Giáo sư, TS Nguyễn Khoa Sơn, Chủ nhiệm Chương trình KHCN độc lập cấp Nhà nước về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2012-2015 cho biết, với 27 đề tài được phê duyệt đưa vào triển khai, các nhiệm vụ khoa học được lựa chọn để thực hiện đã đáp ứng được các nhu cầu cấp thiết về nghiên cứu triển khai, ứng dụng công nghệ vũ trụ giải quyết các vấn đề cấp bách của khoa học công nghệ, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và triển khai trong một số lĩnh vực công nghệ: công nghệ vệ tinh nhỏ, công nghệ trạm thu, công nghệ tên lửa đẩy. Các kết quả và sản phẩm đã được đưa vào sử dụng trong thực tiễn và được chuyển giao, đào tạo cho các cơ sở, địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực viễn thám và dữ liệu địa lý GIS. Cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia đã được bổ sung bộ công cụ hỗ trợ việc quản lý và công bố dữ liệu VNREDSat-1, trong đó có phương pháp định danh cảnh ảnh VNREDSat-1 trên toàn thế giới.
Nhiều cơ sở dữ liệu chuyên đề ảnh vệ tinh và phương pháp phân tích xử lý ảnh, nhất là ảnh có độ phân giải cao đã được phát triển, phục vụ cho nhu cầu giám sát môi trường, tài nguyên và thiên tai của Việt Nam và các đối tượng đặc thù như tàu thuyền, mục tiêu quân sự. Chương trình đã xây dựng và hoàn chỉnh một số mô hình ứng dụng viễn thám, trong đó có sử dụng vệ tinh VNREDSat-1 của Việt Nam vào các mục tiêu ứng dụng cụ thể. Trên cơ sở đó, nhiều bộ số liệu và bộ tư liệu GIS các khu vực nghiên cứu được xây dựng và hoàn thiện trên cơ sở các dữ liệu vệ tinh độ phân giải cao. Có thể kể đến bộ số liệu về hiện trạng tai biến địa chất như xói mòn đất, lũ quét, lũ bùn đá, trượt lở đất vùng hồ, bồi lắng lòng hồ… ở một số lưu vực hồ thủy điện lớn và hệ thống trục giao thông vùng Tây Bắc dựa trên cơ sở dữ liệu ảnh vệ tinh phân giải cao. Hay như bộ bản đồ hiện trạng, biến động lớp phủ, khả năng tái sinh, suy giảm rừng tự nhiên… của một số khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia khu vực Tây Bắc, di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng và di sản văn hóa thế giới cố đô Huế…
Một số kết quả, sản phẩm dưới dạng các phương pháp, thuật toán, phần mềm nghiên cứu ứng dụng hoặc nghiên cứu phát triển công nghệ trong các lĩnh vực về khoa học, công nghệ vũ trụ như phương pháp tiền xử lý ảnh vệ tinh VNREDSat-1, phát hiện biến động các công trình bờ biển từ ảnh vệ tinh, các tiêu chí để đánh giá vị trí triển khai trạm mặt đất cho vệ tinh quan sát Trái đất, tính toán vùng phủ sóng và thời gian liên lạc giữa vệ tinh và trạm mặt đất… Chương trình cũng đạt được nhiều sản phẩm trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển công nghệ như: máy thu băng tần C, la bàn điện tử và trạm thu tín hiệu truyền hình vệ tinh địa tĩnh di động dựa trên se sơ từ trường yếu được chế tạo thử nghiệm thành công trên tàu biển; hệ thống mô phỏng phân hệ xác định và điều khiển tư thế vệ tinh (ADCS); bộ thu GPS độ chính xác cao và mạng lưới cung cấp dịch vụ NAVINET (sản phẩm đã đạt Giải nhất - Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2015); hệ thống payload quang điện tử chụp ảnh toàn sắc và đa phổ theo cấy Schimdt Cassegrain đạt độ phân giải theo yêu cầu hay tên lửa đẩy nhiên liệu rắn TV-01 thử nghiệm bắn bay thành công... Đây là những sản phẩm hoàn toàn có thể đưa vào ứng dụng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh - quốc phòng hoặc hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, lập chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế của các ngành và địa phương.
GS, Viện sĩ Châu Văn Minh, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh giá, kết quả của chương trình có tính ứng dụng cao và đã được chuyển giao sử dụng như các bộ dữ liệu bản đồ, các số liệu về hiện trạng tai biến địa chất lưu vực hồ thủy điện lớn… Nhiều đề tài đã sử dụng dữ liệu vệ tinh VNREDSat-1 để thực hiên các nội dung nghiên cứu, cho thấy tiềm năng lớn trong việc khai thác và sử dụng có hiệu quả các hạ tầng công nghệ vũ trụ đã và đang được đầu tư. Trên cơ sở các kết quả đã đạt được của giai đoạn 2012-2015, GS, Viện sĩ Châu Văn Minh hy vọng Chương trình KHCN vũ trụ giai đoạn 2016-2020 sẽ góp phần vào sự thành công của chiến lược nghiên cứu ứng dụng phát triển khoa học công nghệ vũ trụ đến năm 2020 của Chính phủ, đưa nước ta vào nhóm dẫn đầu ASEAN về công nghệ vũ trụ.
Nhằm đưa công nghệ vũ trụ Việt Nam phát triển, phổ biến khoa học công nghệ vũ trụ tới các viện nghiên cứu, trường đại học, vùng, PGS, TS Nguyễn Minh Chung, Chủ nhiệm Chương trình KHCN vũ trụ giai đoạn 2016 - 2020 cho biết, thời gian tới chương trình sẽ đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức kinh tế - xã hội, đưa ra những cơ chế chính sách phù hợp để doanh nghiệp cùng tham gia nghiên cứu, phát triển một số sản phẩm và đưa vào ứng dụng trong thực tế. Đồng thời, ưu tiên các nhiệm vụ sản xuất thử nghiệm, đưa công nghệ vũ trụ đến với các doanh nghiệp để trở thành nhu cầu của xã hội, tiến đến thương mại hóa các sản phẩm của công nghệ vũ trụ.