Ra đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn Việt Nam tại Sân bay quốc tế Wattay (Thủ đô Viêng Chăn) có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng Lào Alounxai Sounnalath; Thứ trưởng Năng lượng mỏ Xay Nhakhone; Phó Đô trưởng Viêng Chăn Phukhong Bannavong cùng một số quan chức Lào; Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành; cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Lào.
Theo dự kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có cuộc gặp hẹp giữa Thủ tướng các nước thành viên MRC; tham dự Phiên toàn thể của Hội nghị cấp cao; hội kiến với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone…
Đây là sự kiện quy tụ tham dự của các nhà lãnh đạo cấp cao các nước thành viên MRC nhằm thảo luận, xây dựng các chính sách và giải quyết các thách thức mà các quốc gia lưu vực sông Mekong đang đối mặt.
Đây cũng là dịp để những nhà lãnh đạo chính phủ các nước thành viên MRC cùng đánh giá tình hình thực hiện các quyết định đã đưa ra 4 năm trước đó, thống nhất về các chiến lược và định hướng hợp tác cho tương lai.
Ủy hội sông Mekong quốc tế được thành lập theo Hiệp định hợp tác Phát triển bền vững lưu vực sông Mekong được ký ngày 5/4/1995 giữa Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Theo Hiệp định, mục tiêu chính của Ủy hội là thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong sử dụng, phát triển và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan một cách bền vững trên lưu vực sông Mekong.
Tiền thân của Ủy hội là Ủy ban Mekong được thành lập từ năm 1957 (gồm 4 quốc gia ở hạ lưu vực sông Mekong) với sự hỗ trợ của Ủy ban Kinh tế-xã hội của Liên hợp quốc ở châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP) và một số nước khác nhằm thúc đẩy phát triển các nguồn tài nguyên một cách công bằng và hợp lý giữa các quốc gia đồng thời tăng cường bảo vệ môi trường, sinh thái trong lưu vực sông Mekong.
Ủy hội sông Mekong quốc tế đã thống nhất tổ chức Hội nghị Cấp cao 4 năm một lần luân phiên tại các quốc gia thành viên vào ngày 5/4 là ngày ký Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong. Cho đến nay, có 3 kỳ Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế đã được tổ chức.
Trong gần 30 năm qua kể từ khi thành lập, được sự hỗ trợ và đóng góp tài chính tích cực của các quốc gia thành viên, các quốc gia tài trợ và tổ chức quốc tế, Ủy hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần thúc đẩy sự phát triển ở các quốc gia thành viên, tăng cường hợp tác lưu vực trong nhiều lĩnh vực như xây dựng các quy chế sử dụng nước, quản lý môi trường, liên kết giao thông thuỷ, sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản và mở rộng hợp tác với hai nước thượng lưu là Trung Quốc, Myanmar (hiện là Đối tác đối thoại của Ủy hội), các đối tác phát triển/cộng đồng tài trợ và nhiều đối tác quốc tế khác.
Chính vì vậy, hoạt động của Ủy hội không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường của các quốc gia thành viên mà còn trong tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trong lưu vực.
Việt Nam đã xác định mục tiêu hợp tác Mekong, thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong 1995 bao gồm: Bảo đảm sử dụng và quản lý hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước sông Mekong vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam nói riêng và toàn lưu vực sông Mekong nói chung; Hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của các hoạt động phát triển ở thượng nguồn, bao gồm cả các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong về phía hạ du và tới các vùng lãnh thổ của Việt Nam; Đồng thời duy trì ổn định và tăng cường quan hệ hợp tác với các quốc gia trong lưu vực sông Mekong, thúc đẩy hợp tác phát triển trong khu vực.
Với vị thế là quốc gia cuối nguồn và phải chịu các tác động ngày càng nghiêm trọng do các hoạt động phát triển ở thượng nguồn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Việt Nam đã xác định hợp tác trong Ủy hội sông Mekong quốc tế là một cơ chế hợp tác vùng có cơ sở pháp lý chặt chẽ nhất, có cơ cấu thể chế có truyền thống lâu dài và ổn định, và quan trọng hơn cả là cơ chế hợp tác về tài nguyên nước lưu vực sông Mekong đầy đủ duy nhất trong khu vực.
Ủy hội cũng được coi là diễn đàn khu vực quan trọng nhất giúp Việt Nam bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên có liên quan vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và an ninh nguồn nước quốc gia nói chung.
Vì vậy, Việt Nam cũng xác định phải là quốc gia thành viên tích cực nhất, gương mẫu nhất và có tính xây dựng nhất để có thể kêu gọi các quốc gia thành viên khác góp phần thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong 1995 và tuân thủ các quy định của Ủy hội sông Mekong quốc tế, và qua đó kêu gọi sự hỗ trợ và ủng hộ của cộng đồng quốc tế và khu vực.
Cho tới nay, Việt Nam đã thể hiện cam kết chính trị rất cao, thể hiện vai trò của một quốc gia thành viên hết sức tích cực và xây dựng trong tham gia các hoạt động của Ủy hội sông Mekong quốc tế trên tất cả các cấp và diễn đàn, từ cấp cao tới cấp bộ trưởng, Ủy ban Liên hợp, nhóm công tác… trên tất cả các lĩnh vực hợp tác thông qua các sáng kiến, vận động, thúc đẩy và các đóng góp vượt bậc về tài chính, thông tin số liệu, chuyên gia…
Việt Nam cũng là quốc gia thành viên đi đầu trong nỗ lực nâng cao hình ảnh, vị thế và tầm quan trọng của hợp tác trong Ủy hội sông Mekong quốc tế trên các diễn đàn quốc tế và đa phương.
Việt Nam luôn đề cao tinh thần đoàn kết hợp tác giữa các quốc gia sông Mekong, đóng góp vào ổn định và hợp tác khu vực; Quan tâm lợi ích chính đáng của tất cả các quốc gia sông Mekong; Thúc đẩy hợp tác với các quốc gia thượng nguồn là Trung Quốc và Myanma trên cơ sở thận trọng khôn khéo, vận dụng các nguyên tắc hợp tác cơ bản đã được các bên tham gia chấp thuận như đồng thuận nhất trí, tôn trọng chủ quyền quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế….