Thủ tục giải quyết việc dân sự

Thế nào là việc dân sự?

Theo đoạn 2 Điều 311 BLTTDS, Việc dân sự (VDS) là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức không có tranh chấp nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự, hôn nhân gia đình, thương mai, lao động của mình hoặc của cá nhân, cơ quan tổ chức khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.

Từ khái niệm này, có thể thấy VDS có ba đặc điểm cơ bản để phân biệt với vụ án dân sự: Không có nguyên đơn và bị đơn trong VDS mà chỉ có người yêu cầu Tòa án giải quyết; các đương sự trong VDS không tranh chấp nhau về quyền và nghĩa vụ dân sự từ yêu cầu của đương sự, Tòa án sẽ công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý mà từ sự kiện đó làm phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự hoặc từ yêu cầu của đương sự mà Tòa án công nhận quyền và nghĩa vụ dân sự cho họ.

Xuất phát từ đặc điểm này nên thủ tục giải quyết VDS có sự khác biệt so với vụ án dân sự. Trước đây, trong các Pháp lệnh Thủ tục tố tụng, VDS và vụ án dân sự không có sự phân biệt rạch ròi dẫn đến tình trạng giải quyết việc dân sự theo trình tự thủ tục giống hệt vụ án dân sự. Điều này kéo dài thời gian giải quyết, rườm rà, gây tốn kém cho đương sự. Do vậy, BLTTDS đã tách bạch hai khái niệm VDS và vụ án dân sự, đồng thời quy định về trình tự, thủ tục giải quyết riêng.

Thủ tục giải quyết việc dân sự

Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết VDS. Người yêu cầu giải quyết VDS phải có đơn đến Tòa án có thẩm quyền, trong đó phải ghi rõ các nội dung: thời gian viết đơn; Tòa án có thẩm quyền giải quyết đơn; tên, địa chỉ người yêu cầu; những nội dung cụ thể yêu cầu Tòa giải quyết và trình bày lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu; tên địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết đơn yêu cầu (nếu có); các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết...

Sau khi thụ lý, Tòa án phải mở phiên họp công khai để giải quyết VDS. Trong phiên họp giải quyết VDS, luật quy định phải oó sự tham gia của VKSND cùng cấp. Do vậy sau khi có quyết định mở phiên họp, Tòa án phải gửi ngay quyết định và hồ sơ cho VKSND nghiên cứu. Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ VKSND phải nghiên cứu và trả lại hồ sơ để Tòa án tiến hành mở phiên họp.

Trong trường hợp VKSND vắng mặt, phiên họp phải hoãn. Đối với người yêu cầu hoặc đại diện hợp pháp phải tham gia phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa. Người yêu cầu vẳng mặt lần đầu có lý do chính đáng thì Tòa hoãn phiên họp; nếu họ có đơn gửi Tòa án đề nghị giải quyết VDS mà không cần có sự tham gia của họ thì Tòa vẫn tiến hành phiên họp.

Trường hợp người có đơn yêu cầu được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ yêu cầu, Tòa án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết. Đối với những người liên quan (nếu có), Tòa án có thể mời họ tham gia phiên họp. Trong trường hợp cần thiết, Tòa có thể triệu tập người làm chứng, phiên dịch, giám định để tham gia phiên họp.

Mặc dù luật không quy định nhưng theo hướng dẫn của TANDTC, khi giải quyết VDS, có trường hợp thành phần giải quyết có ba Thẩm phán, có trường hợp chỉ cần một Thẩm phán. Đối với VDS, khi giải quyết có ba Thẩm phán, gồm những việc sau: Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án quyết định về dân sự, hôn nhân, gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận các bản án quyết định này khi không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam; Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định kinh doanh, thương mại, lao động của trọng tài nước ngoài; các yêu cầu khác về lao động mà pháp luật có quy định; việc xét kháng cáo, kháng nghị quyết định giải quyết VDS. Đối với loại VDS không thuộc các trường hợp nói trên do một Thẩm phán giải quyết.

Kháng cáo kháng nghị và thủ tục phúc thẩm giải quyết VDS

Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền và nghĩa vụ liên quan đến quyết định giải quyết VDS có quyền kháng cáo; VKSND cùng cấp hoặc cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị quyết định giải quyết VDS để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm. Đối với một số loại VDS khi Tòa ra quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật nay, đương sự, VKSND không được kháng cáo kháng nghị, đó là: yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; yêu cầu công nhận sự thoả thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày Tòa ra quyết định giải quyết VDS, đương sự có quyền kháng cáo; đối với quyết định công nhận (hay không công nhận) và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài thời hạn kháng cáo là 15 ngày. VKSND cùng cấp kháng nghị quyết định giải quyết VDS trong thời hạn 7 ngày, VKSND cấp trên trực tiếp kháng nghị trong thời hạn 15 ngày.

Khi mở phiên họp phúc thẩm, Hội đồng Phúc thẩm không phải triệu tập các đương sự, trừ trường hợp cần thiết. KSV VKSND cùng cấp phải tham gia phiên họp phúc thẩm giải quyết VDS. Khi xem xét quyết định của cấp sơ thẩm, Hội đồng Phúc thẩm có quyền giữ nguyên, sửa hoặc hủy quyết định của cấp sơ thẩm.

Các loại việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

Yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố đó; yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó; yêu cầu tuyên bố một người mất tích, đã chết và hủy bỏ quyết định đó; các yêu cầu khác về dân sự mà pháp luật có quy định.

Yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật; yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; yêu cầu công nhận sự thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn; Yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau ly hôn; yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.

Yêu cầu liên quan đến việc trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết các vụ tranh chấp theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại; yêu cầu khác về kinh doanh thương mại mà pháp luật có quy định.

Yêu cầu công nhận (hoặc không công nhận) và cho thi hành tại Việt Nam bản án quyết định của Toà án nước ngoài, trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động; yêu cầu công nhận (hoặc không công nhận) và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, lao động.

(Trích Điều 26, 28, 30, 32 BLTTDS)