Dân trên đảo cùng tàu thuyền lại phải tiến hành cuộc di chuyển sang bãi Dong trong bốn tháng để tránh gió tạm thời kèm theo đó là khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Nhưng cuộc sống hôm nay ở Thổ Chu đã khác. Vứt bỏ cái áo cũ của một làng đảo heo hút, Thổ Chu ngày nay đã là một phố biển sầm uất và đẹp đến nao lòng.
Ký ức đau thương…
Thổ Chu hôm nay thật sầm uất. Qua bảy tiếng lênh đênh từ đảo Phú Quốc ra đây, cũng từng ấy thời gian tôi dự đoán rằng, nơi này buồn vắng! Ngược với suy nghĩ, không gian biển rực rỡ về đêm. Chủ tịch UBND xã Thổ Châu Đỗ Văn Dừng cấp cho một con số tổng kết doanh thu bán lẻ năm trước, đạt 26 tỷ đồng (chỉ tính hàng tạp hóa, giải khát). Con số này cho thấy một lượng tàu thuyền đánh bắt cá vào vùng biển tây nam và cập đảo rất đông.
Hiện thực sức sống hôm nay như vậy nhưng vẫn chưa nguôi quên câu chuyện cũ làm gián đoạn dân cư sinh sống trên đảo này. Tháng 5-1975, khi miền nam hoàn toàn giải phóng, quân đội Việt Nam cộng hòa đóng trên đảo Thổ Chu di tản. Đảo chỉ còn lại dân. Lợi dụng tình hình rối ren, ngày 10-5-1975, quân Khmer đỏ đổ bộ lên đảo, lừa gạt dân với chiêu bài giải phóng. Nhưng thực tế chúng âm thầm đưa người lên làm xã trưởng, xã phó, đe dọa dân thường vô tội. Hơn tuần sau, chúng đã dồn hơn 500 người xuống tàu, dòng ra khơi rồi tàn sát. Chỉ ít người thoát chết chạy về đất liền thông báo tình hình. Trong cuộc thảm sát này, gia đình ông Tư Sĩ may mắn, do dây thừng cột thuyền bị cây sắt cà đứt. Sau giây phút định thần giữa biển khơi, ông Tư Sĩ nổ máy chạy về quê cũ ở hòn Mấu (đảo Nam Du). Ông là một trong những nhân chứng kể lại những ngày sống trong lo lắng, đau thương, những năm nhớ thương bà con đã chết dưới bàn tay của quân Khmer đỏ.
Ngày 23-5-1975, tại bãi Cao Cát, quân giải phóng đã phát lệnh chiến đấu với quân Khmer đỏ. Đến ngày 27-5-1975, trận đánh kết thúc. Quân ta giành lại toàn bộ Thổ Chu. Tháng 5 năm ấy giải phóng. Biển mênh mông giấu nỗi đau trong lòng. Nhưng rồi gần 20 năm sau đó, không người dân nào sống trên đảo này.
Ngày 27-4-1992, tỉnh Kiên Giang quyết định đưa dân ra đảo Thổ Chu. Năm sau, xã đảo được thành lập, lúc đầu chỉ có 30 hộ, 94 người. Đến nay đã có 517 hộ, 2.270 nhân khẩu, trong đó có 14 hộ người Khmer. Ông Huỳnh Bình Khởi, đảng viên đầu tiên ra đảo kể lại: "Ngày ấy, đảo hoang vu, bốn bề rừng cây sóng biển, cuộc sống của 94 người rất khó khăn, không có phương tiện đánh bắt, phải ăn ở nhờ bộ đội, nhiều lúc buồn nản, có người định bỏ đảo…”.
Toàn cảnh bãi Ngự.
Nhưng nhờ quyết tâm của nhiều người, rồi động viên nhau, họ đã dựng nhà, trồng trọt, chăn nuôi cải thiện cuộc sống. Cùng với sự hỗ trợ về vốn, phương tiện đi lại cũng khá hơn, trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu của bà con. Thầy giáo, y, bác sĩ đầu tiên là bộ đội, ai cũng chuyên tâm sát cánh cùng người dân trong hoàn cảnh nhiều thiếu thốn. Ông Phan Văn Kháng, nguyên Chủ tịch UBND xã nhớ lại: "Tình đoàn kết quân dân thắt chặt, một dạ một lòng. Người dân được hỗ trợ nghề nghiệp, dạy chữ, chữa bệnh". Tính đến nay, đã 24 năm tái lập dân cư. Trên đảo có tới ba tiệm kinh doanh vàng bạc, dịch vụ ăn uống nở rộ, buổi tối ở đây giống như một phố biển chứ không phải một làng đảo heo hút.
Trên chuyến tàu ra đảo thăm con, bà Trịnh Thị Ngộ, 73 tuổi, kể rằng bà là một trong số những người ra đảo đầu tiên của hơn 20 năm trước. Đến nay bà không ở đảo do điều kiện các cháu học hành, bà theo chúng vào huyện đảo Phú Quốc, chỉ còn lại con cái và các cháu nhỏ ở đảo Thổ Chu. Bà Ngộ có hai con gái, ba con trai đều đã lập gia đình, lập nghiệp ngoài đảo. Bà kể: “Những ngày mới thành lập xã, còn ít người, không thương nhau thì sao mà ở được”. Sở thích của nhiều phụ nữ Kiên Giang là ăn bánh gói lá chuối, lá dong. Ở đảo lúc đó không có cây chuối, bộ đội đã mang giống từ đất liền ra đây trồng. Chuối mọc nhanh, vài năm sau các chị, các mẹ đã cải thiện được những thiếu thốn rất đỗi thân thuộc trong đất liền nhưng là một niềm vui lớn ở đảo.
Trên một chuyến tàu tôi, gặp Diễm. Diễm lớn lên ở Thổ Châu đang công tác tại TP Hồ Chí Minh. Diễm kể: Ngày trước, mưa gió, biển động không có rau ăn. Em vào các đơn vị bộ đội xin rau về phân phối cho dân. Tiền bán rau nộp lại bộ đội để gây quỹ. Ai thiếu em ghi sổ nợ. Cái thời khốn khó mà nghĩa tình ấy đã giúp em có khả năng buôn bán và hiểu được những tảo tần của cuộc sống.
Trên tàu, chỉ có tôi lần đầu ra Thổ Chu, còn tất cả đều có năm tháng gắn bó với đảo. Trên đảo, các mạng điện thoại di động đều đã phủ sóng, đường liên ấp thảm bê-tông, điện thắp sáng 14 giờ trong ngày, 100% số hộ được xem truyền hình, nghe đài. Nhiều sân chơi, khu thể thao được hỗ trợ đáp ứng nhu cầu của thanh, thiếu niên. Thế hệ những em sinh ra trong năm thành lập xã đảo, nay đã hoàn thành con đường học hành, có người đã đi đến những thành phố khác, có người quay về đảo tiếp tục phục vụ địa phương. Rất tự hào khi là người đầu tiên cất tiếng khóc chào đời trên đảo, Danh Thị Ngọc Châu, hiện làm việc tại UBND xã cho biết: "Về đảo công tác cũng là về quê hương rồi”.
Một góc biển bãi Ngự.
Vùng đất yên ả giữa khơi xa
Quan sát Thổ Chu sẽ thấy nhiều hình ảnh nối tiếp nhau trong màu xanh bất tận nối rừng với biển. Nhiều cây cổ thụ cao vút, rừng Thổ Chu vẫn nguyên sơ xanh ngắt. Hình như, một nhà văn nào đó đã viết rằng, ở nông thôn nhà nào có nhiều cây xanh, nhà đó sẽ không đói như những nhà trống trải. Thổ Chu có một mầu xanh bao trùm, nhiều cây rừng mọc sát hiên nhà dân, gợi cảm giác không giàu có cũng sang trọng, không dư dả vật chất thì khí hậu cũng trong lành, yên ả tâm hồn.
Đường trục chính của xã cũng là mặt tiền kinh doanh sầm uất. Nhiều cửa hàng thời trang, tiệm làm tóc, quán cà-phê giải khát, ka-ra-ô-kê, hàng bánh, hàng quà, hàng bán cá nước ngọt, cá biển… Đêm, dưới mặt nước âu thuyền, hàng trăm chiếc thuyền lớn nhỏ bật đèn sáng, tưởng chừng như trời vừa ném một chùm sao xuống, chao chớp lung linh trên sóng biển tây nam.
Ở Thổ Châu, dễ dàng gặp những nụ cười của người dân lao động. Họ đang phơi cá, đang chuẩn bị bữa cơm, hoặc đang vá lưới bên bờ biển. Nụ cười thay lời chào khách lạ, họ hỏi thăm tôi đi tàu ra đảo có bị say sóng không? Câu hỏi không khó gì, không màu mè tô điểm nhưng sao mà tình cảm, mà gần đến thế!
Như một cánh cung của biển đẩy đùa núi đá từ ngàn xưa tạo nên bãi Ngự. Bãi đẹp như vành trăng khuyết. Đứng ở giữa bãi nhìn về đầu mom mà phấn khích vì lồ lộ những cánh rừng nguyên sinh, muốn chạy đến đó mà xem. Những rặng dừa nối nhau, thân dừa như cổ cò cao vút, cụm đổ ra biển, cây ngả đầu vào nhau. Từ bãi Ngự theo con đường đảo đi về hòn Xanh, một cánh rừng với những thân cây cao vút bên dốc thoai thoải, sự sắp đặt hữu ý hay vô tình khoe với người lạ rằng Thổ Chu giàu cảnh quan.
Bãi Ngự rất đẹp. Người dân nơi đây kể rằng, bãi Dong là nơi chạy mùa gió tạm thời. Bây giờ mỗi năm vẫn tạm thời bốn tháng, tàu thuyền phải chạy mùa gió sang bên đó. Không biết mỗi mùa chạy gió, di chuyển, người Thổ Châu có nhớ bãi Ngự không?