Về Đề án đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), đây là Đề án nhằm triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10 Hội nghị lần thứ 5 BCH T.Ư Đảng Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Đến nay, Bộ đã ba lần lấy ý kiến của các bộ, ngành và địa phương. Mục tiêu tổng quát của Đề án là đến năm 2030, đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý nhà nước theo hướng Chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang quản lý và kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, góp phần đạt được các mục tiêu về phát triển KTTN.
Sau khi các bộ, ngành dự họp nêu ý kiến, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bộ KHĐT đã dày công nghiên cứu, đưa ra nhiều nội dung quan trọng trong Đề án, đồng thời đề nghị Bộ cần tiếp thu ý kiến của các thành viên dự họp. Về tên Đề án, để phù hợp hơn với nội dung, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, Thủ tướng đề nghị Bộ KHĐT nghiên cứu tên Đề án theo hướng đổi mới toàn diện quản lý nhà nước để tạo thuận lợi cho KTTN phát triển mạnh mẽ.
Về nội dung, Thủ tướng đề nghị Đề án nên tập trung vào vấn đề trọng tâm, gắn KTTN với định hướng phát triển kinh tế đất nước. Theo đó, phải nêu lên những đột phá của KTTN, chưa bao giờ KTTN ở nước ta phát triển mạnh mẽ như thời gian qua, trong đó có vai trò quan trọng của việc hoàn thiện thể chế theo chủ trương của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước. Đề án cũng cần nêu các rào cản đối với sự phát triển KTTN; tập trung hoàn thiện năm nhóm giải pháp và 25 nhiệm vụ cụ thể cả về vấn đề quy hoạch, thể chế pháp lý, cách thức quản lý nhà nước, phân bổ nguồn lực, công tác kiểm tra giám sát nâng cao hiệu lực, hiệu quả… phát triển KTTN bền vững.
Thủ tướng cũng lưu ý hai điểm quan trọng tác động yêu cầu đổi mới quản lý nhà nước để tạo thuận lợi cho phát triển KTTN. Thứ nhất là tình hình đất nước và bối cảnh quốc tế, đó là biến động nhanh, phức tạp, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, đại dịch, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thứ hai, cần nghiên cứu văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong đó có Chiến lược phát triển KTXH 10 năm, Phương hướng, nhiệm vụ phát triển KTXH 5 năm tới với nhiều quan điểm, định hướng mới để thúc đẩy KTTN phát triển. Đề án này cần quán triệt các quan điểm lớn, các đột phá lớn về KTTN.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng cho rằng, Đề án cần đưa ra mục tiêu phù hợp tình hình quốc tế, trong nước trong trạng thái bình thường mới, phù hợp quan điểm phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, đặc biệt là thể hiện rõ quan điểm, định hướng đổi mới trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, qua đó tạo niềm tin mạnh mẽ trong thành phần KTTN ở Việt Nam. Đề án cần thể hiện Nhà nước, quản lý nhà nước phải tôn trọng yêu cầu quy luật khách quan của kinh tế thị trường theo định hướng XHCN đối với các thành phần kinh tế, trong đó có KTTN. Yêu cầu nữa là bảo đảm quyền tài sản, quyền kinh doanh, bảo đảm tính liên tục, kế thừa, tính đổi mới sáng tạo.
Về giải pháp, Thủ tướng yêu cầu tập trung ba đột phá trong phát triển ở Việt Nam, trong đó, vai trò quan trọng của KTTN là đi đầu trong đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy phát triển KTTN nhanh và bền vững. Cụ thể là về các vấn đề như kinh tế số, xã hội số, chiến lược số, tiết kiệm trong đầu tư, đất đai, tài nguyên môi trường, phát triển xanh… gắn với phát triển KTTN. Bên cạnh đó là hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi và phát huy sự năng động của KTTN; đào tạo nguồn nhân lực cho KTTN, hình thành các tập đoàn KTTN lớn mạnh ở Việt Nam.
Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Bộ KHĐT và Văn phòng Chính phủ đưa Đề án này vào Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII Đảng, đồng thời tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10 Hội nghị lần thứ 5 BCH T.Ư Đảng Khóa XII về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
* Chiều 18-2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ thảo luận dự thảo Báo cáo Quốc hội về tình hình vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch vay và trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc Bộ Tài chính đã cùng các bộ, ngành liên quan chuẩn bị, nghiên cứu kỹ, xây dựng và hoàn thiện dự thảo Báo cáo. Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại cuộc họp, rà soát kỹ từng nội dung, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo.
Về đánh giá tình hình nợ công, Thủ tướng nêu rõ, trong dự thảo Báo cáo cần đánh giá đúng thực trạng, nêu bật xu hướng nợ công giảm so đầu nhiệm kỳ; trong đó tỷ lệ nợ công so với GDP giảm từ 63,7% năm 2016 xuống còn 55,3% GDP năm 2020, được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn an toàn theo quy định; hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công tăng lên; đáp ứng kịp thời những nhu cầu cấp bách của nền kinh tế, đặc biệt là phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Đồng thời, việc cơ cấu lại nợ công có những chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng vay trong nước, kéo dài thời gian vay và giảm chi phí vay vốn, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.
Về xây dựng kế hoạch vay và trả nợ công giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng đặc biệt lưu ý cần cần phân tích, đánh giá kỹ bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, trong đó nhu cầu vốn đầu tư phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) trong trạng thái bình thường mới do tác động của đại dịch Covid-19 là rất lớn, đặc biệt là đầu tư cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng - một trong ba đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Cách tiếp cận chính sách tài khóa, nợ công phải bảo đảm tính chủ động, tích cực, vừa thúc đẩy phát triển đất nước, vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia.
Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan cần tập trung nghiên cứu, có định hướng chính sách cụ thể, bảo đảm lợi ích tổng thể của nền kinh tế. Trong đó, vấn đề đặt ra là phải tính toán kỹ mức trần nợ công, bảo đảm phù hợp với tinh thần các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và quản lý chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn vay và bố trí nguồn trả nợ.
Thủ tướng lưu ý cần tăng cường quản lý và nâng cao sử dụng hiệu quả nợ công, coi đây là yêu cầu và nhiệm vụ quan trọng của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Cần kiểm tra, giám sát bảo đảm khả năng trả nợ về tổng thể cũng như hiệu quả của từng dự án cụ thể, bảo đảm uy tín quốc gia; đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình sử dụng vốn vay và bố trí nguồn trả nợ. Lưu ý cần đánh giá tác động, ảnh hưởng của các phương án, kịch bản vay và trả nợ cụ thể, đặc biệt là đối với hệ thống kết cấu hạ tầng trên các lĩnh vực và thúc đẩy phát triển KTXH.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương rà soát, hoàn thiện dự thảo Báo cáo, sớm trình Chính phủ đề án để báo cáo các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo quy định.