Hợp tác tư pháp quốc tế trong thu hồi tài sản do phạm tội mà có

NDO -

NDĐT - Sáng 13-12, tại Hà Nội, Ban Nội chính T.Ư phối hợp Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, tổ chức Hội thảo Những vấn đề cơ bản về hợp tác tư pháp quốc tế trong thu hồi tài sản do phạm tội mà có - kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Các ý kiến tham luận tại hội thảo tập trung nêu lên những vấn đề cơ bản đặt ra trong công tác thu hồi tài sản do phạm tội mà có trong bối cảnh hiện nay. Việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có, đặc biệt là tài sản tham nhũng là vấn đề được chính phủ các quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế quan tâm hàng đầu. Tại Việt Nam, vấn đề này trở nên “nóng” hơn khi cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng do Đảng khởi xướng và lãnh đạo ngày càng đi vào chiều sâu; với tính chất , mức độ của các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế ngày càng tinh vi, phức tạp, số lượng tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát ngày càng lớn.

Trong thực tiễn thực thi pháp luật, các cơ quan liên quan đã tăng cường phối hợp công tác thu hồi tài sản do phạm tội mà có. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, số lượng tiền, tài sản thu hồi được còn thấp, tiến độ thu hồi còn chậm, nhiều vụ việc kéo dài mà chưa có kết quả. Nhiều vụ án có số lượng tiền, tài sản bị chiếm đoạt lớn nhưng không thể thu hồi do đã bị tẩu tán. Đáng chú ý, một trong những khó khăn đang nổi lên là việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có, bị tẩu tán ra nước ngoài, chưa đạt kết quả. Quá trình giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ lớn gần đây, cơ quan điều tra đã cố gắng xác định, làm rõ nhiều tài sản do bị can, bị cáo chuyển ra nước ngoài và lập yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự, đề nghị quốc gia có liên quan kê biên, phong tỏa, tịch thu và trả lại cho nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình này cho thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc… Trong khi đó, pháp luật Việt Nam về vấn đề này cũng còn những hạn chế, khái niệm “tài sản do phạm tội mà có” cũng chưa theo chuẩn mực quốc tế. Một số quy định về thu hồi tài sản tham nhũng trong Công ước phòng, chống tham nhũng và theo chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền vẫn chưa được nội luật hóa hoặc chưa được áp dụng…

Các đại biểu cung cấp và chia sẻ những kinh nghiệm của một số nước trong hợp tác tư pháp quốc tế về thu hồi tài sản do phạm tội mà có; nguyên tắc chung về hợp tác tư pháp quốc tế; khung pháp lý và thực trạng hợp tác tư pháp quốc tế tại Việt Nam, từ đó đề xuất, kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác thu hồi tài sản do phạm tội mà có.

Theo đó, Việt Nam cần nghiên cứu xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự tách khỏi Luật Tương trợ tư pháp năm 2007; trong đó, xác định rõ vấn đề thu hồi tài sản do phạm tội mà có thuộc phạm vi tương trợ tư pháp về hình sự; tăng cường ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với nước ngoài nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động tương trợ tư pháp, trong đó có hợp tác thu hồi tài sản do phạm tội mà có; xác lập cơ chế chia sẻ thông tin, phối hợp các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài trong việc thực hiện thu hồi tài sản có yếu tố nước ngoài. Cần nghiên cứu việc hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp. Bên cạnh đó, nghiên cứu để có các biện pháp tạm thời như phong tỏa tài khoản, niêm phong và tạm giữ tài sản nhằm ngăn chặn việc mua bán, chuyển nhượng, tiêu hủy tài sản thuộc diện bị tịch thu….

Phát biểu tại hội thảo, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, thu hồi tài sản do phạm tội mà có trong nước đã khó, việc hợp tác quốc tế để thu hồi tài sản phạm tội mà có liên quan đến yếu tố nước ngoài càng khó hơn. Số liệu thu hồi tài sản qua công tác thi hành án năm 2018 chỉ đạt 17,61% về tiền. Đối với án tham nhũng kinh tế chỉ đạt 6,57%. Còn đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo thì tỷ lệ này là hơn 31%. Việc thu hồi tài sản do phạm tội có liên quan yếu tố nước ngoài còn tùy thuộc luật pháp nước đó, chuẩn mực quốc tế, cho nên thực tiễn đặt ra nhiều khó khăn vướng mắc. Do đó trên cơ sở tiếp thu ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, những người làm công tác thực tiễn từ cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nhằm đánh giá đúng tình hình, để có tiếng nói thống nhất giữa các cơ quan, ban, ngành, đề ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc, từ sửa đổi luật tới phối hợp tổ chức thực hiện, trên cơ sở tôn trọng luật pháp, chuẩn mực quốc tế, chủ động phối hợp, tương trợ tư pháp nhằm mục đích thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước.