PV: Thưa đồng chí, có ý kiến cho rằng nước sinh hoạt do các Nhà máy nước Pháp Vân, Nam Dư, Yên Phụ, Lương Yên sản xuất nhiễm a-sen nặng và một số loại chất rắn khác, vậy thông tin này có đúng hay không?
Ðồng chí Nguyễn Như Hải: Ý kiến cho rằng nước sinh hoạt của Hà Nội nhiễm a-sen là không có cơ sở. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra nghiêm ngặt chất lượng nước. Các chỉ tiêu độ đục, mùi vị, clo dư, như măng-gan, can-xi, ma-giê, và các chỉ tiêu nhóm A được công ty kiểm soát hằng ngày tại tất cả các nhà máy. Các chỉ tiêu nhóm B như a-sen thực hiện kiểm tra sáu tháng một lần. Vì vậy có thể khẳng định nước sạch cấp ra trên mạng lưới do công ty quản lý đạt các yêu cầu về chỉ tiêu của Bộ Y tế, nhất là các chỉ tiêu hàm lượng về a-sen, măng-gan, can-xi... Người dân yên tâm sử dụng nước sạch và thực hành tiết kiệm cùng công ty, góp phần bảo vệ an toàn mạng lưới cấp nước để mọi người dân có đủ nước sạch sử dụng trong mùa hè. Hiện nay, nhiều người dân lắp đặt máy lọc nước tại nhà cần chú ý là trong nước máy theo quy chuẩn có các chỉ tiêu hóa lý cho phép ở hàm lượng nhất định để cân bằng khoáng chất. Sử dụng máy lọc nước sẽ triệt tiêu sự cân bằng khoáng chất này; chưa kể nếu sử dụng không đúng, không thau rửa thay ống lọc định kỳ còn làm tăng đột biến các chỉ tiêu, gây hại khi dùng nước để ăn uống.
PV: Một số nhà khoa học khẳng định công nghệ lọc nước dùng giàn phun mưa, lọc cát, khử trùng bằng clo mà công ty đang áp dụng đã lỗi thời, không thể loại bỏ được hết các chất nguy hại. Tuy nhiên, nếu dùng các công nghệ xử lý nước mới (như bằng công nghệ ô-dôn, tia cực tím...) thì sẽ loại bỏ các chất nguy hại, nhưng công nghệ làm cho giá thành sản xuất nước tăng cao. Ý kiến của đồng chí về vấn đề này như thế nào?
Ðồng chí Nguyễn Như Hải: Nước ngầm ở Hà Nội hiện đang được khai thác với lưu lượng dưới mức cho phép và ở tầng nước ngầm có độ sâu từ 80 đến 100 m. Do vậy không có việc nguồn nước ngầm nhiễm a-sen và một số chất rắn khác vượt giới hạn cho phép. Mặt khác, các nhà máy nước của công ty, trong đó có các Nhà máy nước Pháp Vân, Yên Phụ, Lương Yên, Nam Dư đều được cải tạo, xây dựng mới vào các năm 1991, 2004, 2005 từ chương trình cấp nước Phần Lan và dự án vốn vay Ngân hàng Thế giới - Dự án 1A, dây chuyền sản xuất vật liệu lọc được cải tạo phù hợp với chất lượng, sản lượng khai thác nước ngầm. Công ty cũng luôn quan tâm đến công tác kiểm soát chất lượng nước để chủ động đại tu, vệ sinh, bổ sung, thay thế vật liệu lọc hằng năm nhằm không ngừng ổn định, nâng cao chất lượng nước phục vụ người dân. Do vậy chất lượng nước các nhà máy nêu trên hoàn toàn bảo đảm. Việc cho rằng chưa sử dụng công nghệ ô-dôn, tia cực tím để xử lý do đắt tiền là không chính xác. Áp dụng dây chuyền sản xuất nào cần căn cứ vào chất lượng nước nguồn và chất lượng nước sau xử lý đã đạt quy chuẩn chưa, từ đó mới xem xét có cần dùng tia cực tím hay ô-dôn hay không? Tia cực tím và ô-dôn được đưa vào dây chuyền xử lý chủ yếu có ý nghĩa khử trùng và diệt nấm mốc, thường áp dụng bổ sung trong mô hình khai thác nước mặt cùng với khử trùng bằng clo.
PV: Vậy công ty làm gì để nâng cao chất lượng nước sinh hoạt trên địa bàn Thủ đô?
Ðồng chí Nguyễn Như Hải: Trong điều kiện khó khăn về tài chính, giá nước tuy được điều chỉnh, nhưng chưa bù đắp hết chi phí, nhưng hằng năm công ty đều phải tiết kiệm chi phí để đại tu định kỳ các nhà máy; thực hiện cải tạo thay thế mạng lưới ống dẫn nhằm bảo đảm chất lượng nước và chống thất thoát thất thu; liên tục phát triển mở rộng mạng lưới cấp nước để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn cả về chất lượng và số lượng. Căn cứ vào Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội, công ty đã nghiên cứu xây dựng hệ thống nhà máy nước mặt sông Hồng và sông Ðuống để bổ sung nguồn nước; đầu tư áp dụng các giải pháp khoa học để kiểm soát áp lực, chất lượng nước sinh hoạt...
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí.