Theo báo cáo, hiện nay, Tiền Giang còn khoảng 325 nghìn con lợn, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lợn nái giống sinh sản còn hơn 18,5 nghìn con, nái giống hậu bị còn hơn 20,2 nghìn con, đực giống còn khoảng 450 con, lợn thịt gần 238 nghìn con và lợn con theo mẹ khoảng 48 nghìn con.
Trong đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua, tỉnh Tiền Giang đã tiêu hủy gần 167,5 nghìn con lợn của 6.362 hộ tại 153 xã, thuộc 11 huyện, thị, thành. Số tiền hỗ trợ thiệt hại gần 318 tỷ đồng.
Đến nay, Tiền Giang đã cơ bản khống chế được dịch tả lợn châu Phi và đang trong giai đoạn tái đàn trở lại. Tỉnh khuyến cáo và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở chăn nuôi lợn áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học trước khi tái đàn. Ngay khi có chủ trương tái đàn, 16 trại chăn nuôi gia công quy mô lớn đã đăng ký và được kiểm tra đánh giá bảo đảm điều kiện an toàn sinh học, sau đó tái đàn với số lượng gần 30 nghìn con. Hiện nay, công tác tái đàn, khôi phục sản xuất chăn nuôi lợn của tỉnh Tiền Giang đang triển khai khá hiệu quả tại các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, kể cả trang trại tư nhân quy mô nhỏ.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phùng Đức Tiến yêu cầu tỉnh Tiền Giang chỉ đạo cho ngành nông nghiệp tập trung vào công tác khôi phục lại đàn lợn. Trong đó, công tác an toàn sinh học cần đặc biệt quan tâm. Ngoài ra, ông Tiến cũng đề nghị tỉnh hoàn thiện hồ sơ để khẩn cấp hỗ trợ cho những hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi chưa nhận được tiền. Bên cạnh đó, tỉnh nghiên cứu quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, tín dụng cho vay đối với người chăn nuôi và hỗ trợ đất đai hoặc có cơ chế giúp hộ chăn nuôi lợn khôi phục lại đàn.