Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách lớn đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

NDO -

Chiều 9/3, phát biểu chỉ đạo tại lễ ký kết Quy chế phối hợp giai đoạn 2022-2026 giữa Thường trực Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan phối hợp nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về điều chỉnh phân định miền núi, vùng cao, phục vụ cho việc hoạch định chính sách dân tộc.

Quang cảnh hội nghị Tổng kết quy chế phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc. (Ảnh Duy Linh)
Quang cảnh hội nghị Tổng kết quy chế phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc. (Ảnh Duy Linh)

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu tổ chức hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về chính sách dân tộc và công tác dân tộc; kịp thời phát hiện, chỉ ra những khó khăn, bất cập về cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh phù hợp.

Nhìn lại những kết quả quan trọng thời gian qua, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm đến công tác dân tộc và đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc, nhất là những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi khó khăn.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn đánh giá cao việc Hội đồng Dân tộc cùng Ủy ban Dân tộc tăng cường mối liên hệ, phối hợp công tác như sự chủ động phối hợp chặt chẽ, thiết thực, hiệu quả giữa Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Ban Cán sự đảng Chính phủ, Thường trực Chính phủ.

Theo báo có, hai bên đã chủ động xây dựng Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2022-2026, nội dung khá toàn diện, gồm 5 nhóm nội dung, cụ thể thành 14 đầu công việc. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng các nôi dung đề ra sát với thực tiễn, sát với Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, của Đảng đoàn Quốc hội cũng như Chương trình hành động của Chính phủ.

bnd-9442.jpg -0
 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh Duy Linh)

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, đã rà soát trong 107 nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, có 11 nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc và nhiều nhiệm vụ khác liên quan công tác phối hợp của Hội đồng Dân tộc với các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng có 138 nhiệm vụ cụ thể, Ủy ban Dân tộc được giao ở nhiệm vụ thứ 82 là xây dựng Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030 và nhiều nhiệm vụ khác mà Ủy ban Dân tộc phải phối hợp với các bộ, cơ quan.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Quy chế đã đạt được kết quả thiết thực. Các chủ trương, chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số được điều chỉnh, bổ sung phù hợp thực tế; công tác tổ chức thực hiện chính sách dân tộc đã có chuyển biến tích cực.

Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước được chú trọng; nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị về công tác dân tộc; góp phần phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố và tăng cường...

Lưu ý các nhiệm vụ trong thời gian tới của các cơ quan, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 88 và Nghị quyết 120 của Quốc hội. Khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định số 1719 ngày 14/10/2021 của Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan khẩn trương hoàn thành các thủ tục, ban hành văn bản theo quy định để triển khai thực hiện, giải ngân 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Đề cập công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý 10 giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội có những giải pháp đã thực hiện được nhưng còn có những giải pháp thực hiện chưa thật đầy đủ, chưa tốt.

Thời gian tới, hai cơ quan cần nghiên cứu tham mưu, đề xuất với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quốc hội để xây dựng luật về lĩnh vực dân tộc, điều chỉnh toàn diện, đầy đủ các chính sách dân tộc, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của Hiến pháp năm 2013 về dân tộc và chính sách dân tộc.

bnd-9450.jpg -0
 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu chứng kiến lễ ký kết phối hợp giữa hai cơ quan. (Ảnh Duy Linh)

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, công tác dân tộc là quá trình thực hiện lâu dài, liên tục, kiên trì, phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, vì vậy phải chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và của toàn xã hội.

“Mục tiêu là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng và tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào các dân tộc để phát triển nhanh, bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”-Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nêu rõ.

Hiện nước ta có hơn 14 triệu đồng bào dân tộc thiểu số, khoảng 3 triệu hộ, cư trú ở 51 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền trung; chiếm 3/4 diện tích cả nước. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, đây là khu vực vẫn còn tồn tại “5 nhất” so cả nước, đó là: (1) Vùng có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất (2) Chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất (3) Kinh tế, xã hội phát triển chậm nhất (4) Tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất (5) Tỷ lệ người nghèo cao nhất.

Tình trạng du canh, du cư, di dân tự do vẫn còn diễn biến phức tạp; điện, đường, trường, trạm, dịch vụ ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng vẫn còn khó khăn; chất lượng, hiệu quả về giáo dục đào tạo còn thấp; công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn; bản sắc văn hóa  tốt đẹp của một số dân tộc đang dần bị mai một; một số tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan có xu hướng phát triển; các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng đồng bào để kích động, phá hoại gây mất ổn định chính trị, nhất là trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm...

(Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn)