Thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu bền vững mặt hàng gỗ dán

NDO -

Chiều 6-7, tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) đã phối hợp Cơ quan Phát triển quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) và Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) tổ chức hội thảo với chủ đề “Thúc đẩy giao thương gỗ dán và MDF Việt Nam – Cơ hội và thách thức trong bối cảnh đại dịch Covid-19”.

Chủ tịch Vifores Đỗ Xuân Lập trình bày ý kiến tại hội thảo.
Chủ tịch Vifores Đỗ Xuân Lập trình bày ý kiến tại hội thảo.

Hội thảo cập nhật các biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng gỗ dán và kết nối doanh nghiệp (DN) sản xuất và thương mại gỗ dán với các DN sản xuất đồ nội thất từ các loại ván nhân tạo trong bối cảnh Hàn Quốc quyết định áp thuế chống bán phá giá gỗ dán Việt Nam và Hoa Kỳ khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và trợ cấp sản xuất đối với gỗ dán Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ từ Việt Nam.

Theo Vifores, gỗ dán là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của công nghiệp gỗ Việt Nam. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gỗ dán đạt 800 triệu USD, chiếm 7% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của nước ta. Hai thị trường quan trọng nhập khẩu mặt hàng này là Hoa Kỳ (309 triệu USD) và Hàn Quốc (226 triệu USD).

Tuy nhiên, trong quý I-2020, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này giảm 13,6 % so cùng kỳ năm 2019 do tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại của Hàn Quốc và Hoa Kỳ; còn trong 5 tháng đầu năm nay kim ngạch nhập khẩu gỗ dán đạt hơn 64,687 triệu USD, giảm 17% và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này và gỗ ghép đạt gần 302 triệu USD, tăng 11% so cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, trong những tháng đầu năm nay, nước ta có hơn 30 dự án đầu tư mới trong ngành gỗ với tổng vốn đăng ký hơn 173 triệu USD, trong đó gỗ dán có hai dự án với số vốn khoảng 14 triệu USD. Tính từ năm 2015 đến nay, Trung Quốc chiếm phần lớn các dự án đầu tư mới vào mặt hàng gỗ dán ở nước ta. Hơn nữa, Trung Quốc còn là thị trường cung cấp gỗ dán chính cho Việt Nam, chiếm gần 90% về lượng và giá trị nhập trong vài năm gần đây. Theo các chuyên gia, thực trạng này khiến cho mặt hàng gỗ dán đã và đang đứng trước các vụ kiện chống bán phá giá và chống lẩn tránh thuế từ nhiều nước, nhất là Hoa Kỳ và Hàn Quốc, cả mặt hàng gỗ dán xuất khẩu lẫn gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc để làm nguyên liệu sản xuất thành phẩm khác.

Trước tình trạng trên, Vifores khuyến cáo các DN cần đánh giá chi tiết thực trạng của việc nhập khẩu và sản xuất gỗ dán trong nước, góp phần cung cấp thông tin đầy đủ cho chuỗi cung ứng nội địa. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị nhập khẩu và các đơn vị sản xuất nội địa, sự chuyển dịch đầu tư… để DN Việt Nam có thể tránh được các rủi ro trong thời gian tới.

Tại hội thảo, các chuyên gia và DN đã chia sẻ, thảo luận nhiều giải pháp nhằm giúp DN ngành gỗ nói chung và gỗ dán nói riêng của Việt Nam có thể phát triển bền vững trong tương lai.

Theo Chủ tịch Vifores Đỗ Xuân Lập, các DN ngành ván và đồ gỗ cần tái cấu trúc lại sản xuất, kinh doanh, áp dụng những giải pháp mới về công nghệ và quản trị để gia tăng được sản lượng lẫn chất lượng sản phẩm nhưng giảm được giá thành; liên kết và đoàn kết chặt chẽ hơn nữa; DN cần có tầm nhìn rộng và xa hơn…

Thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu bền vững mặt hàng gỗ dán -0
 Bà Dương Thị Kim Liên, Phó Giám đốc Dự án “Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa” (do USAID tài trợ) phát biểu tại hội thảo.