Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Tống Xuân Chinh cho biết, đàn bò sữa của nước ta hiện tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ. Một số địa phương có số lượng bò sữa cao là: TP Hồ Chí Minh (87.420 con), Nghệ An (69.062 con), Sơn La (26.156 con), Lâm Đồng (24.410 con), Hà Nội (15.443 con), Tây Ninh (13.591 con), Thanh Hóa (11.765 con)... Các cơ sở chăn nuôi nhiều bò sữa gồm: TH True Milk: 63 nghìn con, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk): 60 nghìn con, Nutifood: 7.000 con, Cô gái Hà Lan: 5.000 con. Quy mô chăn nuôi bò sữa nông hộ dao động từ bảy đến 10 con/hộ, xu hướng chăn nuôi bò sữa với quy mô từ 15 đến 20 con/hộ đang tăng dần. Mục tiêu đến năm 2025, tổng đàn bò sữa nước ta sẽ đạt từ 650 nghìn đến 700 nghìn con, trong đó khoảng 60% số bò sữa được nuôi tại các trang trại. Sản lượng sữa đạt từ 1,7 đến 1,8 triệu tấn, đến năm 2030 đạt 2,6 triệu tấn. Liên kết sản xuất giữa người chăn nuôi bò với các doanh nghiệp (DN) chế biến ngày càng gắn kết, một số tỉnh, thành phố đã tổ chức sản xuất sữa theo chuỗi liên kết khá hiệu quả. Một số DN của Việt Nam đã được cấp mã số xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm sữa sang Trung Quốc, mở ra cơ hội thúc đẩy ngành chăn nuôi bò sữa trong thời gian tới khi tiếp cận được thị trường sữa lớn thứ hai thế giới với 1,4 tỷ dân.
Đơn cử như Vinamilk, đại diện duy nhất của Đông - Nam Á nằm trong Tốp 50 công ty sữa hàng đầu thế giới. Thời gian qua, Vinamilk liên tục giới thiệu các sản phẩm mới đến người tiêu dùng, gồm nhiều mặt hàng có tính đột phá như: sữa tươi 100% Vinamilk Green Farm, sữa tươi có chứa tổ yến, sữa trái cây Hero... Đầu năm 2021, Vinamilk lần đầu giới thiệu về những “Trang trại sinh thái Vinamilk Green Farm” đặt ở các tỉnh Quảng Ngãi, Thanh Hóa và Tây Ninh. Đây được coi là bước tiến đáng kể của công ty trong hành trình phát triển chăn nuôi bò sữa theo hướng bền vững và mở rộng trong tương lai. Hiện nay, Vinamilk đã xuất khẩu các sản phẩm đến 56 quốc gia và vùng lãnh thổ. Không chỉ có Vinamilk, TH True Milk cũng đạt nhiều thành công trong thời gian qua. Tập đoàn đã khởi công Dự án Chăn nuôi bò sữa tập trung, quy mô công nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Kon Tum, với tổng vốn đầu tư là 2.544 tỷ đồng, tổng diện tích 441 ha, quy mô đàn bò nuôi tập trung là 10 nghìn con; xây dựng nhà máy chế biến sữa công suất 150 tấn/ngày. Tiếp đó, tháng 2-2021, Tập đoàn tiếp tục khởi công Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao, quy trình khép kín tại xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn (An Giang), mức vốn đầu tư là 2.655 tỷ đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam vẫn còn một số bất cập cần khắc phục. Đó là, quy hoạch phát triển chăn nuôi bò sữa thực hiện còn chậm, diện tích đất canh tác để trồng cỏ cho bò chưa nhiều. Việc chế biến thức ăn thô, xanh và phụ phẩm nông nghiệp cho bò sữa còn khó khăn. Sản lượng sữa tươi nguyên liệu chưa đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước (hiện chỉ cung ứng được khoảng từ 40 đến 50%). Mặt khác, việc triển khai kế hoạch sản xuất trong điều kiện phải đối mặt với thách thức: Đại dịch Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam diễn biến phức tạp, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất khẩu, nhất là chăn nuôi do hạn chế đi lại, giao thương, buôn bán. Nhiều nước đưa ra chính sách đóng cửa đã ảnh hưởng đến vận chuyển hàng hóa và hoạt động cảng biển...
Để tháo gỡ những “nút thắt” nêu trên, theo các chuyên gia, cần có chính sách dành quỹ đất để phát triển chăn nuôi bò sữa theo các quy định của Luật Chăn nuôi, bảo đảm yêu cầu giảm ô nhiễm môi trường, an toàn dịch bệnh. Ưu tiên giao đất, thuê đất với chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai cho các cơ sở chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Về giống, tiếp tục lai tạo với tinh bò sữa cao sản để tạo đàn bò sữa trong nước kết hợp với nhân thuần giống bò sữa HF. Xây dựng bộ tiêu chí chất lượng nhập giống dựa trên các chỉ số tính trạng tổng hợp có áp dụng công nghệ 4.0 như TPI, EBV... để đưa nhanh các tiến bộ công nghệ về giống vào nước ta. Quản lý được hệ thống giống của bò, định dạng cá thể bằng gắn số tai, gắn chíp điện tử, vào sổ giống. Thống nhất hệ thống quản lý giống bò sữa ở các cơ sở nhân giống trên phạm vi cả nước gắn liền với hệ thống thụ tinh nhân tạo, cấy truyền phôi. Áp dụng công nghệ chế biến thức ăn theo khẩu phần thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh trong chăn nuôi bò sữa. Kết hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người chăn nuôi triển khai xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường nhất là ở các vùng chăn nuôi bò sữa trọng điểm.