Thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập

Xây dựng xã hội học tập (XHHT) nhằm đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời (HTSĐ) của mỗi người. Những năm qua, hoạt động xây dựng XHHT được triển khai ở nhiều đơn vị, nhất là các đơn vị trong ngành giáo dục mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân có thể học tập bằng nhiều phương pháp, ở nhiều lứa tuổi một cách thuận lợi.

Trường đại học Mở Hà Nội trao bằng tốt nghiệp cho học viên Kon Tum.
Trường đại học Mở Hà Nội trao bằng tốt nghiệp cho học viên Kon Tum.

Có mặt tại lễ trao bằng tốt nghiệp lớp Luật Kinh tế, chương trình đào tạo từ xa của Trường đại học Mở Hà Nội, tổ chức tại huyện Đác Hà (Kon Tum), chúng tôi gặp khá nhiều học viên lớn tuổi đến nhận bằng tốt nghiệp. Học viên Lưu Tiến Mạnh, cho biết, năm nay đã 51 tuổi, có một cháu ngoại cho nên đi học đại học gặp khá nhiều khó khăn và vất vả, nhưng suốt hành trình hơn bốn năm học đều nỗ lực sắp xếp công việc, vượt qua chuyện tuổi tác để hoàn thành khóa học. Quê ở tỉnh Thanh Hóa, sau khi học tập tại cơ sở đào tạo và làm việc trong đơn vị quân đội trên địa bàn Tây Nguyên, anh Mạnh chuyển công tác làm việc tại Công ty TNHH một thành viên cà-phê 704. Cách đây hơn bốn năm, khi có lớp đào tạo đại học từ xa của Trường đại học Mở Hà Nội, mặc dù công việc khá bận rộn lại đã lớn tuổi, nhưng anh vẫn đăng ký theo học nâng cao trình độ. Vậy là, suốt mấy năm, nhiều đợt học tập trung, học viên Lưu Tiến Mạnh phải đi lại mấy chục cây số từ huyện Sa Thầy về Đác Hà học tập nghiêm túc, bảo đảm hoàn thành chương trình học, được nhận bằng.

Không chỉ mình học viên Lưu Tiến Mạnh, theo học chương trình này có nhiều học viên đã lớn tuổi, nhưng vẫn tích cực tham gia học tập, nâng cao trình độ. Học viên Lê Viết Sơn là người lớn tuổi nhất của lớp học tại Đác Hà đi nhận bằng tốt nghiệp ở tuổi 52, khi đã có hai cháu ngoại. Trong khi đó, anh Đặng Ánh Vân, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự xã Đắc Mar (Đác Hà), năm nay 45 tuổi, không giấu nổi niềm vui khi lên nhận bằng tốt nghiệp đại học. Chia sẻ với chúng tôi, anh Vân cho biết, ngoài công tác tại xã, gia đình anh còn canh tác 2 ha cà-phê. Vì vậy, công việc khá bận rộn, cho nên mỗi khi có đợt học tập trung, anh đều phải đăng ký trực quân sự vào các buổi tối. Sau hơn bốn năm nỗ lực, anh Vân đã hoàn thành chương trình học, được nhận bằng tốt nghiệp. “Đầu tháng tư tới mình sẽ đi TP Hồ Chí Minh để dự lễ trao bằng tốt nghiệp đại học của con đầu tại Trường đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh. Vậy là hai bố con cùng tốt nghiệp đại học, niềm vui nhân đôi”, anh Vân chia sẻ.

Theo TS Dương Thăng Long, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Mở Hà Nội: Với mục tiêu, sứ mệnh mở cơ hội học tập, bảo đảm chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều lứa tuổi khác nhau, những năm qua, trường đã triển khai nhiều loại hình đào tạo chính quy, từ xa, đào tạo trực tuyến đa ngành, đa trình độ nhằm phục vụ nhu cầu HTSĐ của mọi người. Nhiều khóa đào tạo có những học viên đã là ông bà, là cán bộ, công chức hoặc công tác ở doanh nghiệp, kinh doanh tự do… nhưng vẫn đăng ký, sắp xếp công việc, học tập nghiêm túc. Các khóa đào tạo, nhất là đào tạo từ xa, trình độ, độ tuổi trong lớp học khác nhau, nhưng các học viên đã bổ trợ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn cho nhau, tạo nên sự hăng say học tập. Việc triển khai đào tạo dù theo hình thức từ xa, trực tuyến trên cơ sở người học thật sự có nhu cầu về kiến thức, kỹ năng và tự nghiên cứu là chính, nhưng được thực hiện nghiêm túc, học viên phải tích cực học tập hoàn thành các môn học bảo đảm chất lượng mới được cấp bằng tốt nghiệp.

Trong những năm qua, không chỉ Trường đại học Mở Hà Nội mà nhiều cơ quan, đơn vị, trường học cũng tích cực triển khai đa dạng các hoạt động đào tạo, tạo cơ hội HTSĐ cho mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ, góp phần xây dựng XHHT. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong xây dựng XHHT, đến hết năm 2018, cả nước có 100% số đơn vị cấp tỉnh, huyện và 99,9% số đơn vị cấp xã trên cả nước duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ; 63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Mỗi năm, có hàng trăm nghìn cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước được tham gia học tập nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ. Giai đoạn 2012-2017, tổng số lượt cán bộ, công chức được đào tạo, bồi dưỡng của cả nước đạt khoảng 4,7 triệu lượt người. Trong đó, các bộ, ngành là hơn một triệu lượt người; các tỉnh, thành phố là 3,7 triệu lượt người. Ngoài ra, trong những năm 2014 - 2018, cả nước có khoảng gần năm triệu lao động nông thôn được học nghề. Ngoài ra, đối với công nhân lao động, trên cả nước đã tổ chức các lớp bổ túc văn hóa, bồi dưỡng nhận thức về chính trị, kiến thức pháp luật, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống cho hơn 1,2 triệu lượt người; các lớp luyện tay nghề, đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho 1,1 triệu lượt người. Từ năm 2013 đến nay, toàn quốc đã có hơn 100 triệu lượt người tham gia học tập tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng với nhiều nội dung phong phú, đa dạng trên tất cả các mặt của đời sống xã hội như: giáo dục pháp luật, giáo dục sức khỏe, môi trường, các chuyên đề về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình...

Đáng chú ý, trong xây dựng XHHT, tạo cơ hội HTSĐ, nhận thức của cán bộ và người dân về lợi ích của học tập đã chuyển biến tích cực. Việc phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức trong quá trình xây dựng XHHT được tăng cường. Hằng năm, ban chỉ đạo xây dựng XHHT các tỉnh, thành phố đều tổ chức tuần lễ hưởng ứng HTSĐ với những nội dung, hoạt động cụ thể, thiết thực, hiệu quả, huy động được sự tham gia phối hợp thực hiện của các sở, ngành, địa phương, để qua đó tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, xã hội và cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của việc HTSĐ và xây dựng XHHT. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã ban hành các văn bản để chỉ đạo thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng XHHT. Mạng lưới cơ sở giáo dục nói chung và cơ sở giáo dục thường xuyên nói riêng được củng cố và phát triển, đặc biệt là mạng lưới các trung tâm học tập cộng đồng phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu học tập của mọi lứa tuổi, góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.