Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Văn Sơn, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Xây dựng; Đào Hồng Lan, quyền Bộ trưởng Y tế; Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đáng trân trọng của Thành phố Hồ Chí Minh trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi thành phố vừa trải qua hơn hai năm bị đại dịch Covid-19 hoành hành, nhất là trong làn sóng dịch lần thứ tư.
Về tinh thần của buổi làm việc, đồng chí Phạm Minh Chính cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều việc phải làm, phải giải quyết nhanh để tạo cơ hội cho thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn nữa nên yêu cầu các bộ, ngành và thành phố cần tập trung thảo luận, đề ra các giải pháp, lộ trình thực hiện và thời gian hoàn thành các đầu việc lớn, quan trọng.
Thường trực Chính phủ đã có kế hoạch làm việc thường xuyên với Thành phố Hồ Chí Minh trong đó, ít nhất mỗi quý/lần để rà soát các công việc cũng như kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp thành phố phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ hơn.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, tại buổi làm việc với Thủ tướng vào tháng 5/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết luận giải quyết 16 nhóm việc, đến nay, thành phố đã cơ bản hoàn thành 13/16 nhóm việc, đang triển khai 3 nhóm việc còn lại.
Nhằm tháo gỡ vướng mắc trong nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước trên địa bàn, hướng tới mục tiêu tạo ra môi trường pháp lý minh bạch, thông thoáng, nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền đô thị, Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Thủ tướng quan tâm, thống nhất về chủ trương để Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành rà soát, nghiên cứu từng nội dung và đề xuất cấp có thẩm quyền cho ý kiến trong thời gian sớm nhất đối với các nội dung vướng mắc về cơ chế chính sách cho thành phố.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Thủ tướng sớm ban hành nghị quyết triển khai thực hiện đường Vành đai 3 và bố trí vốn cho dự án này; chỉ đạo về quy mô đầu tư, hình thức đầu tư và thời gian thực hiện dự án đường Vành đai 4.
Đối với dự án đường Vành đai 4 có 2 dự án thành phần đi qua Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An có mức kinh phí giải phóng mặt bằng hơn 10 nghìn tỷ đồng, thẩm quyền thuộc Quốc hội.
Từ thực tế này, Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng giao cho một trong các địa phương, cơ quan (Bộ Giao thông Vận tải) làm đầu mối chuẩn bị dự án này trình Quốc hội để bảo đảm thời gian thực hiện.
Về công tác quản lý nhà đất, thành phố kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho phép Ủy ban nhân dân thành phố được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công đối với phần diện tích đất công nằm xen cài trong khu đất dự kiến tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất trên khu đất đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và 5 năm thực hiện Nghị quyết 54 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Quá trình xây dựng và thực hiện có nhiều vướng mắc, hạn chế nên kiến nghị Chính phủ cho Thành phố Hồ Chí Minh định hướng nhằm xác định các cơ chế vượt trội để Trung ương xem xét cho phép thành phố chủ động hơn trong các lĩnh vực như đầu tư, ngân sách tài chính, tổ chức bộ máy..
Tại buổi làm việc, đại diện nhiều bộ, ngành cũng có đồng quan điểm chia sẻ về những khó khăn của thành phố, nhất là trong hơn hai năm xảy ra dịch Covid-19 và vui mừng khi kinh tế thành phố tiếp tục lấy lại tốc độ tăng trưởng sau giai đoạn khống chế được dịch bệnh.
Đại diện các bộ, ngành cũng nêu quan điểm ủng hộ và đồng hành cùng thành phố trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong các công tác, dự án đang thực hiện, đang gặp khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện.
Trước khi phát biểu kết luận tại buổi làm việc, nhân Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7, đồng chí Phạm Minh Chính gửi lời tri ân và thăm hỏi ân cần đến các gia đình chính sách, có công với cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh đã hy sinh xương máu, một phần cơ thể để giành độc lập, tự do cho đất nước.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chính phủ, bộ, ngành rất chia sẻ và cảm thông, đồng thời hiểu được những khó khăn vất vả, hy sinh của thành phố trong hơn hai năm chống dịch vừa qua. Đồng thời, ghi nhận đánh giá cao những nỗ lực về tốc độ phục hồi kinh tế-xã hội để cùng cả nước phát triển, tiến về phía trước.
Bên cạnh những kết quả tích cực đó, trong 7 tháng đầu năm 2022, thành phố vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Tốc độ phát triển vẫn còn nhiều dư địa để khai thác, phát triển; công tác quy hoạch cần được cập nhật, đồng bộ hơn nữa; tốc độ tiêm vaccine vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra;…
Đối với các vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 16, 54, thành phố cần phân tích kỹ các nguyên nhân khách quan và chủ quan để có biện pháp tháo gỡ.
Thời gian tới, thành phố cần cân đối, hài hòa việc phát triển văn hóa gắn với du lịch để khai thác tối đa thế mạnh tiềm năng của thành phố phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội.
Đối với các vụ việc, vấn đề lớn đang vướng mắc, thành phố cần sớm xử lý rốt ráo, tìm cơ chế chính sách, cơ chế để gỡ. Thành phố cần tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh bởi các nguy cơ dịch chồng dịch (Covid-19, sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ,...) đang rất hiện hữu. Nếu việc kiểm soát dịch được thực hiện tốt mới tạo đà, cơ sở để thành phố thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Ngoài ra, thành phố cần thực hiện tốt hơn nữa tốc độ chi trả hỗ trợ an sinh xã hội cho công nhân, người nghèo. Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội cần thúc đẩy, hỗ trợ thành phố sớm hoàn thành công tác này.
Chính phủ đã ban hành quy chế làm việc mới, đồng thời sẽ có tổ công tác để làm việc với thành phố để tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc. Có nhiều vấn đề các bộ, ngành cần thực hiện tốt hơn việc cải cách hành chính để hỗ trợ thành phố đẩy nhanh quá trình triển khai, thực hiện nhằm giải quyết nhiều vấn đề đang vướng mắc.
Đồng chí Phạm Minh Chính cơ bản đồng ý với các đề xuất của thành phố; đồng thời, giao các bộ, ngành phối kết hợp với thành phố, các địa phương để thực hiện các vấn đề đặt ra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo các bộ, ngành, thành phố phải quyết liệt, không nói chung chung, cần có lộ trình cụ thể về thời gian để các vấn đề được thực hiện trôi chảy.