Trước đó, tại khu vực Cống Chèm (phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm), một lái xe ô-tô xuất trình 5 giấy đi đường có nhiều biểu hiện nghi vấn nên tổ công tác yêu cầu về trụ sở để làm rõ. Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận, số giấy tờ nêu trên do Nguyễn Thị Thu Hồng, kế toán Công ty TNHH Vận tải quốc tế Hồng Hà làm giả giúp với giá trọn gói 1 triệu đồng/người. Ðể thực hiện trót lọt hành vi phạm tội, Hồng đã làm giả giấy đi đường cho những người này dưới danh nghĩa là nhân viên công ty. Sau đó, Hồng chủ động thuê lái xe và hẹn địa điểm đón các lao động từ Hà Nội về Nghệ An. Với phương thức, thủ đoạn nêu trên, Hồng đã tổ chức thành công ba chuyến xe chở 9 người từ Hà Nội về Nghệ An…
Trước đó, tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại xóm Suối Khách, xã Hợp Tiến (Ðồng Hỷ, Thái Nguyên), Tổ công tác liên ngành phát hiện N.Ð.T (SN 1983), trú tại huyện Yên Thế (Bắc Giang) sử dụng giấy xét nghiệm Covid-19 giả để đối phó lực lượng chức năng khi kiểm tra. Qua đấu tranh, T khai nhận thuê V.V.H (SN 1971), trú tại xã Nam Hòa (Ðồng Hỷ, Thái Nguyên) làm giả giấy xét nghiệm Covid-19 để lưu thông qua các chốt kiểm dịch. Công an huyện Ðồng Hỷ đã triệu tập H. Tại cơ quan công an, H đã khai nhận toàn bộ hành vi làm giả giấy xét nghiệm; đồng thời, giao nộp các đồ vật, tài liệu liên quan.
Hiện nay, nhiều địa phương tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội. Ðể được tham gia giao thông, người dân phải có giấy đi đường hoặc giấy xét nghiệm Covid-19 do các cơ quan, đơn vị, bệnh viện cấp. Một số đối tượng đã cố tình làm giả các giấy tờ để bán kiếm lời cho những người có nhu cầu. Các đối tượng thường sưu tầm các phiếu xét nghiệm thật của các bệnh viện uy tín và giấy đi đường của các công ty, cơ quan, tổ chức có dấu đỏ rồi scan và lưu lại trên máy tính. Sau đó rao bán trên mạng giấy xét nghiệm âm tính Covid-19, giấy đi đường để đi qua các chốt kiểm dịch với giá rẻ. Khi khách hàng có nhu cầu, các đối tượng sẽ căn cứ nội dung thông tin cung cấp để chỉnh sửa, in mầu và tự ký vào mục kỹ thuật viên, lãnh đạo bệnh viện...
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Nguyễn Trọng Diện chia sẻ, việc mua bán, sử dụng giấy xét nghiệm Covid-19 giả để tham gia giao thông rất nguy hiểm. Bởi nếu người được cấp giấy xét nghiệm không đúng, di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác rất có thể lây lan dịch bệnh trong cộng đồng…
Theo Thượng tá Hoàng Nguyễn Phi Khanh, Trưởng Công an TP Việt Trì (Phú Thọ), các ban, ngành, đoàn thể địa phương cần tăng cường khuyến cáo cơ quan chức năng và người dân về các thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này. Nâng cao năng lực, nghiệp vụ của các cán bộ trực chốt kiểm dịch; nhân viên làm công tác hành chính tại các cơ quan, đơn vị phường, xã, bệnh viện trong việc cấp, kiểm tra và nhận biết các loại giấy tờ giả. Làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp giấy đi đường, giấy xét nghiệm với các cơ quan thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, để ngăn chặn hiệu quả hành vi vi phạm pháp luật này, mỗi người dân phải tự nâng cao ý thức; có thái độ kiên quyết lên án, phê phán và "nói không" với giấy tờ giả.
Luật sư Duyên Trần (Công ty Luật FDVN, TP Ðà Nẵng) cho biết: "Việc cấp, sử dụng giấy đi đường, giấy xét nghiệm Covid-19 giả để được đi qua chốt kiểm soát phòng, chống dịch vì lợi ích cá nhân sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 2 Ðiều 14 Nghị định 117/2020-NÐ/CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ đối với hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Mức phạt từ 5 đến 10 triệu đồng đối với cá nhân; gấp đôi đối với tổ chức nếu vi phạm. Ngoài ra, tùy theo mức độ hành vi phạm tội, các cơ quan chức năng có thể căn cứ các Ðiều 341, 359 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để xử lý hình sự. Nếu vi phạm Ðiều 341 tội làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức thì người phạm tội bị phạt tiền đến 100 triệu đồng; phạt tù đến 7 năm..." ■
HIẾU THỌ và LONG BÌNH