Tiếp cận toàn diện trong phòng chống các bệnh không lây nhiễm

Ước tính cả nước hiện có hơn 20 triệu người mắc các bệnh không lây nhiễm và con số này đang tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, phần lớn những bệnh không lây nhiễm đều có thể phòng tránh được, do vậy, chúng ta cần có cách tiếp cận toàn diện và kiểm soát những yếu tố nguy cơ đóng vai trò quan trọng hàng đầu.
0:00 / 0:00
0:00
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.

Trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật và tỷ lệ tử vong cao do sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…). Các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật lớn nhất với hầu hết các quốc gia.

Theo Tiến sĩ Trần Quốc Bảo (Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế), bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam, ước tính chiếm khoảng 81% tổng số tử vong; khoảng 19% còn lại là do các bệnh truyền nhiễm, tử vong mẹ, chu sinh và tai nạn thương tích. Hiện nay, số tử vong trước 70 tuổi chiếm 41,3% tổng số tử vong; gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm chiếm 73,7%... Trong các bệnh không lây nhiễm, những bệnh chiếm tỷ lệ tử vong cao là: Tim mạch (39,5%), ung thư (15,9%), bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (6,2%), đái tháo đường (4,7%), rối loạn tâm thần kinh (5,2%)…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nêu rõ, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, sau dịch Covid-19, thế giới sẽ phải đối mặt với một đại dịch khác mang tên bệnh không lây nhiễm. Do đó, các nước cần tiếp tục đầu tư; tập trung nguồn lực cho các hoạt động dự phòng cũng như chăm sóc, điều trị cho những người mắc các bệnh không lây nhiễm. Theo báo cáo của các bệnh viện đầu ngành, hiện có từ 65-75% số người bệnh điều trị nội trú là những người mắc bệnh không lây nhiễm, trong đó các khoa chuyên điều trị ung thư, tim mạch… đều luôn quá tải; và vấn đề liên quan sức khỏe tâm thần cũng đang để lại những ảnh hưởng rất lớn trong cộng đồng.

Thống kê của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, khoảng 6-7% số dân mắc đái tháo đường. Theo Viện Tim mạch quốc gia Việt Nam, "sát thủ thầm lặng" là bệnh tăng huyết áp chiếm tỷ lệ khoảng 25% số người trên 25 tuổi. Tất cả bệnh không lây nhiễm đều gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là mới chỉ có 1/3 số bệnh nhân mắc bệnh được phát hiện và điều trị. Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia sử dụng rượu, bia nhiều cho nên làm gia tăng tai nạn thương tích, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim. Tỷ lệ hút thuốc lá cao cũng là tác nhân gây ra nhiều bệnh từ ung thư, tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ðào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau dịch Covid-19, tỷ lệ người đến khám tại bệnh viện này liên quan các bệnh không lây nhiễm chiếm nhiều nhất, trong đó số lượng người bệnh đến khám các lĩnh vực: Tim mạch, rối loạn chuyển hóa, ung thư… tăng đột biến.

Các chuyên gia y tế đã coi các bệnh không lây nhiễm là "kẻ giết người thầm lặng" và đặt ra những thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng do tỷ lệ mắc ngày càng cao và những hậu quả, di chứng nặng nề. Chính vì vậy, việc tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người có nguy cơ, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm. Trong đó, việc kiểm soát những yếu tố nguy cơ có vai trò quan trọng hàng đầu…

Tiến sĩ Trần Quốc Bảo cho rằng, phải có cách tiếp cận toàn diện trong phòng chống các bệnh không lây nhiễm. Có ba yếu tố quan trọng làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm. Ðó là các yếu tố ẩn (toàn cầu hóa, đô thị hóa, công nghiệp hóa, già hóa dân số); yếu tố hành vi (hút thuốc lá, uống rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực); yếu tố trung gian (thừa cân béo phì, tăng huyết áp, rối loạn đường máu, rối loạn lipid máu…). Trên cơ sở xác định được các yếu tố đó thì có những giải pháp phù hợp, từ việc hoàn thiện chính sách vĩ mô, luật, quy định đến kiểm soát yếu tố nguy cơ, thay đổi hành vi; phát hiện sớm, quản lý, dự phòng những người tiền bệnh, nguy cơ cao; quản lý điều trị, chăm sóc người mắc bệnh không lây nhiễm.

Chiến lược quốc gia phòng chống các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025 đã đề ra các mục tiêu cần đạt được đến năm 2025 là: Giảm 30% số người hút thuốc lá, giảm 10% số người uống rượu, bia có hại; giảm 10% số người thiếu vận động thể lực; kiểm soát thừa cân, béo phì dưới 15%; kiểm soát tăng huyết áp dưới 30%, kiểm soát đái tháo đường dưới 8%... Ðáng chú ý, chiến lược cũng đưa ra mục tiêu giảm 20% số ca tử vong do các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…

Ðể đạt các mục tiêu đề ra, nhiều nhóm giải pháp đã, đang được triển khai; theo đó, tập trung kiểm soát yếu tố nguy cơ bằng phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia; khuyến khích người dân tăng cường hoạt động thể lực, thực hiện dinh dưỡng hợp lý. Ðồng thời đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao sức khỏe, cung cấp thông tin, hướng dẫn người dân phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm; phát triển, nhân rộng các mô hình, phong trào trường học nâng cao sức khỏe, nơi làm việc vì sức khỏe, cộng đồng sức khỏe; triển khai chương trình sức khỏe Việt Nam. Tăng cường năng lực hệ thống để tổ chức cung ứng hiệu quả, rộng khắp các dịch vụ dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị, chăm sóc người bệnh không lây nhiễm… phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 95% số xã thực hiện dự phòng quản lý điều trị một số bệnh không lây nhiễm. Xây dựng hệ thống giám sát để thu thập, theo dõi, dự báo và giám sát yếu tố nguy cơ, số mắc bệnh và tử vong, đáp ứng của hệ thống y tế và hiệu quả phòng chống bệnh không lây nhiễm.

Gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm là rất lớn và đang tiếp tục gia tăng. Việc tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người có nguy cơ, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm sẽ giúp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.