Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng đã nhận được ba công văn công bố 15 dự án nhà ở xã hội của các tỉnh Bắc Giang, Trà Vinh, Tây Ninh và chín dự án tại Bình Định, Phú Thọ, Bà Rịa-Vũng Tàu. Điều này cho thấy, nhiều giải pháp mà các đơn vị chức năng đưa ra đã bắt đầu phát huy tác dụng. Những dự án được cấp phép cũng được các tổ chức tín dụng sẵn sàng cho vay. Đến nay, một số ngân hàng như BIDV, Agribank đã bắt đầu cho vay gói tín dụng này.
Là một trong những ngân hàng thương mại đi đầu trong triển khai thực hiện, ngay khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bắt đầu triển khai Nghị quyết 33/NQ-CP, Agribank đã cùng các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước tích cực tham gia xây dựng chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho phân khúc nhà ở xã hội. Theo đó, Agribank dành 30.000 tỷ đồng với mức lãi suất hỗ trợ 2% để cho vay đối tượng khách hàng là pháp nhân, cá nhân đầu tư dự án và mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục do Bộ Xây dựng công bố.
Theo ông Lê Văn Tuấn - Phó Trưởng Ban Chính sách tín dụng Agribank: Từ khi triển khai chương trình đến nay, Agribank đã phê duyệt một dự án khu nhà ở xã hội tại Quảng Ninh với hạn mức cấp tín dụng là 950 tỷ đồng (trong đó hạn mức cho vay là 750 tỷ đồng).
Tuy nhiên, hiện tại tỉnh này chưa công bố danh mục nhà ở xã hội, do đó khách hàng đang chờ quyết định của tỉnh để đủ điều kiện tham gia chương trình 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 33 của Chính phủ. Ngoài ra, Agribank cũng đang tiếp cận một số dự án nhà ở xã hội như khu nhà ở xã hội phường Long Trường, thành phố Thủ Đức (do Công ty TNHH Xây dựng và kinh doanh nhà Điền Phúc Thành làm chủ đầu tư); khu nhà ở xã hội tại khu CC-09 thuộc Khu đô thị Long Vân, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn (do Công ty IEC làm chủ đầu tư); dự án nhà ở xã hội tại Hà Nam của Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị (HUD); dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng (do Công ty cổ phần Đầu tư nhà An Bình làm chủ đầu tư)...
“Trong quá trình thực hiện vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, nhưng dù thế nào, chúng tôi cũng quyết tâm thực hiện. Khó khăn đến đâu tháo gỡ đến đó, Agribank sẽ luôn đồng hành cùng với người dân, thành phần còn yếu thế trong xã hội tiếp cận được với nguồn vốn này”, ông Lê Văn Tuấn nhấn mạnh.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết: Tín dụng đến thời điểm ngày 27/6 tăng 4,03% và tăng 9,08% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, về cơ cấu, tín dụng vào kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm tăng 14%, cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua đã bắt đầu phát huy tác dụng.
“Tuy nhiên, đáng chú ý là tín dụng cho tiêu dùng bất động sản trong 5 tháng lại giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%. Như vậy tới thời điểm hiện tại, nhà đầu tư bất động sản là cá nhân và người mua nhà để tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng đầu tư cho nên tín dụng còn đang thấp. Bởi vậy, việc tháo gỡ các khó khăn pháp lý, điều chỉnh giá nhà, giá bất động sản cũng là một trong những giải pháp để có thể thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và đầu tư trong lĩnh vực bất động sản”, Thống đốc nhận định.
Cùng các giải pháp tín dụng, sau nhiều lần hạ lãi suất điều hành vừa qua, hiện lãi suất đã trở về mức trước dịch Covid-19. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một trong số ít các ngân hàng trung ương trên thế giới giảm lãi suất trong bối cảnh các nước vẫn giữ lãi suất ở mức cao (đến ngày 15/6, trên toàn thế giới có 101 lượt tăng lãi suất). Phó Trưởng Ban Chính sách tín dụng Agribank Lê Văn Tuấn cho biết thêm: Thời gian qua, ngân hàng đã thực hiện tiết giảm chi phí để hỗ trợ cho các chi nhánh.
Ngoài chính sách giảm lãi suất về 8,7% đối với doanh nghiệp và 8,2% đối với cá nhân mua nhà ở xã hội, với nội bộ trụ sở chính Agribank cũng tiết giảm chi phí để giảm tiếp 2% lãi suất cho các chi nhánh. Mục tiêu là để khuyến khích các chi nhánh tiếp cận các dự án. Khi các địa phương triển khai đồng bộ các dự án, trường hợp nhu cầu vay vốn vượt quá 30.000 tỷ đồng, Agribank dự kiến bổ sung và báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - Tiến sĩ Cấn Văn Lực ghi nhận nỗ lực rất lớn của một ngân hàng thương mại như Agribank đã cắt giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, ông Lực nhấn mạnh, chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng là tín dụng thương mại có ưu đãi, do đó, cần tạo lập nguồn vốn ổn định để phát triển nhà ở xã hội, tránh việc áp dụng theo các gói, chương trình lẻ tẻ.
“Quỹ phát triển nhà ở xã hội như mô hình của Singapore, Hàn Quốc là một gợi ý hay. Nguồn vốn cho quỹ này có thể đến từ vốn mồi ngân sách, nguồn thu từ quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội, vốn góp từ các doanh nghiệp, tổ chức tài chính, phát hành trái phiếu Chính phủ, chính quyền địa phương, nguồn vốn quốc tế (ODA, vay ưu đãi, trợ cấp, tổ chức quốc tế khác...)…”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực đề xuất.
Trong khi đó, theo nhìn nhận của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng là sự chủ động của các ngân hàng thương mại và cũng định hướng rất rõ ràng là sẽ dành cho phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thời điểm này muốn làm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân thì chủ đầu tư phải có quỹ đất, quy hoạch hạ tầng đầy đủ. Đây đang là trở ngại lớn khi thời gian qua nhiều dự án vấp phải vướng mắc về thủ tục pháp lý cũng như quy định còn nhiều bất cập.
“Vì lý do này, không nhiều chủ đầu tư mặn mà phát triển phân khúc nhà ở này. Điều này khiến số lượng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tiếp tục khan hiếm, nguồn cung khó có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân hiện nay. Như vậy, dù tiền có sẵn cũng rất khó để giải ngân”, ông Hùng phân tích thêm.
Vì lý do này, không nhiều chủ đầu tư mặn mà phát triển phân khúc nhà ở này. Điều này khiến số lượng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tiếp tục khan hiếm, nguồn cung khó có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân hiện nay. Như vậy, dù tiền có sẵn cũng rất khó để giải ngân.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát thủ tục, hồ sơ để tăng khả năng tiếp cận tín dụng. Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, các ngân hàng cũng đang tích cực triển khai thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ, đến nay đã có 2.800 khách hàng được cơ cấu lại các khoản vay. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang xem xét và sớm thông báo tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Song bên cạnh đó, tôi cũng kiến nghị các cơ quan, bộ, ngành cùng phối hợp giải quyết đầu ra cho doanh nghiệp thông qua xúc tiến thương mại, khai thác thị trường trong nước, cải thiện về điều kiện tiếp cận tín dụng thông qua bảo lãnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; thúc đẩy đầu tư công để có sự lan tỏa đến hoạt động sản xuất, kinh doanh khác. Với thị trường bất động sản, cần giải quyết vấn đề pháp lý cũng như các doanh nghiệp bất động sản cần điều chỉnh giá của bất động sản”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh.