Thực tiễn nội luật hóa các điều ước quốc tế về phòng, chống tội phạm ở Việt Nam

Có thể nói, thách thức lớn nhất của nội luật hóa điều ước quốc tế là phát hiện những điểm còn thiếu tương thích, thiếu cụ thể hay chưa sát với bản chất của chế định hoặc khái niệm pháp luật trong nước trên cơ sở đối chiếu với các quy định của các điều ước quốc tế cũng như so sánh có chọn lọc với pháp luật của các quốc gia khác.

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Duy Linh
Ảnh minh họa: Duy Linh

Bài 2: Khó khăn, thách thức và kiến nghị, đề xuất

Việt nam cam kết thực thi tận tâm và thiện chí các quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp quy định của các điều ước quốc tế.

Những năm qua, Bộ Công an đã tập trung xây dựng, tham mưu hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự, trong đó lực lượng Công an nhân dân (CAND) đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều chính sách, pháp luật về an ninh, trật tự nhằm nội luật hóa các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2021); Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022; Luật Thi hành án hình sự năm 2019… qua đó, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, vừa tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng CAND, vừa đáp ứng yêu cầu theo cam kết tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, vì các điều ước quốc tế nói chung và điều ước quốc tế về phòng, chống tội phạm nói riêng bao gồm những quy tắc, chuẩn mực chung cho nhiều quốc gia, nhiều hệ thống pháp luật khác nhau, hoạt động nội luật hóa các điều ước quốc tế về phòng, chống tội phạm tại Việt Nam thời gian qua cho thấy một số vướng mắc, bất cập như sau:

Trước hết, pháp luật Việt Nam chưa có quy định thống nhất về hình thức văn bản để nội luật hóa các quy định của điều ước quốc tế; không quy định cụ thể cách thức nội luật hóa các điều ước quốc tế nói chung và các điều ước quốc tế về phòng, chống tội phạm nói riêng mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, quá trình xây dựng và ban hành văn bản luật hay dưới luật đều phải trải qua bước rà soát sự tương thích của các quy định trong các văn bản đó với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Điều này cho thấy các cam kết của Việt Nam theo một điều ước quốc tế có thể được chuyển hóa vào các quy định của nhiều loại văn bản khác nhau (văn bản luật hoặc văn bản dưới luật). Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã yêu cầu phải: “xác định rõ quy trình, cơ chế “nội luật hóa” các điều ước mà Việt Nam là thành viên” nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Thứ hai, một số quy định pháp luật trong nước vẫn chưa tương thích hoàn toàn, chưa chuyển hóa đầy đủ các yêu cầu tại các điều ước quốc tế. Thí dụ, theo pháp luật Việt Nam, trẻ em là người dưới 16 tuổi, trong khi theo quy định tại các điều ước quốc tế thì trẻ em là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi. Sự chưa tương thích này có thể dẫn đến khả năng hạn chế trong việc bảo vệ nạn nhân là các đối tượng từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, bởi lẽ đối tượng này không có biện pháp bảo vệ đặc biệt hơn.

Thêm nữa, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia thể hiện trên ba phương diện: không gian diễn ra tội phạm, phạm vi ảnh hưởng của tội phạm và chủ thể thực hiện tội phạm. Điều này có thể dẫn đến việc mặc dù pháp luật trong nước đã nội luật hóa đầy đủ quy định của điều ước quốc tế vẫn khó thực thi do khác biệt về hệ thống pháp luật và chế định trong nước xuất phát từ nguyên tắc lãnh thổ. Điều này thường xuất hiện trong thực tiễn triển khai các điều ước quốc tế song phương, thí dụ như chính sách pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người giữa Việt Nam với các nước có nhiều nạn nhân là người Việt chưa tương đồng, ảnh hưởng đến quá trình điều tra, xử lý vụ án.

Có thể nói, thách thức lớn nhất của nội luật hóa điều ước quốc tế là phát hiện những điểm còn thiếu tương thích, thiếu cụ thể hay chưa sát với bản chất của chế định hoặc khái niệm pháp luật trong nước trên cơ sở đối chiếu với các quy định của các điều ước quốc tế cũng như so sánh có chọn lọc với pháp luật của các quốc gia khác.

Việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế là cần thiết nhưng phải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và thực tiễn phòng, chống tội phạm của Việt Nam; bảo đảm sự thống nhất với các chế định/quy định liên quan trong hệ thống pháp luật của Việt Nam; phải bảo đảm những nguyên tắc cơ bản nền tảng của hiến pháp, pháp luật. Mỗi quy định theo hướng nội luật hóa điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo hướng học tập kinh nghiệm lập pháp của nước ngoài cần được xây dựng trên cơ sở tìm hiểu rõ và đúng bản chất của quy định đó.

Thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật trong nước để đáp ứng yêu cầu tại các điều ước quốc tế về phòng, chống tội phạm, trong đó tập trung vào những công tác:

Đầu tiên là tiếp tục rà soát hệ thống quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Trong đó, cần thường xuyên đánh giá tính tương thích của pháp luật trong nước và điều ước quốc tế về phòng, chống tội phạm mà Việt Nam là thành viên hoặc đang dự kiến gia nhập.

Song song với đó cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bảo đảm chất lượng các dự án luật như: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), sớm đề xuất xây dựng Luật về dẫn độ, Luật về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Trong đó cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung nhằm nội luật hóa gần hơn các quy định của điều ước quốc tế về phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các quy định liên quan đến hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng hình sự.

Đồng thời chủ động nghiên cứu, rà soát, tiếp tục đề xuất gia nhập, ký kết, thực hiện các điều ước quốc tế đa phương, các hiệp định hợp tác về phòng, chống tội phạm, tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù với các nước, phù hợp với lộ trình, nhiệm vụ đặt ra tại Kế hoạch số 523/KH-BCA-V03 ngày 13/12/2021 của Bộ Công an về việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế về bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, hợp tác phòng, chống tội phạm giai đoạn 2021-2025 trong Công an nhân dân, trọng tâm là nghiên cứu, đề xuất gia nhập Nghị định thư về chống di cư trái phép bổ sung Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các điều ước quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó, Bộ Công an chủ trì, giúp Chính phủ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, bảo đảm tuân thủ quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) và Luật Tương trợ tư pháp năm 2007; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải quyết có hiệu quả các vụ việc về dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù theo đúng yêu cầu đặt ra. Thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình tội phạm, tình hình chấp hành án hình sự của các phạm nhân là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam; đẩy mạnh việc nghiên cứu so sánh pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù của các nước với quy định tương ứng của Việt Nam.

Nỗ lực phối hợp hành động và hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm trong khuôn khổ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tăng cường hợp tác với các nước láng giềng, khu vực và hợp tác đa phương về an ninh, trật tự nhằm khai thác hiệu quả thế mạnh, kinh nghiệm, thực tiễn tốt của hội nhập quốc tế. Chủ động tham gia chia sẻ quan điểm tại các cơ chế đa phương, đối thoại với các đối tác trên diễn đàn quốc tế và khu vực, đặc biệt là tại Liên hợp quốc và ASEAN hoặc các hoạt động trong khuôn khổ thực thi các điều ước quốc tế về phòng, chống tội phạm như Hội nghị các quốc gia thành viên (CoSP, UNTOC), cuộc họp của các nhóm công tác, góp phần định hình, xây dựng thể chế pháp lý quốc tế chung, tạo điều kiện cho quá trình nội luật hóa, hài hòa hóa pháp luật trong nước và chuẩn mực quốc tế.

Tích cực tham gia thực hiện các cơ chế tự đánh giá (thành viên tự đánh giá tình hình thực thi Công ước của mình) và đánh giá (thành viên tham gia đánh giá tình hình thực thi Công ước của thành viên khác) trong khuôn khổ thực thi các điều ước quốc tế đa phương như Cơ chế đánh giá thực thi Công ước UNCAC, UNTOC, Cơ chế đánh giá đa phương của Nhóm châu Á- Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG)…

Cuối cùng là đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác pháp chế, hợp tác quốc tế về pháp luật; cán bộ nghiên cứu, đàm phán điều ước quốc tế và vận dụng pháp luật quốc tế trong lĩnh vực dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, tương trợ tư pháp về hình sự nói riêng. Cần tiếp tục mở rộng quy mô và chất lượng đào tạo cán bộ về công tác nghiệp vụ và pháp luật, tập trung đổi mới các hình thức đào tạo, nhất là đào tạo, huấn luyện kiến thức, kỹ năng, chiến thuật mang tính thực tiễn cao, đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài. Trong đó, cần kết hợp đào tạo ngoại ngữ, tin học ở trình độ cao và nâng cao kiến thức nghiệp vụ cho cán bộ với nhiều hình thức đào tạo khác nhau.