Tiến trình tái thống nhất đảo Síp còn khó khăn

Thủ tướng đương nhiệm Ð.Ê-rô-glu(ngoài cùng,<br>bên trái)dành thắng lợi trong cuộc bầu cử<br>Tổng thống ở miền Bắc Síp
Thủ tướng đương nhiệm Ð.Ê-rô-glu(ngoài cùng,<br>bên trái)dành thắng lợi trong cuộc bầu cử<br>Tổng thống ở miền Bắc Síp

Không nằm ngoài dự đoán, ứng cử viên theo đường lối cứng rắn, đương kim Thủ tướng Ð.Ê-rô-glu đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống tại miền bắc Síp, với hơn 50% số phiếu ủng hộ. Tổng thống đương nhiệm M.Ta-lát được 42,85% số phiếu bầu. Trước sự chứng kiến của hàng nghìn người ủng hộ, ông Ê-rô-glu tuyên bố đã thắng cử và khẳng định tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình với cộng đồng người Síp gốc Hy Lạp ở miền nam, đồng thời xích lại gần hơn với Thổ Nhĩ Kỳ, nước viện trợ 700 triệu USD mỗi năm cho miền bắc Síp.

Síp là hòn đảo lớn thứ ba ở Ðịa Trung Hải, cách Thổ Nhĩ Kỳ 70 km về phía bắc và cách Hy Lạp 800 km về phía tây. Sau cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ năm 1974, đảo Síp bị chia cắt thành hai miền nam và bắc. CH Síp ở miền nam (của người Síp gốc Hy Lạp) được quốc tế công nhận. Trong khi đó, miền bắc đảo Síp tuyên bố độc lập và trở thành nước CH miền bắc Síp từ năm 1983, chỉ được Thổ Nhĩ Kỳ công nhận về mặt ngoại giao. Ðảo Síp có số dân gần 1,1 triệu người; diện tích 9.250 km2, trong đó cộng đồng người Síp gốc Hy Lạp kiểm soát 59% diện tích ở phía nam, người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát 37% diện tích ở phía bắc và LHQ kiểm soát Khu vực xanh 4% diện tích ở giữa hai miền. Năm 2004, CH Síp ở miền nam gia nhập EU. Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn duy trì khoảng 30 nghìn binh sĩ ở miền bắc Síp, với sự chấp thuận của người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, miền nam Síp, LHQ và EU coi đây là một lực lượng chiếm đóng bất hợp pháp.

Từ tháng 9-2008 đến nay, hơn 70 cuộc đàm phán giữa hai cộng đồng người Síp gốc Hy Lạp và gốc Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề thống nhất hai miền nam - bắc đã được tiến hành, nhưng đều không đạt kết quả. Trung tuần tháng 1, Tổng thống Ta-lát và người đồng cấp ở miền nam Ð.Cri-xtô-phi-át lại ngồi vào bàn thương lượng, dưới sự bảo trợ của LHQ. Vòng đàm phán này là nỗ lực mới nhất của lãnh đạo hai cộng đồng người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ và gốc Hy Lạp, sau các cuộc đàm phán kéo dài 16 tháng qua không tiến triển. Chủ đề chính của cuộc thương lượng xoay quanh vấn đề quản lý và chia sẻ quyền lực, kinh tế, vấn đề EU, chia sẻ tài sản bị mất trong chiến tranh, mở rộng quyền can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ... Miền bắc Síp đưa ra đề xuất mới về quy chế tổng thống luân phiên, quyền phủ quyết, cách thức bỏ phiếu bầu, cơ cấu hạ viện và thượng viện của Síp theo hình thức một nhà nước liên bang. Sau vòng đàm phán, ông Ta-lát tuyên bố cuộc thương lượng đạt được tiến bộ quan trọng và cam kết sẽ đi đến thỏa thuận toàn diện ngay trong năm nay. Tuy nhiên, dư luận nghi ngờ tuyên bố trên chỉ nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri dành cho ông Ta-lát. Trên thực tế, nhiều người dân miền bắc Síp ủng hộ mô hình nhà nước liên bang do LHQ đưa ra. Nhưng mô hình này lại bị chính người dân miền nam phản đối trong một cuộc trưng cầu ý dân. Không phải họ nghi ngờ tính bền vững của mô hình này, mà vì họ không muốn những đồng tiền đóng thuế của mình bị san sẻ cho phần phía bắc nghèo khó. Ðây là lý do các cuộc đàm phán giữa hai miền ít nhận được sự hậu thuẫn của người dân.

Dư luận lo ngại việc ông Ê-rô-glu trở thành Tổng thống mới của Síp có thể phá vỡ tiến trình đàm phán hòa bình giữa hai miền nam và bắc Síp, khiến nỗ lực gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ trở thành "dã tràng xe cát". Bởi vì, ông Ê-rô-glu luôn chủ trương thúc đẩy nền độc lập cho khu vực miền bắc của cộng đồng người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Còn An-ca-ra lại mong muốn tiến trình tái thống nhất đảo Síp sớm thành công, như món quà ý nghĩa tặng EU trên chặng đường gia nhập liên minh này. Sau nhiều năm không đạt tiến bộ, An-ca-ra tỏ ra thận trọng hơn trong vấn đề Síp và tuyên bố ủng hộ mô hình Nhà nước liên bang nam-bắc Síp để khép lại vấn đề Síp, xóa bỏ một trong những "rào cản" để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU. Tuy nhiên, với việc ông Ê-rô-glu trở thành Tổng thống, kế hoạch tái thống nhất đảo Síp dự báo còn gặp nhiều trắc trở.