Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp về đầu tư công trung hạn

NDO -

Chiều 20-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với các bộ, cơ quan, đánh giá kết quả đầu tư công trung hạn (ĐTCTH) giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch ĐTCTH giai đoạn 2021-2026 để chuẩn bị báo cáo các cấp có thẩm quyền về nội dung này. Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ cho rằng trong giai đoạn mới, phải đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội, tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công để đóng vai trò dẫn dắt, huy động đầu tư ngoài nhà nước. Tiếp tục hoàn thiện hơn nữa cơ chế, chính sách đầu tư công, khơi thông các điểm nghẽn về thể chế, đẩy mạnh phân cấp gắn với năng lực, trách nhiệm thực hiện…

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) được xây dựng khoa học, bài bản, rõ ràng, dễ theo dõi. Những kết quả đạt được của đầu tư công trong năm năm qua có được nhờ nỗ lực chung của nhiều cơ quan, của cả nước, trong đó có vai trò của Bộ KH-ĐT. Bộ có rất nhiều đổi mới, cố gắng lớn trong hoàn thiện thể chế, giảm “xin-cho”, giảm tiêu cực. Cùng với các nội dung, quan điểm, định hướng trong báo cáo và các ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở, nhấn mạnh thêm một số nội dung để Bộ KH-ĐT tiếp tục hoàn thiện báo cáo, đồng thời xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để đôn đốc, chỉ đạo công tác này.

Theo đó, tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất, đánh giá cụ thể hơn về những kết quả đạt được so với các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng năm 2016, Nghị quyết của Quốc hội, nhất là việc triển khai các dự án lớn như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam… Báo cáo cần nêu rõ các bộ, cơ quan, địa phương làm tốt, những nơi chưa tích cực, các nguyên nhân gây chậm tiến độ các dự án, các bài học kinh nghiệm cần rút ra.

Thủ tướng yêu cầu, dự kiến kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 phải bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chương trình hành động của Chính phủ. Đẩy mạnh hợp tác công tư để huy động mọi nguồn lực cho phát triển, tập trung cho ba khâu đột phá chiến lược, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, cương quyết xóa bỏ “xin-cho” và chống tiêu cực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc thể chế, cải cách thủ tục hành chính, bổ sung các quy định cần thiết.

Cùng với đó, phải khuyến khích, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung để các bộ, cơ quan, địa phương phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại và cũng không quá thận trọng. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT phối hợp các cơ quan rà soát lại thật kỹ lưỡng, tiếp tục giảm số dự án trong dự kiến kế hoạch đầu tư công giai đoạn tới để tập trung nguồn lực hơn nữa, cương quyết cắt bỏ những dự án chưa cần thiết, không hiệu quả. Đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia có ý nghĩa liên vùng, tác động lan tỏa, tạo ra không gian phát triển mới, đồng thời chú ý các dự án an sinh xã hội, chăm lo cho cuộc sống người dân.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh một số quan điểm trong phát triển hạ tầng giao thông vận tải - vấn đề được nhiều ý kiến đề cập tại cuộc họp và cũng là một “nút thắt” lớn trong phát triển hiện nay. Theo đó, phải đẩy mạnh triển khai các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người dân và chia sẻ rủi ro. Quan điểm dứt khoát là dự án đi qua nơi nào, địa phương nơi đó là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các địa phương phải lo ngân sách, chịu trách nhiệm về khâu giải phóng mặt bằng cho các dự án. Căn cứ vào tình hình cụ thể, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho phần xây lắp tại các dự án. Nguồn vốn nhà nước sẽ đóng vai trò “vốn mồi” đóng vai trò dẫn dắt các nguồn vốn khác. Thực tế cũng cho thấy, trước khi giải phóng mặt bằng, các dự án rất khó thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, nhưng sau khi có mặt bằng sạch, dự án sẽ trở nên hấp dẫn hơn nhiều đối với các nhà đầu tư; lãnh đạo nhiều địa phương khẳng định sẵn sàng thực hiện ngay cách làm này.

Báo cáo của Bộ KH-ĐT cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, triển khai các nghị quyết của Quốc hội, trên cơ sở tổng mức vốn hai triệu tỷ đồng và các nguyên tắc, tiêu chí được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã giao kế hoạch trung hạn cho các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương bằng 90,8% tổng mức vốn được Quốc hội thông qua. Tổng số dự án được giao kế hoạch trung hạn là 11.100 dự án, giảm một nửa so với giai đoạn 2011-2015. Giải ngân bình quân hằng năm đạt khoảng 83,4% kế hoạch giao, năm 2020 đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất, hơn 97,46%.