Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hoà, Thủ tướng đã đi thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị ở một số khoa của bệnh viện; tìm hiểu cặn kẽ về điều kiện chữa trị cho bệnh nhân, chất lượng dịch vụ của bệnh viện; hỏi thăm những bệnh nhân đang ngồi chờ ở phòng khám, ngồi chờ nhận thuốc ở quầy thuốc.
Đặc biệt, Thủ tướng tìm hiểu việc đáp ứng các loại thuốc, sinh phẩm của bệnh viện cho bệnh nhân; quan tâm hơn nữa công tác bảo đảm vệ sinh môi trường.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi người dân đến khám bệnh, chờ nhận thuốc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hoà. (Ảnh: THANH GIANG) |
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo bệnh viện cho biết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa được công nhận là bệnh viện đa khoa hạng I, có quy mô 1.250 giường bệnh, công suất giường bệnh đạt 109,7%, số ca phẫu thuật tại bệnh viện tăng nhanh (từ 17,2 nghìn ca năm 2015 lên 22,8 nghìn ca năm 2022).
Trong những năm qua, bệnh viện luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, là điểm sáng trong chương trình chuyển giao kỹ thuật, đào tạo, ngày càng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tiếp cận các phương pháp kỹ thuật mới, hiện đại…;
Bệnh viện thực sự là niềm tin, là chỗ dựa tinh thần, nơi gửi gắm sức khỏe, tính mạng của nhân dân Khánh Hòa và các tỉnh lân cận.
Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 xảy ra và diễn biến phức tạp, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Thầy thuốc như mẹ hiền”, cùng ngành y tế cả nước, đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã tận tâm tận lực, không quản ngại vất vả, gian nan, hiểm nguy, cùng chung tay với các lực lượng khác chiến đấu không mệt mỏi với dịch bệnh, góp phần quan trọng vào thành tựu chống dịch chung của cả nước…
Thăm hỏi, động viên lãnh đạo, cán bộ, y, bác sĩ bệnh viện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chuyến thăm này nhằm tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc của ngành y tế nói chung, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hoà nói riêng trong việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Qua kiểm tra, Thủ tướng đánh giá bệnh viện còn nhiều khó khăn trong khi đây là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh Khánh Hoà và khu vực. Do đó, Thủ tướng đề nghị tỉnh, bệnh viện phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo của các cấp liên quan việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân; chúng ta phải nỗ lực cao nhất với tinh thần “Thầy thuốc như mẹ hiền”, đề cao “sáng y đức, sâu y lý, giỏi y thuật”.
Thủ tướng mong cán bộ, công nhân viên bệnh viện vừa học, vừa làm, nâng cao trình độ chuyên môn; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng thực tiễn để xây dựng lý luận; cố gắng dành thời gian sơ kết những vấn đề nổi lên đối với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhất là tìm ra các quy định trong chính sách về y tế còn vướng mắc…, từ đó nâng cao trình độ chuyên môn, quản lý, vượt qua thách thức.
Thủ tướng nhấn mạnh, vừa qua chúng ta đã nỗ lực tháo gỡ vướng mắc về mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế… Sau hậu quả đại dịch Covid-19, chúng ta mới thấy vấn đề này bộc lộ nhiều bất cập.
Chính phủ, Bộ Y tế, các địa phương đang nỗ lực giải quyết, từng bước cải thiện nhưng rõ ràng vẫn còn vướng mắc.
Thủ tướng đề nghị tỉnh Khánh Hoà cùng bệnh viện nỗ lực giải quyết; các bộ, ngành cũng phải giải quyết ngay, tháo gỡ khó khăn, quyết tâm chấm dứt tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế trong bệnh viện, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân.
Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Y tế rà soát những loại thuốc gì phải gia hạn thì gia hạn ngay, cái gì cần cấp giấy phép mới thì phải cấp ngay. Các cấp, các ngành liên quan việc mua sắm này cũng phải rà soát, làm ngay các việc cần thiết.
Khi chưa có cơ quan giám sát giá bán của nhà thầu, Thủ tướng đề nghị hướng dẫn cách làm thống nhất cho các bệnh viện. Trong quá trình này phải phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, không để tiêu cực, lợi ích nhóm trong việc mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, sinh phẩm.
Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành phải nêu cao tinh thần tất cả vì sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ của nhân dân. Do đó các bộ, ngành cũng phải hướng dẫn để các bệnh viện yên tâm thực hiện đúng quy định, tránh tâm lý sợ sệt, sợ sai, e dè. Chúng ta cũng phải trao đổi kỹ với các nhà thầu cung cấp, nhất là về giá cả.
Đối với vật tư y tế, máy móc chuyên dụng, các bệnh viện phải đấu thầu 1 năm, trong khi hướng dẫn chỉ có 120 ngày, do đó lấy thông tin trên Cổng thông tin Bộ Y tế là chưa đủ. Vì vậy, các bộ, ngành phải hướng dẫn; tăng cường hợp tác công tư trong vấn đề này. Quốc hội đã tháo gỡ về mặt chủ trương, pháp lý.
Thủ tướng cho rằng, đầu tư Nhà nước hiện nay là rất có hạn, do đó chỉ mang tính chất kích hoạt. Việc đấu thầu còn khó khăn, chưa có thẩm định giá, hướng dẫn cụ thể đối với thiết bị y tế, khó khăn xây dựng giá thầu sát thực tế, hợp lý theo đúng quy luật của thị trường.
Về điểm này, Thủ tướng đề nghị phải hướng dẫn, phải để cho bệnh viện có sự sáng tạo, linh hoạt, không nên quá cứng nhắc trong chăm sóc sức khoẻ của nhân dân. Chúng ta phải xây dựng chính sách chung để bệnh viện vận dụng linh hoạt, sáng tạo.
Về thuốc điều trị, qua thăm hỏi bệnh nhân, Thủ tướng vui mừng nhận thấy hầu hết bệnh viện đáp ứng được. Thủ tướng yêu cầu bệnh viện phải nghiên cứu kỹ, đáp ứng cao nhất nhu cầu về thuốc chữa bệnh, hạn chế tối đa việc bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc trong khi điều trị trong bệnh viện. Nhà thuốc của bệnh viện phải đáp ứng cơ bản cho người bệnh đến bệnh viện. Do đó, bệnh viện phải khắc phục công tác đấu thầu thuốc.
Thủ tướng lưu ý bệnh viện quan tâm những gia đình bệnh nhân còn khó khăn; quan tâm việc người nhà bệnh nhân lưu trú trong thời gian chăm sóc bệnh nhân; nỗ lực cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh để người nhà bệnh nhân yên tâm, ít phải đến chăm sóc để giảm quá tải.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương ban hành quy định để tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế trong khám chữa bệnh theo yêu cầu, góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Thủ tướng biểu dương tinh thần nỗ lực của bệnh viện trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, cần phát huy tinh thần y đức để phục vụ tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu cần quy hoạch đầu tư xây dựng bệnh viện mới khang trang, đàng hoàng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân với tinh thần làm phải đặc biệt, hiện đại, đầu tư có thể phân kỳ…
* Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm Làng Trẻ em SOS Nha Trang và các trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà cho các cháu Làng Trẻ em SOS Nha Trang. (Ảnh: THANH GIANG) |
Làng trẻ em SOS Nha Trang được xây dựng ở phía bắc của thành phố. Làng trẻ em SOS Nha Trang được khởi công xây dựng năm 1997 và hoàn thành giữa năm 1999 với 14 nhà gia đình có khả năng nuôi dưỡng thường xuyên 140 cháu.
Ngày 21/7/1998, Ủy ban nhân dân Tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định số 2010/1998/QĐUB thành lập Làng trẻ em SOS Nha Trang. Đầu tháng 9/1999, 48 trẻ đầu tiên đã được tiếp nhận vào Làng nuôi dưỡng. Ngày 28/12/1999, Làng trẻ em SOS Nha Trang chính thức được khánh thành.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hoà cho biết, tỉnh có gần 3.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, những năm qua. Đợt dịch Covid-19 vừa qua, có 7.000 trẻ em phải điều trị, có 24 trẻ em mồ côi cha, mẹ, trong đó có 6 em mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Tỉnh quyết định kéo dài thời gian 1 năm hỗ trợ tiền ăn cho trẻ F0; hỗ trợ cho các trẻ em mồ côi cha, mẹ do Covid-19 với mức tiền 2-3 triệu đồng/em…
Qua 24 năm hoạt động, Làng Trẻ em SOS Nha Trang đã nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo 396 trẻ bị bỏ rơi, bị mồ côi và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khác. Hiện, Làng đang quản lý, nuôi dạy 161 em, trong đó có 110 em đang học văn hoá, 32 em đang học tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, 19 em đang học chương trình bán tự lập….
Phát biểu ý kiến đến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đây là mô hình giáo dục chăm sóc các em mồ côi.
Thủ tướng nêu rõ, mất mát của các cháu mồ côi không gì bù đắp được, nhất là các cháu mất cả cha lẫn mẹ. Do đó, chúng ta phải nỗ lực cao nhất có thể bù đắp sự mất mát của các cháu.
Cán bộ, nhân viên tại đây xác định công việc rất khó khăn, vất vả nhưng cảm thấy hạnh phúc lớn lao, được thực sự như cha mẹ chăm sóc các cháu với lòng yêu thương, tính nhân văn. Điều này sẽ giảm bớt sự sang chấn tinh thần cho các cháu.
Thủ tướng mong các thầy cô, cha mẹ tiếp tục làm tốt nhất có thể bù đắp cho các cháu; mong muốn các cháu tự tin, các thầy cô, cha mẹ làm cho các cháu tự tin, cảm thấy sự tình cảm, ấm cúng, chăm sóc như những đứa con ruột thịt, làm cho các cháu có chỗ dựa vững chắc về tinh thần, không cảm thấy yếu đuối.
Cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt tốt, nhưng chăm lo đời sống tinh thần của các cháu là trọng tâm nhất, để các cháu vững vàng trưởng thành, tự lập được; để các cháu thấy được trách nhiệm của mình lớn hơn.
Thủ tướng rất phấn khởi sau 24 năm, Làng Trẻ em SOS Nha Trang đã tiếp nhận nhiều trẻ mồ côi, nhiều cháu đã trở về gia đình, trưởng thành, vươn lên trong cuộc sống; tiếp tục hoàn thiện thể chế để phát huy tốt mô hình này.
Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành phố có Làng Trẻ em SOS phối hợp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu tìm mô hình mới, phù hợp, bảo đảm chất lượng chăm sóc, giáo dục, đùm bọc được thuận lợi, hiệu quả hơn, các cháu được trưởng thành hơn về thể chất, tinh thần, có ích, có trách nhiệm với gia đình, xã hội và bản thân các cháu.
Thủ tướng đề nghị tỉnh dành nguồn lực nhất định, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, tạo cho các cháu có không gian học tập, rèn luyện thể chất, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, gia đình, bù đắp sự mất mát cho các cháu.
Thủ tướng đề nghị định hướng cho các cháu sống tốt, sống khoẻ, không ỷ lại; thúc đẩy tối đa những mặt tích cực cho các cháu; định hướng nghề nghiệp phù hợp, phát huy tối đa khả năng, năng lực của các cháu sát thực tế.
Thủ tướng nêu rõ, ở đây có nhiều cháu đã trưởng thành, Làng nên mời các cháu về trường nói lại quá trình trưởng thành của mình cho các cháu đang ở đây, để các cháu noi gương phấn đấu, xứng đáng với sự chăm lo của chính quyền, của trường.
Với các cháu có gia đình ở gần, Làng cố gắng tạo cơ hội lo việc đi lại cho các cháu, để các cháu không cảm thấy xa lạ với quê hương, bản quán.
Cả nước hiện nay thống kê có hơn 4.400 em rơi vào hoàn cảnh mồ côi, do đó Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần phân loại, tiếp tục nhân rộng mô hình chăm lo, đưa các cháu mồ côi mà gia đình không có điều kiện, đưa vào những nơi như thế này để chăm sóc. Thủ tướng nhất trí cần hỗ trợ đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin để phục vụ việc học tập các cháu.
Thủ tướng biểu dương Làng Trẻ em SOS Nha Trang; mong cấp ủy, chính quyền địa phương, trường phát huy thành quả đạt được, làm tốt hơn nữa chăm sóc các cháu về cả vật chất và tinh thần để các cháu có điểm tựa lâu dài, để các cháu lớn lên khoẻ mạnh cả thể chất, tinh thần, chăm lo cho chính mình, có ích cho xã hội, đóng góp vào việc phát triển bao trùm, toàn diện.
Thủ tướng yêu cầu cần tăng cường chăm lo cho những người yếu thế như các cháu, góp phần xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
* Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành Nhà hát “Đó” (The Đó Opera) thuộc dự án Vegacity ở khu vực Bãi Tiên, phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang do Tập đoàn KDI Holdings đầu tư.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo cắt băng khánh thành Nhà hát "Đó". |
Phát biểu ý kiến, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta xác định phát triển văn hoá ngang tầm kinh tế, chính trị...; trong quá trình này luôn lấy con người là trung tâm, trong đó có 2 vấn đề là vật chất và tinh thần; đó còn là đạo đức, ứng xử, tình cảm, tình yêu thương đồng bào, quê hương, đất nước; tinh thần được nuôi dưỡng bằng văn hoá.
Văn hoá phải gắn với phát triển du lịch mà chúng ta đã có Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; văn hoá phải thực sự đậm đà bản sắc dân tộc nhưng cũng là nền tảng tinh thần; vừa phát huy tính dân tộc gắn với tính hiện đại, hoà quyện hợp lý nghệ thuật truyền thống dân tộc với nghệ thuật đương đại của thế giới; phát huy sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các cơ quan liên quan rà soát lại các thể chế, cơ chế, chính sách để phát triển văn hoá theo đúng chủ trương của Đảng; tăng cường quản lý nhà nước văn hoá phát triển lành mạnh, gắn văn hoá truyền thống với đương đại; tổ chức các hoạt động văn hoá lành mạnh, trong sáng; phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong nhiệm vụ này.
Tỉnh Khánh Hòa cần vươn lên phát triển thành trung tâm văn hoá, y tế, du lịch của vùng và cả nước.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải huy động các nguồn lực với tinh thần lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội với tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ.
Thủ tướng mong chủ đầu tư Nhà hát nghiên cứu sâu thêm văn hoá của đất nước liên quan ẩm thực, trang phục… để phát huy hết truyền thống văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, kết tinh trong các chương trình nghệ thuật; tiếp tục hoàn chỉnh mô hình hợp tác công tư giữa chính quyền với nhà đầu tư, tạo động lực và cảm hứng để tiếp tục phát triển mô hình này…
Các cơ quan quản lý nhà nước cùng doanh nghiệp phát huy giá trị dân tộc trong lĩnh vực văn hoá, từ đó xây dựng và phát triển thương hiệu Việt Nam trên các lĩnh vực, phát triển văn hoá ngang tầm chính trị, kinh tế, xã hội; biến tiềm năng văn hoá thành nguồn lực phục vụ sự phát triển.
Tiếp đó, Thủ tướng và các đại biểu đã thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc Life Puppets (Rối Mơ) tại Nhà hát “Đó”.