Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chúng ta vừa kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Sau 99 ngày không có dịch trong cộng đồng, nhưng tháng 7 đã có nhiều ca nhiễm và tử vong. Đặc biệt là Đà Nẵng, Quảng Nam và một số địa phương, nhiều điểm đã thực hiện giãn cách xã hội. Ngay khi dịch xảy ra, Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã có nhiều phiên họp chống dịch, trên tinh thần thần tốc, cương quyết, quyết liệt chống dịch. Dịch lần hai phức tạp, chúng ta phải coi "chống dịch như chống giặc"; mỗi nhà, thôn bản là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh. Chúng ta đã tăng cường lực lượng cho ổ dịch lớn Đà Nẵng, với hàng nghìn cán bộ, y bác sĩ từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vào do một Thứ trưởng Y tế trực tiếp dẫn đầu.
Do làn sóng thứ hai của dịch, Việt Nam đã có chủ trương lớn là không để đứt gãy nền kinh tế. Phiên họp này, chúng ta thảo luận kinh tế trong tháng 7, trong đó đã thực hiện biện pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, lần đầu tiên chúng ta giải ngân số vốn kỷ lục trong tháng 7. Trong chống dịch, các ngành y tế, quân đội, công an đã có các biện pháp mạnh mẽ. Chính phủ đánh giá cao đội ngũ thầy thuốc - các chiến sĩ áo trắng trong phòng, chống dịch. Nhiều địa phương có những phương pháp sáng tạo, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã sẵn sàng có biện pháp chống dịch.
Trên tinh thần thực hiện mục tiêu kép, trong khi thế giới bị suy thoái kinh tế, Thủ tướng nêu rõ, tình hình thế giới diễn biến phức tạp do dịch. Hoa Kỳ, EU, những đối tác chiến lược của Việt Nam đều suy giảm nghiêm trọng. Cùng với đó, cạnh tranh chiến lược giữa các nước diễn ra mạnh mẽ. Các nước đều tung gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, trường học, hỗ trợ thất nghiệp… Do đó, chúng ta cần quan tâm và phân tích.
Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế, định chế tài chính lớn của thế giới đều đánh giá khá lạc quan về Việt Nam. Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, Việt Nam dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 nhưng vẫn chịu đựng tốt, có khả năng tăng trưởng GDP đứng ở mức thứ 5 trên thế giới năm 2020, với mức tăng 2,8%; Tạp chí The Economist (Nhà Kinh tế) đánh giá, Việt Nam là "nơi trú ẩn" ưa thích của nhiều nhà đầu tư thế giới, đang trở thành mắt xích quan trọng của chuỗi cung cứng toàn cầu. Chúng ta rất lo lắng tình hình kinh tế đất nước đang bị ảnh hưởng kinh tế thế giới, nhưng chúng ta có niềm tin bởi cộng đồng quốc tế đều đánh giá và tin tưởng Việt Nam đang nỗ lực khắc phục khó khăn để trụ vững.
Thủ tướng nêu rõ, phiên họp này sẽ thảo luận vấn đề như: kinh tế vĩ mô đang ổn định; nông nghiệp, công nghiệp khởi sắc; thương mại, dịch vụ, nhất là kích cầu tiêu dùng nội địa đang phát triển khá; đầu tư công tiến triển tốt, cần quyết tâm hơn để đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đặt ra. Tháng 7 là tháng đầu tư FDI, đầu tư tư nhân khá tích cực; đã phục hồi mạnh mẽ về số doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới; tiêu dùng nội địa, du lịch tăng khá. Kể cả trước và trong dịch, chúng ta luôn giữ vững ổn định xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; số hộ nghèo giảm mạnh; tình hình an ninh trật tự, quốc phòng an ninh đối ngoại được bảo đảm.
Thủ tướng cũng nêu rõ, chúng ta là quốc gia độc lập, tự cường, không có chuyện bị động, lúng túng, bất ngờ, kể cả trong dịch bệnh; đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận thêm các biện pháp không để các DN đăng ký mới đổ vỡ vì khó khăn do dịch Covid-19, giữ vững các trung tâm sản xuất, kinh doanh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; tiếp tục đưa đồng bào đang bị kẹt ở nước ngoài về nước, những người dân trong nước bị ảnh hưởng bởi dịch, tình trạng lao động mất việc làm.
Thủ tướng yêu cầu trong bối cảnh dịch bệnh quay trở lại không được chủ quan, không để dịch bùng phát ở quy mô lớn. Tinh thần dồn mọi nguồn lực dập dịch ở Đà Nẵng; cố gắng trong thời gian đầu tháng 8 này là thời gian mang tính quyết định dập dịch; mọi cấp, ngành phải thực hiện quyết liệt phòng, chống dịch, đặc biệt là ở những ổ dịch.
Trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 thứ hai lan rộng, lớn hơn trong giai đoạn đầu, Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành có những biện pháp cụ thể, thiết thực, tích cực báo cáo Chính phủ trình Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số những chủ trương mới để có định hướng rõ hơn những tháng còn lại và năm 2021. Trong đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng, đồng thời đề xuất hướng giải quyết; đề nghị các thành viên Chính phủ báo cáo thêm về các vấn đề đặt ra trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại trong bối cảnh dịch Covid-19 để ứng phó kịp thời hơn, trong đó có vấn đề xã hội rất lớn mà dư luận quan tâm là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhiều ý kiến quan tâm tới vấn đề này, do đó Thủ tướng đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo báo cáo thêm Chính phủ về những nguyên nhân, biện pháp để bảo đảm kỳ thi diễn ra tốt đẹp, an toàn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, bảo đảm thanh khoản, nhu cầu ngoại tệ được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Tính đến ngày 28-7, huy động vốn tăng 5,31%, tín dụng toàn hệ thống tăng 3,45% so cuối năm 2019 (cùng kỳ tăng 7,13%). Chi ngân sách nhà nước (NSNN) cơ bản đáp ứng dự toán và các nhiệm vụ đột xuất phát sinh phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Tổng chi cân đối NSNN ước đạt 855,5 nghìn tỷ đồng, bằng 49% dự toán năm, tăng 10,1% so cùng kỳ. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN bảy tháng gần 194,2 nghìn tỷ đồng, bằng 41,26% kế hoạch giao đầu năm (cùng kỳ đạt 32,27%).
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, tháng 7 này, du lịch nội địa, hàng không, kích cầu nội địa có tiến triển tốt. Tuy nhiên, trong tháng 7 có dịch Covid-19 xuất hiện trở lại. Mặc dù vậy, những ngày gần đây, chúng ta đã chỉ đạo phòng, chống dịch bình tĩnh, lạc quan, quyết tâm cao, khoanh vùng, dập dịch với biện pháp mạnh, nhất là tập trung cho Đà Nẵng; đã chỉ đạo trên tinh thần không để đứt gẫy nền kinh tế, giữ cân đối vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển từ nay đến cuối năm, tạo đà phát triển cho năm 2021. Điều này nói lên sự cố gắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, cả hệ thống chính trị thời gian qua. Chúng ta vẫn cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh, thực hiện quyết liệt, có kinh nghiệm trong phòng, chống dịch; chỉ đạo khoanh vùng, dập dịch quyết liệt nhưng không hoảng loạn, hạn chế giãn cách xã hội tràn lan. Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến về việc xử lý nghiêm vi phạm, nhất là vi phạm Luật Biên giới, tình trạng đầu cơ, làm hàng giả, kinh doanh trái phép vật tư y tế.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta thấy ba rủi ro thách thức từ bên ngoài, đó là: dịch Covid-19 diễn biến khó lường; căng thẳng thương mại giữa các cường quốc; địa chính trị phức tạp, thiên tai lũ lụt ảnh hưởng khả năng kinh tế. Trong đó, thách thức lớn là dịch Covid-19 quay trở lại đe dọa phục hồi kinh tế; lạm phát đang giảm dần nhưng còn nhiều thách thức; sản xuất công nghiệp tiếp tục có những khó khăn cần được tháo gỡ, nhất là thiếu nguyên liệu đầu vào và cả đầu ra; chi ngân sách tiếp tục tăng; chính sách tài khóa cần được tháo gỡ, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ; hoạt động DN gặp nhiều trở ngại, khó khăn; gói hỗ trợ của Chính phủ cần phải triển khai nhanh, quyết liệt hơn, trúng và hiệu quả hơn nữa, đi liền với đó là tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thủ tướng nêu rõ, các cấp, các ngành, địa phương cần tập trung phục hồi kinh tế-xã hội; quyết liệt vào cuộc hơn nữa, không bộ, ngành nào được chủ quan, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các địa phương trực tiếp chịu trách nhiệm về phòng, chống dịch bệnh. Kết hợp đồng bộ, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ, kích thích tổng cầu, lưu ý quy mô, phạm vi đủ lớn, phương thức hỗ trợ hiệu quả bảo đảm ngay mục tiêu tăng trưởng. Chúng ta nỗ lực tăng trưởng nền kinh tế dương; giữ ổn định vĩ mô, ổn định lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, củng cố niềm tin, góp phần ổn định xã hội trong lúc dịch bệnh và toàn cầu khó khăn là yêu cầu lớn của Chính phủ trong lúc này. Do đó, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan tài khóa, tiền tệ đều có giải pháp, trình phương án lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục xử lý rốt ráo những vấn đề đặt ra, thực hiện mạnh mẽ và tốt hơn chính sách tiền tệ, nhất là bảo đảm mức tăng tín dụng cần thiết vào những lĩnh vực ưu tiên. NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tiếp tục tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, kiểm soát nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống. Các ngành Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, NHNN, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ liên quan đều phải xây dựng kịch bản điều hành cụ thể quý 3 và năm 2021. Hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, các DN thuộc các thành phần kinh tế, người lao động, người dân còn gặp khó khăn. Các ngành xây dựng phương án huy động nguồn lực; cần có giải pháp mạnh hơn về chính sách tài khóa. Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Tài chính cần nhận thức rõ hơn để có chính sách phù hợp; rút kinh nghiệm từ việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng để đưa tiền hỗ trợ kịp thời, thuận lợi đến đúng đối tượng.
Về đầu tư công, chúng ta đã có chủ trương rõ ràng, nếu giải ngân hết số vốn 630 nghìn tỷ đồng thì góp phần tăng GDP 0,4%, chưa kể tạo tiền đề thúc đẩy đầu tư tư nhân, đầu tư FDI, giải quyết việc làm. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nỗ lực giải ngân 100% vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA với ác giải pháp mạnh mẽ. Chúng ta xử lý nghiêm các tổ chức, cơ quan, cá nhân làm chậm, sai quy định; coi giải ngân là nhiệm vụ trọng tâm, căn cứ đánh giá cán bộ.
Chú trọng thúc đẩy thị trường trong nước và xuất khẩu; có giải pháp thúc đẩy các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) để tăng kim ngạch xuất khẩu, nhất là nông sản, dệt may, da giày. Thủ tướng đề nghị các ngành chức năng như Tài chính, Công thương làm tốt công tác thị trường, xúc tiến thương mại; các ngành chức năng làm tốt hơn nữa kiểm soát giá cả, bảo vệ thị trường trong nước, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Tiếp tục thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Các bộ, ngành, địa phương phải thành lập các tổ công tác đặc biệt do Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND làm tổ trưởng cùng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ giải quyết các vướng mắc, thu hút dòng vốn đầu tư FDI lớn dịch chuyển vào nước ta trên phạm vi toàn cầu. Yêu cầu Bộ Tư pháp, các bộ ngành chủ động rà soát, sửa đổi ngay các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, tạo thuận lợi sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí cho người dân, DN. Các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh trực tiếp chỉ đạo công tác cải cách hành chính, giải quyết ý kiến của người dân, DN. Đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phát triển kinh tế số, Chính phủ điện tử, giao dịch, thanh toán điện tử, vừa tăng năng suất lao động, theo kịp xu thế, qua đó giảm thiểu rủi ro lây lan do dịch bệnh; dịch vụ công trực tuyến phải được đẩy mạnh. Tăng cường cài đặt ứng dụng Bluezone để phòng, chống dịch. Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế phối hợp, hướng dẫn thực hiện vấn đề này; bảo đảm an ninh, trật tự những khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội.
Cho ý kiến về kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thủ tướng nhấn mạnh đây là vấn đề được dư luận xã hội hết sức quan tâm, do đó Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thực hiện đúng Luật Giáo dục. Kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ trưởng GD-ĐT quyết định và giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức tốt. Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về nội dung trên tinh thần bảo đảm an toàn cho giáo viên, thí sinh, người nhà thí sinh; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ GD-ĐT phối hợp chặt chẽ đưa ra thông tin để dư luận xã hội yên tâm; việc tổ chức kỳ thi phải chu đáo, khoa học, không để sơ suất xảy ra. Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, lãnh đạo ngành thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về bảo đảm tăng trưởng quý III.
* Chiều cùng ngày, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ họp báo dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thành hai đợt
Về kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết: Hiện nay, tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp tại các địa phương, đặc biệt là tại Đà Nẵng và Quảng Nam. Hai địa phương này cũng đã có văn bản đề xuất với Chính phủ phương án lùi kỳ thi. Trước tình hình đó, Bộ đã nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ và tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất theo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thành hai hai đợt. Theo đó, có bốn vấn đề:
Thứ nhất, Đà Nẵng và một số huyện, thị xã của tỉnh Quảng Nam đang thực hiện cách ly xã hội sẽ tiến hành lùi thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp. Kỳ thi sẽ tổ chức vào thời điểm thích hợp do địa phương đánh giá và đề xuất khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát.
Thứ hai, các địa phương còn lại sẽ thực hiện thi đúng kế hoạch theo phương án bảo đảm phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thứ ba, trong Thông tư 2832 ngày 30-7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn cách thức tổ chức kỳ thi để phân thí sinh theo từng nhóm đối tượng. Những đối tượng đang là bệnh nhân sẽ được xét đặc cách theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những trường hợp F1, F2 sẽ được tổ chức thi riêng tại một phòng riêng tại điểm thi đó. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, do tổ chức thi thành hai đợt cho nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất phương án như sau: các thí sinh diện F1, F2 trong kỳ thi đầu tiên sẽ được dừng thi và chuyển sang thi vào đợt 2. Như vậy, lúc đó các em đã qua thời điểm bị cách ly. Còn kỳ thi ngày 8 đến 10-8 sẽ không có trường hợp thí sinh nào đang phải cách ly hay điều trị bệnh.
Thứ tư, trong tình hình tổ chức thi hai đợt, với việc xét tuyển đại học thì Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có công văn để các trường đại học tạo điều kiện thuận lợi bằng cách có phương thức tuyển sinh chia tỷ lệ, chỉ tiêu phù hợp cho các em học sinh thi cả hai đợt, bảo đảm quyền lợi cho các em học sinh được công bằng.
Huy động lực lượng tinh nhuệ hỗ trợ Đà Nẵng
Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác với nhiều kinh nghiệm nhất do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm trưởng đoàn, đi kèm là đội điều trị có rất nhiều kinh nghiệm như đội dập dịch tại Hạ Lôi trước kia… Tất cả đội quân kinh nghiệm nhất ở đợt 1 đều được đưa ra đợt này. Ngành y tế đã tiến hành cách ly, tiêu độc khử trùng dập dịch ở ba cụm bệnh viện ở Đà Nẵng và một số điểm ghi nhận ca mắc cộng đồng. Tiến hành phong toả tất cả các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, các địa phương phát hiện trường hợp lây nhiễm; triển khai truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh nghi ngờ, tiến hành cách ly tập trung để lấy mẫu giám sát tình hình sức khoẻ đối với các trường hợp nghi ngờ. Huy động hơn 1.000 người là sinh viên trường y, các trường quân đội để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch ở Đà Nẵng... Hiện nay, tình hình đang ở trong tầm kiểm soát rất tốt.