Tiến sĩ Hồ Bá Quỳnh và 135 tờ trình

Ông sinh năm 1939 trong một gia đình nông dân nghèo, quê gốc làng Phú Ða, nay là xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, là hậu duệ của cụ tổ họ Hồ là Hồ Hưng Dật (Trạng nguyên), một dòng họ "Vạn đại vị dân". Ngày xưa khi mới về Bàn Ðót lập trại, cụ Hồ Hưng Dật đã lập hương án thề với trời đất bốn chữ "Vạn đại vị dân" (Vạn đại năm vì dân).

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông về công tác tại Sở Vật giá - Tài chính tỉnh Nghệ An cho đến lúc về hưu vào đầu năm 2001, hiện sống ở TP Vinh, tại 35 Hồ Hán Thương, phường Cửa Nam.

Tiến sĩ Hồ Bá Quỳnh rất đa tài. Nghề chính của ông là "nghề vật giá", nhưng ông đã đi sâu nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, lịch sử, xã hội, kiến trúc... "Lao động sáng tạo là thước đo của lòng yêu nước" - như ông tâm sự, nên ông luôn tìm tòi sáng tạo từ thực tế mà ông trải nghiệm.

Thế là lần lượt các tờ trình của ông về các vấn đề có tầm "vĩ mô" được gửi đến các cơ quan, các nhà lãnh đạo từ địa phương đến trung ương, bày tỏ quan điểm của mình cùng những tính toán logic, khoa học, cách làm cụ thể (như những kế sách) để thực hiện những ý tưởng nêu ra, nhằm xây dựng đất nước phồn vinh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh theo đường lối của Ðảng.

Hãy điểm qua nội dung cơ bản của một số tờ trình ấy: Trong thời kỳ bao cấp, đời sống của cán bộ và nhân dân ta rất khó khăn, nhất là nông dân và người lao động chân tay. Ông muốn "cởi trói" cho họ bằng những tờ trình in thành sách dày tới 223 trang, rồi dày thêm tới 336 trang trong cuốn "Mười giải pháp thức dậy tiềm năng Nghệ An" gửi tới Ðại hội lần thứ 14 Ðảng bộ Nghệ An.

Ở vào thời điểm ấy, ông đã táo bạo đề xuất những vấn đề động trời như "bỏ thuế vùng thuế thấp" gửi tới Ðại hội toàn quốc của Ðảng năm 1981; "cấp học bổng cho sinh viên sư phạm" (1992); vấn đề "bán nhà chung cư cho người sử dụng" (1992)... Hoặc trước đó, trong những năm từ 1965 đến 1985, ông đã đề xuất việc thực hiện "bù chênh lệch giá vào lương", "giảm lãi suất cho người nghèo vay vốn"; "bỏ thuế sát sinh"; "chuẩn bị cho thị trường chứng khoán"; "hình thành ngân hàng thương mại cổ phần và các doanh nghiệp tư nhân"; "thức dậy tiềm năng lao động trí óc bằng con đường chiêu hiền đãi sĩ"; "tôn trọng bản quyền tác giả"... và các đề xuất xây dựng công trình văn hóa, di tích lịch sử ở Nghệ An và Thủ đô Hà Nội.

Ðể đi tới kết quả như mình mong đợi, ông đã phải trả giá "đắt" bằng sự quy chụp đủ thứ, bị cách chức Phó trưởng phòng vật giá, bị loại khỏi diện đối tượng kết nạp Ðảng. Chỉ đến khi những tờ trình này được đồng chí Nguyễn Kỳ Cẩm, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh góp ý, đổi tên là "Thư gửi Ðại hội toàn quốc lần thứ V của Ðảng" và chính đồng chí chuyển tới Ðại hội, thì các vấn đề mà tiến sĩ Hồ Bá Quỳnh nêu ra mới được đánh giá đúng mức.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Ðồng lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã gửi thư khen. Trong thư có đoạn: "Ðồng chí đã có đóng góp nhiều trong văn kiện Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ V của Ðảng ta. Ðây là những vấn đề lớn, trên đang giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu để từng bước giải quyết. Thư của đồng chí đang lưu lại tại Văn phòng T.Ư Ðảng. Chúc đồng chí khỏe mạnh".

Thư của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng như ngọn lửa ấm áp động viên TS Hồ Bá Quỳnh tiếp tục "vắt óc" để có những đề xuất tiếp theo. Và sau đó, hai lần ông được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp bằng "Lao động sáng tạo" vào các năm 1986 và 1988.

Riêng với người nông dân, ông có một tình cảm đặc biệt và cảm thông sâu sắc với đời sống của họ. Ngay từ khi mới ra trường về công tác tại quê hương, trong một lần đi xếp hàng mua hàng theo tem phiếu cung cấp của cán bộ, ông gặp một bà cụ nông dân tần ngần đứng nhìn (vì nông dân làm gì có phiếu cung cấp). Bà cụ nhìn thấy ông dáng người nhỏ thó, ăn mặc rất bình thường, cụ nghĩ ông cũng chung hoàn cảnh với mình, nên rủ ông "về đi con...". Ông cùng cụ ra về. Thế là từ đêm ấy ông đau đáu nghĩ về bà cụ, về những thiệt thòi của người nông dân... Ông bắt đầu tư duy và lặn lội đi tìm hiểu gần 30 năm, để hoàn thành một đề tài nghiên cứu khoa học có tên "Hưu nông dân". Ðề tài này ông đã bảo vệ thành công, nhận học vị Phó tiến sĩ vào ngày 4-7-1994 tại hội đồng chấm luận án quốc gia với 10/10 phiếu thuận.

Chính sách "Hưu nông dân" đã được UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 2121 QÐ/UB ngày 30-7-1998 với tên gọi "Bảo hiểm xã hội hưu nông dân", thực hiện chế độ hưu cho những nông dân tham gia quỹ đủ 20 năm. Ðến nay đã có 90 nghìn người tham gia với số vốn hơn 100 tỷ đồng; có 96 người đã được lĩnh lương hưu từ quỹ này. Ngày 12-7-2006, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký Sắc lệnh công bố Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) được Quốc hội thông qua ngày 29-6-2006. Ðể thực thi Luật BHXH, UBND tỉnh Nghệ An quyết định chuyển BHXH hưu nông dân sang BHXH tự nguyện.

Cũng từ các quyết định trên, tiến sĩ Hồ Bá Quỳnh đã có tờ trình thứ 125 xây dựng "dự thảo BHXH hưu nông dân sang BHXH tự nguyện" gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng, nhằm hoàn thiện chính sách bảo đảm quyền lợi cho nông dân lúc tuổi già.

Có dịp hành hương về cội nguồn đất Tổ Hùng Vương - Phú Thọ, TS Hồ Bá Quỳnh nuôi nguyện vọng phải làm một việc gì đó góp phần bé  nhỏ của mình xây dựng khu di tích lịch sử Ðền Hùng. Và dịp đó đã tới, khi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng tỉnh Phú Thọ và Ban quản lý Khu di tích lịch sử Ðền Hùng phát động cuộc thi sáng tác mẫu "Tháp Hùng Vương". TS Hồ Bá Quỳnh đã gửi tới ban tổ chức tác phẩm dự thi của ông gồm hình vẽ tháp tượng đài cao 18 tầng (tượng trưng cho 18 đời vua Hùng) và các bản thuyết minh, tính toán thông số kỹ thuật, tiêu chuẩn vật liệu kiến thiết... chi tiết.

Ông cho biết, "Tháp Hùng Vương" phải là một công trình hoành tráng, xứng đáng là biểu tượng của quốc gia và tồn tại vĩnh cửu. Ông nói thêm: Tôi không phải là một kiến trúc sư hay một nhà mỹ thuật, tác phẩm tôi gửi dự thi có thể không "lọt vào mắt" các thành viên ban giám khảo. Nhưng đây là tình cảm và sự nỗ lực của một người con mang dòng máu Lạc Hồng.

NGUYỄN VĂN ÐẠT
(Xã Xuân Huy, huyện Lâm Thao, Phú Thọ)