu dài 45 phút lại những 80.000 đồng, nhưng có rất nhiều người đến xếp hàng để mua vé. Câu chuyện phim giản dị về một người thợ ảnh ở công viên Thống Nhất (Hà Nội).

Khi còn là một chàng trai trẻ, anh từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên và nhiễm chất độc da cam từ chiến trường. 21 năm sau cuộc chiến (phim sản xuất năm 1996), tài sản lớn nhất của người lính ấy là hai đứa con, một là gái 21 tuổi vừa mù, câm, liệt vận động, một là trai cũng mù cả hai mắt.

Cả gia đình ba thế hệ sống trong một căn nhà 14m2 nhưng họ vẫn không ngừng đấu tranh để vươn lên. Khi phim đến nửa chừng, người ông trong phim khóc khi đứa cháu tật nguyền đàn bản nhạc về tâm trạng của một đứa con về thăm quê mẹ, trong phòng chiếu cũng xuất hiện nhiều tiếng khóc thút thít.

“Đêm trắng” và nhiều “đêm trắng”

Bộ phim chỉ dài 45 phút, nhưng khán giả đã dành nhiều giờ đồng hồ tham dự “Đêm trắng” này. Cô sinh viên người Mỹ Alyson Spery cùng bạn gái đến xem phim nói rằng, cô đã nghe nhiều về nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, vì thế hôm nay cô đến sớm để chắc chắn mua được vé xem phim.

Một người Mỹ khác, anh Andrew Wells - Dang, đại diện Quỹ Hòa giải và phát triển, thì nói tổ chức của anh đang có rất nhiều dự định cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Họ làm việc này vì “30 năm sau cuộc chiến nhưng Mỹ vẫn chưa xử lý vấn đề nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Chỉ có xử lý vấn đề này, quan hệ hai bên mới thật sự bình thường” - Andrew nói.

Một buổi tối cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam... Khán phòng 89 chỗ ngồi không còn một chỗ trống và ngoài tiếng khóc thút thít, tất cả mọi người yên lặng xem phim.

Hà Nội hôm 23-11 trời se lạnh nhưng lòng người lại ấm áp vô cùng. Nhật, cô phiên dịch ở làng Hữu Nghị, nói rằng gần một năm nay nhiều người quan tâm đến nạn nhân chất độc da cam hơn, nhiều đoàn đến làng hơn.

Và từ tháng mười hai tới, làng sẽ được tài trợ thêm kinh phí để nâng gấp đôi số trẻ em nạn nhân được đến điều dưỡng, làng cũng đang xây thêm một căn nhà đủ chỗ cho 25 trẻ em nữa.

Đang có thêm nhiều tấm lòng với nạn nhân, và ngay hôm qua, 24-11, lại có thêm một “Đêm trắng” và “Câu chuyện ở một góc công viên” được đưa ra giới thiệu với người Hà Nội.

 

Ngay sau buổi chiếu phim, đạo diễn Trần Văn Thủy (ảnh) đã dành nhiều thời gian giao lưu với khán giả. Ông nói: 

“Gia đình anh thợ ảnh (tên Thanh Sơn) trong phim rất nổi tiếng vì báo chí đã viết nhiều về họ. Nhưng đây không phải là gia đình nạn nhân khổ nhất ở Việt Nam. Cách đây vài năm, tôi và ba người bạn Mỹ đã từng mang máy quay phim đi nhiều tỉnh thành Việt Nam để quay về nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Chúng tôi muốn tận mắt thấy cuộc sống khổ đau của nạn nhân. Rất nhiều gia đình trong số đó khốn khổ đến cùng cực, tuyệt vọng, họ không hề có bất kỳ nguồn sống nào.

Khi tôi gặp gia đình anh Sơn, trong tôi đã có niềm tin rằng họ sẽ vượt lên hoàn cảnh. Sau bộ phim, gia đình anh Sơn đã được giúp đỡ rất nhiều và hiện nay có thể nói cuộc sống của họ đã khá hơn hẳn so với trước kia.

Tám năm đã trôi qua, tình cảm của chúng tôi rất tốt đẹp, chúng tôi coi nhau như ruột thịt và tôi nghĩ rằng những người có tình cảm như vậy là bởi họ cùng yêu thương hoặc cùng căm giận một điều gì đó.

Từ cuối 2002 đến hết 2003, tôi đã đi diễn thuyết ở 30 trường đại học nước Mỹ, đến đâu tôi cũng chiếu bộ phim này. Tất cả khán giả đều nói phim rất hay và hỏi tôi tại sao không đem chiếu cho ông Bush xem (nhiều khán giả cùng cười). Nhiều khán giả của tôi đã choáng sau khi xem phim, có người đã chạy ra ôtô ngồi và ôm mặt khóc nức nở...”.