Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để kéo tăng trưởng

Ðẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp trọng tâm của Chính phủ để bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà thầu Lizen triển khai thi công đường cao tốc bắc-nam đoạn quốc lộ 45-Nghi Sơn.
Nhà thầu Lizen triển khai thi công đường cao tốc bắc-nam đoạn quốc lộ 45-Nghi Sơn.

Mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 được đánh giá là đầy thách thức vì các động lực quan trọng của nền kinh tế như xuất khẩu, cầu trong nước, quy mô sản xuất,... đều có xu hướng giảm. Dư địa hỗ trợ tăng trưởng cũng sẽ hạn hẹp hơn vì chính sách tiền tệ và tài khóa vẫn phải "để mắt" tới lạm phát. Trong bối cảnh đó, đầu tư công nổi lên như một động lực để tạo ra tăng trưởng.

Rốt ráo giải ngân ngay từ đầu năm

Theo số liệu của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công tính đến ngày 31/12/2022 đạt 75,11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (đạt 77,3%). Ước giải ngân tính đến ngày 31/1/2023 đạt 92,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân 95,11% cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, số tuyệt đối giải ngân của năm 2022 tính đến thời điểm này cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 100 nghìn tỷ đồng, tăng 23% do tổng vốn đầu tư kế hoạch giao tăng mạnh so với những năm trước.

Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt nhưng có 36/51 bộ, cơ quan trung ương và 21/63 địa phương tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước. Ðáng lưu ý, có 17 bộ, ngành và bảy địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch. Là một trong số những địa phương không đạt chỉ tiêu giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu toàn bộ hệ thống phải siết kỷ luật, kỷ cương đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công để tình hình có biến chuyển hơn trong thời gian tới. Ðích thân Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã tự nhận giảm một bậc thi đua và yêu cầu tiếp tục tăng cường nội dung thi đua này trong năm 2023, thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công.

Về tình hình phân bổ vốn đầu tư công năm 2023, Bộ Tài chính cho biết: Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 được Quốc hội quyết nghị hơn 711 nghìn tỷ đồng. Căn cứ số vốn đã được Quốc hội phân bổ chi tiết cho từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn bằng 100% số vốn Quốc hội quyết nghị. Ðến hết ngày 31/1/2023, các bộ, ngành, địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án hơn 516 nghìn tỷ đồng, đạt 73,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Về giải ngân vốn đầu tư, ước thanh toán đến ngày 31/1/2023 đạt hơn 12,8 nghìn tỷ đồng, bằng 1,81% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2022 đạt 2,5%), toàn bộ là vốn trong nước.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Trần Quốc Phương, hoạt động đầu tư công năm 2023 phải đối mặt với nhiều thách thức. Ðó là nhiệm vụ phải giải ngân rất lớn vì tổng vốn đầu tư kế hoạch tăng mạnh, lại đặt trong bối cảnh độ trễ của lạm phát thế giới sẽ phản ánh vào tình hình kinh tế trong nước với những biến động khó lường về giá cả năng lượng, nguyên, vật liệu thiết yếu của ngành xây dựng.

Do đó, để đạt mục tiêu thúc đẩy giải ngân cần có giải pháp tổng thể. Trước hết, phải xác định đầu tư công là ưu tiên hàng đầu để nhất quán trong công tác điều hành. Kinh nghiệm cho thấy, cùng một hệ thống thể chế, chính sách pháp luật, ở đâu có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của người đứng đầu và sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành liên quan, thì ở đó tiến độ giải ngân sẽ đạt cao. Yếu tố quan trọng khác là giữ bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng để đẩy mạnh các hoạt động của nền kinh tế, trong đó có đầu tư công. Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, giải pháp mang tính chất căn cơ cần thực hiện là rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công. Trước hết, cần sửa ngay các bất cập đã phát hiện trong năm 2022, được Bộ Kế hoạch và Ðầu tư tổng hợp thành ba nhóm chủ yếu liên quan đến thể chế, chính sách pháp luật; công tác tổ chức, triển khai thực hiện và nhóm khó khăn liên quan đến những đặc thù của năm 2022 kéo dài đến nay. "Về phía các bộ, ngành, địa phương, cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án bố trí kế hoạch vốn năm 2023, đặc biệt là các dự án khởi công mới, lựa chọn dự án đủ thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án,... Ðây là khối lượng công việc rất lớn, cần có sự quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Ðình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương nhận định, để tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư, cần chấp nhận thực tế giá nguyên liệu đầu vào đã tăng lên hàng chục phần trăm so với thời điểm phê duyệt dự án. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền phải quyết định ngay việc điều chỉnh tổng mức đầu tư cho dự án đã trúng thầu để nhà thầu không bị thua lỗ. Nếu không rốt ráo triển khai, dự án càng kéo dài càng đội vốn lớn, gây lãng phí nguồn lực. Kinh phí thực hiện nhiệm vụ này có thể lấy ngân sách từ nguồn chưa chi tiêu. Vấn đề rất quan trọng khác là phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kịp thời với khối lượng công việc đã thực hiện, khắc phục ngay tình trạng "đầu năm thong thả, cuối năm vất vả" như thông lệ.