Thu hút đầu tư phát triển các vùng rau an toàn

Để từng bước hình thành xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn phục vụ công nghiệp chế biến, Bắc Giang áp dụng các hình thức tập trung ruộng đất, đa dạng hóa các hình thức liên kết người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã. Bên cạnh đó là xây dựng những chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm nông sản Bắc Giang được giới thiệu ở nhiều hội chợ và có thị trường tiêu thụ rộng khắp.
Sản phẩm nông sản Bắc Giang được giới thiệu ở nhiều hội chợ và có thị trường tiêu thụ rộng khắp.

Khuyến khích đầu tư cho nông nghiệp

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 147-NQ/TU ngày 15/7/2021 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 395/KH-UBND ngày 19/8/2021 của UBND tỉnh Bắc Giang để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao từ tỉnh đến cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhất là các vùng nguyên liệu rau tập trung ứng dụng công nghệ cao.

Theo đó, tỉnh vận động người dân, doanh nghiệp tham gia các chương trình, dự án về phát triển vùng nguyên liệu, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn để từng bước thay đổi nhận thức, hành động, thói quen canh tác theo phương pháp truyền thống của người dân. Đồng thời, sẽ triển khai thực hiện kịp thời các chính sách thuế ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh để tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập cho nông dân, tăng thu cho ngân sách nhà nước, xây dựng nông thôn mới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích, cho biết, tỉnh sẽ tập trung áp dụng quy trình kỹ thuật, công nghệ cao, tiên tiến vào sản xuất đối với một số cây trồng, vật nuôi chính của tỉnh như cây vải, cây cam, cây bưởi, cây lúa, cây rau mầu, hoa, lợn, gà… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Đó là quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất hữu cơ…

Đến thăm Hợp tác xã Rau sạch Yên Dũng, với vùng sản xuất diện tích 30 ha tại cánh đồng của ba thôn: Chùa, Huyện, Đông Thắng, thuộc xã Tiến Dũng (huyện Yên Dũng) chúng tôi nhận thấy, sự đổi mới trong canh tác khi bà con nông dân nơi đây đã quen với việc sản xuất rau an toàn. Hợp tác xã đã huy động 40 hộ dân góp, cho thuê đất sử dụng lâu năm. Đồng thời, các hộ dân này cũng là những thành viên làm việc trực tiếp với mức lương bình quân từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, 20ha trồng rau của Hợp tác xã đang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Lưu Xuân Kiên, Phó Giám đốc Hợp tác xã cho biết: “Đến kỳ thu hoạch rau ở mỗi vụ, Hợp tác xã đều gửi mẫu ra một số viện, để xét nghiệm, công bố thành phần, tỷ lệ thuốc bảo vệ thực vật lưu lại trên sản phẩm, nếu đạt tiêu chuẩn an toàn mới được thu hoạch, tiêu thụ. Sản lượng bình quân khoảng 250 tấn/tháng (trung bình mỗi ngày cung ứng ra thị trường gần 8 tấn), chủ yếu cung cấp cho các siêu thị, chuỗi nhà hàng sạch tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội... Hợp tác xã Rau sạch Yên Dũng hiện là một trong những mô hình tốt trong Chương trình xây dựng nông thôn mới tại Bắc Giang”.

Để thuận lợi cho các doanh nghiệp và nông dân đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức rà soát, điều chỉnh diện tích đất quy hoạch cho phát triển nông nghiệp vào kế hoạch sử dụng đất của từng địa phương.

Tạo nên mạng lưới tiêu thụ rộng khắp

Cũng phải khẳng định, việc tiêu thụ rau an toàn vẫn còn nhiều khó khăn. Trên thị trường vẫn còn không ít rau bán lẻ chưa có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng. Ngay như ở các hợp tác xã sản xuất rau an toàn vẫn phải “chung số phận”, bán cùng với rau trôi nổi. Nhằm giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu, đưa sản phẩm vào các siêu thị, cửa hàng thực phẩm lớn, từ năm 2017 đến nay, Sở Công Thương Bắc Giang hỗ trợ một số đơn vị xây dựng chuỗi liên kết sản xuất. Các đơn vị đăng ký tham gia mô hình được ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng website quảng bá thương hiệu, phát triển thương mại điện tử; hỗ trợ mua thiết bị, máy móc đóng gói, in nhãn mác, bao bì sản phẩm.

Thu hút đầu tư phát triển các vùng rau an toàn ảnh 1

Sản xuất và sơ chế rau tại Hợp tác xã Rau sạch Yên Dũng.

Những năm qua, Sở Công Thương Bắc Giang tích cực xây dựng mối liên kết, bảo đảm hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã với mục tiêu loại bỏ khâu trung gian, kết nối trực tiếp người sản xuất với người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối, chế biến sâu, uy tín, hiệu quả…, từ đó đưa nông sản vươn ra thị trường khó tính ngoài nước, gia tăng hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh, đa dạng hóa các kênh phân phối, hình thức trao đổi, mua bán nông sản cả phương thức truyền thống và hiện đại. Riêng với sản phẩm vải thiều, sẽ đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử. Đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều trên các nền tảng internet, giới thiệu, bán sản phẩm trên các mạng xã hội như facebook, zalo... giúp nông sản được tiêu thụ thuận lợi với sản lượng lớn.

Về vấn đề mở rộng kênh thông tin cho bà con, trong thời gian tới, Sở Công Thương Bắc Giang sẽ tiếp tục bám sát các Hiệp định Thương mại tự do như Hiệp định EVFTA, thường xuyên cập nhật các chính sách về xuất nhập khẩu, các quy định tại các thị trường xuất khẩu để kịp thời phổ biến, hướng dẫn cho các địa phương và người dân và doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ nông sản, qua đó tiếp tục giữ vững ổn định tại thị trường xuất khẩu truyền thống; thúc đẩy tăng dần sản lượng xuất khẩu sang thị trường tiềm năng, thị trường mới.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang kiến nghị bộ, ngành trung ương tiếp tục có cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; chú trọng, quan tâm đến vấn đề liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi; dự báo tình hình giá cả thị trường; yêu cầu hộ nông dân chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với thực tế và nhu cầu của thị trường.

Bắc Giang xây dựng kế hoạch, đến năm 2030, phát triển khoảng 77 vùng nguyên liệu rau tập trung, với diện tích trên 7.780 ha. Trong đó có 18 vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, giúp người nông dân được tiếp cận các phương pháp canh tác tiên tiến.