Công nhân các nhà máy trong nội thành và ở Gia Lâm, dưới sự hướng dẫn của cán bộ, công nhân cứu quốc, đã tập hợp thành đội ngũ trước cổng xí nghiệp, giương cao cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ cách mạng, trong tay cầm vũ khí thô sơ hoặc công cụ lao động thay cho vũ khí, do các đội tự vệ công nhân dẫn đầu, rầm rập tiến về quảng trường Nhà hát Lớn, vừa đi vừa hô những khẩu hiệu cách mạng hoặc hát bài Tiến quân ca.
Từ ngoại thành, trên các ngả đường dẫn vào trung tâm thành phố, hàng vạn bà con nông dân, già trẻ gái trai, các đội tự vệ mang theo đủ các loại vũ khí, từ súng trường đến gươm, đao, mã tấu, câu liêm, hùng dũng tiến bước, tiếng hô khẩu hiệu từng đợt vang lên như sóng triều biển cả. Bà con vùng Láng, Mọc trước khi vào thành phố, đã hợp sức cùng dân nghèo Ngã Tư Sở chiếm lĩnh tòa Đại lý Hoàn Long, tịch thu vũ khí của Bảo an binh đóng ở đấy.
Nhân dân các phố nội thành, xếp hàng mười theo từng khối lớn, như phụ nữ, thanh niên, viên chức, học sinh, trí thức, v.v. lần lượt tiến vào quảng trường, vừa đi vừa đồng thanh hô to khẩu hiệu, giương cao biểu ngữ và cờ đỏ sao vàng.
Bà con các phủ huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Đan Phượng, Hoài Đức, Gia Lâm, theo đúng lệnh của Xứ ủy, cũng nườm nượp kéo về Hà Nội tham gia khởi nghĩa.
Một chuyến xe điện đặc biệt chở Đoàn thanh niên xung phong Hoàng Diệu (lúc đó đã được chuyển thành đại đội du kích) từ chợ Mơ đến đầu phố Tràng Tiền. Toàn đội xếp theo hàng ba tiến về phía Nhà hát Lớn, súng trường khoác vai, súng ngắn cạnh sườn, một số đồng chí còn đeo kiếm dài bên mình như kiểu sĩ quan Nhật, một số khác tay cầm mã tấu, dẫn đầu có lá cờ đỏ sao vàng rộng khổ bằng xa-tanh viền tua óng ánh với hàng chữ thêu kim tuyến. Lần đầu tiên trong đời, người Hà Nội thấy tận mắt một đơn vị bộ đội cách mạng. Suốt cả đoạn đường từ đầu phố Tràng Tiền đến Nhà hát Lớn đông nghịt quần chúng khởi nghĩa và rợp bóng cờ cách mạng, họ không ngớt hoan hô bộ đội, người vỗ tay, người tung mũ, người reo hò.
Hà Nội hôm ấy cực đẹp. Vòm trời trong xanh không gợn một chút mây. Nắng thu vàng óng như mật ong. Rừng cờ đỏ phấp phới bay trong gió lộng. Khí thế cách mạng bừng bừng trong từng đợt hô khẩu hiệu của quần chúng khởi nghĩa. Cuộc mít-tinh gồm 30 vạn người, bắt đầu trong không khí hào hùng chưa từng thấy.
Sau phút mặc niệm những chiến sĩ cách mạng đã lớp lớp hy sinh vì độc lập dân tộc từ ngày đất nước ta bị mất về tay thực dân Pháp, đồng chí Lê Trọng Nghĩa bắn ba phát súng báo hiệu lễ chào cờ, Đoàn nhạc cách mạng rầm rộ cử bài Tiến quân ca hoành tráng, được các loa phóng thanh phát đi vang vang trong thành phố. Lá cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên cột cờ dựng ở giữa quảng trường. Trên bao-lơn Nhà hát Lớn, từ hai bên, lá cờ cách mạng rộng lớn buông xuống làm nền cho lễ đài cuộc mít-tinh, hàng vạn truyền đơn được tung ra, lượn bay theo gió, rồi hạ nhẹ giữa biển người.
Tiếng vỗ tay vang dậy hồi lâu khi đồng chí Nguyễn Huy Khôi (Trần Quang Huy) đứng ra trước máy phóng thanh đọc lời hiệu triệu của Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội. Bằng những lời lẽ đanh gọn, bản hiệu triệu vạch rõ thái độ của ta đối với quân Nhật đã bại trận, đối với thực dân Pháp đang lăm le giành lại quyền thống trị của chúng ở Đông Dương, rồi khẳng định: “… Điều cần nhất lúc này là chúng ta phải thành lập ngay một chính phủ Cộng hòa dân chủ Việt Nam, trong đó dân chúng được tham dự chính quyền để tự định đoạt số phận của mình”.
“Chính phủ nhân dân cách mạng Việt Nam ấy sẽ ban bố những quyền tự do cho toàn thể quốc dân, sẽ cải thiện sinh hoạt vật chất và tinh thần cho dân chúng, và đồng thời tổng động viên lực lượng toàn quốc để bảo vệ và củng cố nền độc lập chân chính của nhà nước. Chỉ có Chính phủ cách mạng mới đủ uy tín và năng lực thực hiện nguyện vọng tha thiết chung của toàn thể dân tộc ta là độc lập, tự do và hạnh phúc. Chỉ có Chính phủ nhân dân cách mạng mới đủ uy tín và năng lực để lãnh đạo dân tộc ta đến một tương lai rạng rỡ, xứng đáng với quá khứ oanh liệt còn ghi chép trong quốc sử”.
Bản hiệu triệu kết thúc bằng những khẩu hiệu cách mạng làm nức lòng người:
- Đánh đổ mọi lực lượng xâm phạm đến nền độc lập Việt Nam!
- Thành lập Chính phủ Cộng hòa dân chủ Việt Nam!
- Việt Nam hoàn toàn độc lập!
- Cách mạng giải phóng thành công muôn năm!
Tiếng hô hưởng ứng của 30 vạn quần chúng ầm ầm vang động trên quảng trường Nhà hát Lớn mỗi lần đồng chí Nguyễn Huy Khôi hô to khẩu hiệu.
Tiếp đó, theo kế hoạch đã định, cuộc mít-tinh nhanh chóng chuyển sang tuần hành thị uy, chia thành hai khối lớn đi chiếm lĩnh những cơ quan trọng yếu của chính quyền bù nhìn. Khối thứ nhất, với các đội tự vệ chiến đấu công nhân dẫn đầu, do đồng chí Nguyễn Khang, đồng chí Nguyễn Huy Khôi và một số đồng chí khác trong Ủy ban quân sự cách mạng chỉ huy, có nhiệm vụ chiếm Phủ khâm sai, Tòa thị chính, Kho bạc, Bưu điện và Sở Cảnh sát Hàng Trống. Khối thứ hai, do đồng chí Nguyễn Quyết chỉ huy và do Đoàn thanh niên xung phong Hoàng Diệu làm nòng cốt, có nhiệm vụ chiếm Trại Bảo an binh và Ty Liêm phóng.
Khi khối thứ nhất đến gần Phủ Khâm sai, thì hai đại đội bảo an binh đóng ở đấy, theo lệnh của bọn cầm đầu “Ủy ban chính trị”, đã đóng chặt cổng lại, bố trí lực lượng bên trong hàng rào sắt, chủ yếu là bên trong khu làm việc (nay là 14 phố Ngô Quyền), chĩa những họng súng liên thanh ra phía quần chúng cách mạng. Nhưng chính ở đây ta cũng đã nắm được một số binh lính có cảm tình với Việt Minh. Ta vừa hô khẩu hiệu thị uy, vừa kêu gọi Bảo an binh quay súng đứng về phía Việt Minh để cứu nước, cứu nhà. Viên chỉ huy Bảo an binh, mặt tái mét lúng túng chưa biết xử trí ra sao, thì một số đội viên tự vệ chiến đấu và hội viên cứu quốc đã vượt hàng rào sắt nhảy vào, trước hết là ở bên khu làm việc, rồi sau là ở bên nhà tiếp khách của viên Khâm sai (nay là 12 phố Ngô Quyền). Trước sức mạnh của cách mạng, lính Bảo an xin hàng, xếp vũ khí lại thành đống và ra mở cổng. Quần chúng khởi nghĩa ùa vào sân như tháo nước, hạ cờ “quẻ ly” xuống, kéo cờ đỏ sao vàng lên. Ta tịch thu 200 khẩu súng, trang bị bổ sung cho tự vệ chiến đấu, và bắt giam bọn cầm đầu “Ủy ban chính trị”.
Việc chiếm lĩnh các cơ quan trọng yếu của chính quyền bù nhìn đã được hoàn tất trong ngày 19-8. Trừ vụ Trại Bảo an binh, còn lại quân Nhật không dám can thiệp chống lại khởi nghĩa, mà chịu co mình trong các doanh trại của chúng. Cách mạng đã hoàn toàn làm chủ Thủ đô Hà Nội.
Trần Quang Huy
Nguyên Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời Hà Nội (từ ngày 20 đến 30-8-1945)