Cột sóng 5G ở Anh bị đốt vì niềm tin mù quáng vào tin giả

NDO -

NDĐT - Tin vào thuyết âm mưu cho rằng các cột viễn thông di động 5G là nguyên nhân gây ra sự lây lan của virus SARS-CoV-2, nhiều đối tượng đã phóng hỏa, phá hoại các cột tiếp phát mạng 5G đang được triển khai ở nước này. Trước tình trạng trên, Chính phủ Anh đã lên tiếng khẳng định thuyết âm mưu trên là tin đồn nguy hiểm và hoàn toàn sai lệch.

Cột sóng di động 5G. Ảnh Getty Images.
Cột sóng di động 5G. Ảnh Getty Images.

5G đang gây ra tình trạng hỗn loạn ở Anh

Các cột phát sóng điện thoại 5G đã và đang được xây dựng ở Anh để chuẩn bị hạ tầng cho chuyển đổi số. Nhưng sau khi có thuyết âm mưu cho rằng các cột phát sóng di động 5G có liên quan đến đại dịch Covid-19 do virus corona chủng mới gây ra, ít nhất có ba cột sóng 5G đã bị đốt vào tuần trước khiến cảnh sát và cứu hỏa phải đến dập lửa.

Theo hãng tin Reuters, các cột phát sóng di động trong những ngày gần đây đã bị phá hoại và nhân viên viễn thông bị tấn công ở Birmingham, miền Trung nước Anh và Mer Jerseyide, miền bắc nước Anh, gây ra gián đoạn kết nối tại thời điểm mà mọi người đang cần tới mạng internet hơn bao giờ hết.

Một cuộc tấn công đốt phá tại một cột phát sóng ở Birmingham thuộc sở hữu của BT, công ty viễn thông lớn nhất nước Anh, đã gây ra thiệt hại đáng kể. Cột phát sóng này hiện cung cấp dịch vụ 2G, 3G và 4G cho hàng nghìn người.

Một phát ngôn viên của Vodafone UK đã xác nhận với The Verge rằng, bốn cột sóng di động đã trở thành mục tiêu được nhắm đến trong 24 giờ qua. Cảnh sát hiện đã mở cuộc điều tra về nguyên nhân khiến các cột sóng 5G bốc cháy. Có một cột sóng ở Birmingham, được điều hành bởi EE, thậm chí không cung cấp dịch vụ 5G nhưng vẫn bị đốt cháy.

Một phát ngôn viên của mạng di động EE thuộc Công ty viễn thông BT cho biết: “Các kỹ sư của chúng tôi đang đánh giá nguyên nhân vụ cháy tại một trong những cột sóng của chúng tôi ở Birmingham. Nếu họ tuyên bố rằng đó là vụ hỏa hoạn, chúng tôi sẽ làm việc để giúp cảnh sát West Midlands xác định thủ phạm. Chúng tôi sẽ cố gắng khôi phục nhanh nhất có thể, nhưng thiệt hại do hỏa hoạn gây ra là rất đáng kể”.

Tình trạng đốt phá trạm phát sóng 5G khiến Trưởng văn phòng nội các Anh, Michael Gove, phải lên tiếng trên truyền thông, khẳng định không có bất kỳ bằng chứng khoa học nào liên quan đến sự phát tán virus corona và mạng 5G. Hành động phá hoại trên là cực kỳ nguy hiểm. Bên cạnh đó, việc ảnh hưởng của sóng 5G tới sức khỏe cũng không chính xác.

Cột sóng 5G ở Anh bị đốt vì niềm tin mù quáng vào tin giả ảnh 1

Một cột sóng di động 5G ở Anh đang bốc cháy. Ảnh cắt từ clip.

Tin giả ngớ ngẩn vẫn có người tin mù quáng

Tin đồn và thuyết âm mưu liên quan đến việc liên kết giữa 5G và sự lây lan của virus corona đã được lan truyền chủ yếu thông qua các mạng truyền thông xã hội. Một loạt các nhóm tồn tại trên Facebook và Nextdoor, nơi hàng nghìn thành viên lặp lại tuyên bố sai lệch và gây hiểu lầm rằng 5G được cho là có hại.

Một giả thuyết cho rằng virus corona có nguồn gốc từ Vũ Hán vì thành phố ở Trung Quốc này gần đây đã tung ra 5G. Hiện tại, virus corona được cho là lan sang các thành phố khác cũng đang sử dụng 5G. Thuyết âm mưu sai lầm này đã bỏ qua sự thật rằng virus corona rất dễ lây lan và sẽ tự nhiên lây lan ở các thành phố đông dân nếu không thực hiện cách ly xã hội, dù ở đó có sử dụng 5G hay không. Và thực tế, đại dịch Covid-19 đã tấn công những nước như Iran và Nhật Bản, nơi 5G chưa được sử dụng.

Không có bằng chứng khoa học nào liên quan đến virus corona với 5G, cũng như không có bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào đối với sức khỏe với 5G. Full Fact, một tổ chức từ thiện kiểm tra thực tế độc lập ở Anh đã tuyên bố sau khi một tờ báo lá cải của Anh đưa ra thuyết này gần đây. 5G sử dụng tần số sóng vô tuyến cao hơn 4G hoặc 3G, nhưng các cơ quan quản lý ở Anh đã ghi lại mức bức xạ điện từ 5G dưới mức hướng dẫn quốc tế.

Tuy nhiên, sự thật hiển nhiên vẫn không ngăn được thuyết âm mưu này lan rộng. Một số người thậm chí còn quấy rối công nhân đang lắp đặt cáp quang để cài đặt 5G và tuyên bố rằng khi 5G được bật, nó sẽ giết chết mọi người.

Các nhà khai thác mạng 5G của Anh cho rằng các cuộc tấn công này đang làm suy yếu an ninh quốc gia. Chuyên gia Nick Jeffery của Vodafone nói: “Tôi rất buồn khi phải thông báo rằng những kẻ phá hoại đã thực hiện một loạt các cuộc tấn công tàn phá vào cột sóng điện thoại di động trong thời gian khủng hoảng của quốc gia vì dịch Covid-19. Đây là vấn đề an ninh quốc gia. Cảnh sát và cơ quan chống khủng bố đang điều tra”.

Ông Stephen Powis, Giám đốc NHS cho biết trong một cuộc họp ngắn về virus corona hàng ngày ở Anh: “Các cuộc tấn công đốt phá cột sóng 5G sẽ ảnh hưởng đến các dịch vụ ở Birmingham, cũng như các dịch vụ khẩn cấp tại Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) của Vương quốc Anh vốn đang dựa vào các mạng di động. Tôi hoàn toàn phẫn nộ về hành động chống lại cơ sở hạ tầng mà chúng tôi cần để giải quyết tình trạng khẩn cấp này.”

Bộ Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao (DCMS) của Chính phủ Anh lưu ý rằng họ đã nhận được báo cáo về thiệt hại đối với cột sóng điện thoại và sự lạm dụng đối các kỹ sư viễn thông. DCMS đang kêu gọi các mạng truyền thông xã hội kiểm soát sự lan truyền của thông tin sai lệch. Các công ty truyền thông xã hội cần hành động có trách nhiệm và khéo léo để ngăn chặn sự lây lan tin giả một cách vô nghĩa trên nền tảng của mình.

Peter Clarke, một chuyên gia về cơ sở hạ tầng mạng di động ở Anh, đã báo cáo sai phạm với Facebook về hoạt động của một nhóm Facebook được thành lập chuyên để kích động mọi người đốt cột sóng 5G, nhưng mạng xã hội này đã không gỡ bỏ nó. Sau khi tăng sự chú ý, nhóm đã bị xóa, nhưng nhiều người khác vẫn có sẵn thông tin sai lệch và hàng nghìn người đã kích động những người khác đốt cột sóng 5G.

Cơ quan quản lý Ofcom của Anh cũng cảnh báo Uckfield FM, đài phát thanh cộng đồng, vào tháng 2, đã đăng tải một đoạn clip 20 phút của một y tá tuyên bố rằng 5G đang hút oxy ra khỏi phổi của người, đồng thời cho rằng 5G và virus corona có liên kết với nhau. Đoạn clip của chương trình radio được chia sẻ rộng rãi trên Facebook kể từ đó.

Trong khi các chuyên gia y tế đang bận rộn chống lại virus corona rất dễ lây lan, thì các nhân viên viễn thông và các mạng truyền thông xã hội đang phải chống lại sự lây lan của virus tin giả ngớ ngẩn nhưng lan truyền nhanh không kém trên mạng.