Sau thời gian trầm lắng do ảnh hưởng dịch Covid-19, hiện, hoạt động giao thương tại một số cửa khẩu ở đây đã sôi động trở lại với nhiều loại hàng hóa lưu thông hai chiều.
Một số tỉnh xác định xây dựng khu vực biên giới thành một cực phát triển năng động của địa phương. Thực tế cho thấy, để phát huy lợi thế, cần chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng thương mại biên giới; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông các khu vực cửa khẩu theo hướng hiện đại và sớm hình thành các khu chức năng trong khu kinh tế cửa khẩu...
Cửa ngõ giao thương
Hơn 6 giờ sáng một ngày cuối tháng 3, tại Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, từng đoàn xe tải nối đuôi đậu thành hàng dài chờ làm thủ tục thông quan. Tốp xe này xong, tốp xe khác thế chỗ trong trật tự; đến hơn 10 giờ, lượng xe chở hàng hóa xuất, nhập khẩu giảm dần.
Chị Nguyễn Phúc Diễm, chuyên cung ứng đồ điện gia dụng, cho hay: “Bạn hàng nước bạn tiêu thụ mạnh các mặt hàng điện gia dụng, đồ nội thất... nên vài ngày tôi lại đưa hàng qua bên đó. Khi tiêu thụ hết, bạn hàng gọi điện thoại báo đặt tiếp số lượng, chủng loại”.
Một số chủ vựa rau quả ở Tịnh Biên cho biết, bình quân mỗi ngày đưa qua nước bạn hàng trăm tấn rau, củ, quả; số lượng lớn thì vận chuyển bằng xe tải, còn mua bán nhỏ thì thương lái dùng xe gắn máy để chở hàng. Anh Chau Sóc, người Campuchia thường sang Việt Nam mua bán, cho biết, khi mua, anh thường đặt hàng hơn 400kg rau, củ, quả các loại rồi dùng xe gắn máy đưa về bỏ mối cho các chợ, người quen đã đặt trước…
Theo ông Lâm Tấn Lập, Chi cục phó Hải quan Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là dây cáp điện, bột mì, cá hộp, gạo, mì ăn liền, dầu ăn, rau củ quả, đồ điện, đồ nội thất… Phía bạn xuất qua các mặt hàng trái cây, thóc, máy gặt đập liên hợp… “Nhờ chính sách ưu đãi nên những năm gần đây, hoạt động thương mại biên giới giữa Việt Nam và Campuchia luôn sôi động, hàng hóa phong phú với nhiều chủng loại, nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân hai bên biên giới”, ông Lâm Tấn Lập cho biết thêm.
Dù trong buổi sáng cuối tuần, nhưng hoạt động xuất, nhập khẩu tại Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang) lại khá trầm lắng. Anh Hoàng Quốc Cao, lái xe tải chở 1.700 thùng mì ăn liền chuẩn bị thông quan cho biết, cả tuần người chủ ở thành phố Hà Tiên mới thuê chở một chuyến hàng. Còn anh Nguyễn Văn Quang, chủ một doanh nghiệp ở thành phố Hà Tiên, cho biết: “Việc tiêu thụ các mặt hàng thủy sản của các tỉnh giáp biên giới bên nước bạn ít, nhu cầu không cao nên tôi dừng xuất khẩu khoảng 3 tháng qua”.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Tùng, Đồn trưởng Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, hoạt động xuất, nhập khẩu tại đây khá yên ắng, không như nhiều cửa khẩu quốc tế khác trên cả nước. Mỗi ngày ở đây chỉ có khoảng 10 lượt xe tải chở tầm 100-200 tấn hàng hóa xuất khẩu qua nước bạn Campuchia.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy sản đông lạnh, mì ăn liền, một số nhu yếu phẩm, hàng gia dụng. Lượng hàng hóa phía nước bạn xuất khẩu sang nước ta qua Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên không đáng kể.
Tỉnh Long An xác định Khu kinh tế Cửa khẩu Bình Hiệp ở thị xã Kiến Tường là khu trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, động lực phát triển của tiểu vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh. Đây cũng là đầu mối giao thương kết nối với các tiểu vùng sông Mê Công của Campuchia, với Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Để khai thác tiềm năng kinh tế biên mậu, Long An đã quy hoạch Khu kinh tế Cửa khẩu Bình Hiệp rộng hơn 168ha. Giai đoạn I đã hoàn thành và đưa vào hoạt động trạm kiểm soát liên hợp, bãi xe, đường giao thông kết nối bến thủy nội địa…
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa chính ngạch qua địa bàn tỉnh An Giang năm 2022 đạt hơn 1,016 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021. Còn số liệu từ Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang cho thấy, năm 2022, có hơn 190 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu qua biên giới với kim ngạch xuất khẩu 111,28 triệu USD, tăng 48% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu 67,6 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ; xuất khẩu tiểu ngạch đạt 32,179 tỷ đồng, chưa phát sinh nhập khẩu.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, hợp tác kinh tế biên mậu đã góp phần củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị, truyền thống và hợp tác toàn diện hai bên, thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, củng cố an ninh quốc phòng tại khu vực biên giới…
Động lực phát triển kinh tế-xã hội
Thực tế cũng cho thấy, kinh tế biên mậu tại một số địa phương Tây Nam Bộ phát triển chậm, hạ tầng kinh tế-xã hội chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, cự ly di chuyển hàng hóa xa trung tâm, thị trường. Dù đã được đầu tư khá bài bản, nhưng hiện nay, mỗi ngày, Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (Long An) chỉ có hơn 60 xe container hàng hóa và hơn trăm người qua lại.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Kiến Tường (Long An) Nguyễn Văn Vũ cho biết, “nút thắt” là do quốc lộ 62 nối quốc lộ 1A đi đến Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp dài khoảng 66km nhỏ, hẹp, mặt đường xuống cấp ảnh hưởng lớn đến việc thu hút doanh nghiệp về đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu và các khu đô thị trung tâm thị xã Kiến Tường nói riêng, các huyện khu vực biên giới của Long An nói chung.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tịnh Biên (An Giang) Phạm Thành Nhơn cho biết, huyện đang kiến nghị hình thành nơi mua bán hàng hóa miễn thuế tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên để phục vụ nhu cầu của những người xuất, nhập cảnh. Cùng với đó, đầu tư xây dựng phân khu chức năng có cầu cảng sông, có cụm kho để nhận diện hàng hóa qua lại, cần có kho bãi và hạ tầng thích ứng để không gây ô nhiễm môi trường.
Điểm chung của khu vực biên giới ở Tây Nam Bộ là cách xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, kết cấu hạ tầng giao thông thủy, bộ còn nhiều khó khăn. Cùng với đó, hạ tầng kỹ thuật khu vực cửa khẩu, hạ tầng thương mại biên giới còn hạn chế. Hạ tầng phục vụ kinh tế biên mậu chưa đồng bộ, việc thu hút đầu tư hạ tầng khu kinh tế gặp nhiều khó khăn...
Theo đề án “Phát triển thương mại biên giới đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, tỉnh này phấn đấu đạt kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đạt 9 tỷ USD vào năm 2025; trong đó, kim ngạch xuất khẩu qua biên giới tăng trưởng bình quân 10%/năm, đạt khoảng 636,7 triệu USD vào năm 2025, chiếm 42-45% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu toàn tỉnh. Đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, thương mại biên giới trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, đưa An Giang trở thành điểm trung chuyển hàng hóa trọng yếu của vùng và cả nước, tiến tới thị trường ASEAN.
Để đạt mục tiêu trên, An Giang đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù huy động nguồn lực xã hội và bố trí nguồn lực đầu tư thích đáng từ nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 cho kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu. Cùng với đó, đẩy mạnh mời gọi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, từng bước bảo đảm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế biên giới.
Thời gian tới, tỉnh Kiên Giang tiếp tục tập trung phát triển hoạt động thương mại khu vực biên giới tại Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, Cửa khẩu quốc gia Giang Thành, gắn kết với Phú Quốc, các trung tâm đô thị Kiên Lương và Rạch Giá để hình thành các cực tăng trưởng năng động của tỉnh, làm hạt nhân lan tỏa sang các vùng phụ cận khác để tạo thành một khu vực phát triển kinh tế năng động ở phía cực nam của Tổ quốc.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho biết thêm, tỉnh sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực phát huy tối đa lợi thế của các cửa khẩu và lối mở hiện có nhằm nâng cao năng lực trao đổi, thông thương hàng hóa tạo giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu, tạo việc làm cho người lao động, ổn định đời sống người dân khu vực cửa khẩu và địa phương vùng biên giới.
Các địa phương cũng kiến nghị Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ sớm đầu tư các tuyến đường trọng điểm kết hợp phát triển kinh tế-xã hội gắn với quốc phòng-an ninh ở khu vực biên giới...