Thiếu vốn, chủ đầu tư và nhà thầu giao thông "xoay" thế nào?

NDO -

 Khó khăn về vốn là điều thường thấy trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) ngành giao thông vận tải (GTVT) năm 2012. Tuy nhiên, năm 2013 mới thật sự khiến các chủ đầu tư, nhà thầu thấm hết cảnh khó khăn khi lưng vốn cạn kiệt. Phần lớn các dự án dừng hoặc hoãn tiến độ trước đây sẽ vẫn tiếp tục "đắp chiếu" và phải chờ tới sau năm 2015. Nguồn vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ hạn hẹp, số lượng các dự án khởi công năm nay sẽ giảm đáng kể để tập trung ưu tiên cho những công trình cấp bách và chuẩn bị hoàn thành.

 Vốn khó, việc thiếu

 Ðối với ngành GTVT, năm 2012 vừa qua được coi là năm đặc biệt khó khăn về vốn trong công tác XDCB. Với "độ trễ" của Nghị quyết 11/NQ-CP, cùng với chính sách cắt giảm, thắt chặt đầu tư công, hàng chục công trình, dự án của ngành buộc phải dừng, hoãn  tiến độ với số vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Hệ lụy liền theo đó là phần lớn các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án (PMU) rơi vào tình trạng thiếu dự án, kết quả giải ngân thấp, còn nhà thầu nợ đọng lẫn nhau, hàng nghìn công nhân thiếu việc, chậm lương, nợ bảo hiểm.

 Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án PMU 1 Hoàng Ðình Phúc cho biết: Năm 2012, PMU 1 chỉ được giao 2,68 tỷ đồng vốn chuẩn bị đầu tư, trong khi yêu cầu phải phê duyệt đầu tư được 14 dự án. Có người đã ví von điều này giống như anh đầu bếp được cấp chưa đầy ba lạng thịt nhưng yêu cầu phải có mâm cỗ 14 món. Mặc dù vậy, PMU 1 và các đơn vị tư vấn vẫn hoàn thành công việc tưởng như bất khả thi này. Hầu hết các dự án chuẩn bị đầu tư đã được phê duyệt hoặc có báo cáo cuối kỳ. Ðồng thời, chuẩn bị ba dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp, Bình Thuận - Phan Thiết và Phan Thiết - Ðồng Nai.

 Theo Chánh Văn phòng PMU1 Lương Văn Long, mặc dù vướng nhiều điều kiện ngặt nghèo, nhưng kết quả giải ngân tại các dự án năm 2012 của PMU 1 vẫn đạt 1.212 tỷ đồng (100,3%); trong đó, các dự án ODA 841,6 tỷ đồng (100,5%),... Có thể kể đến dự án cải tạo, nâng cấp mạng lưới giao thông khu vực miền trung (ADB 5), tổng mức đầu tư gần 142 triệu USD. Dự án có chiều dài 730 km, trải khắp địa bàn 19 tỉnh, cơ chế quản lý thay đổi liên tục, kinh phí ít ỏi,... Thế nhưng cả chủ đầu tư và nhà thầu đã chủ động, linh hoạt, đưa dự án hoàn thành đúng tiến độ vào ngày 30-9-2012, đem lại hiệu quả cao cho các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

 Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Thăng Long Phan Quốc Hiếu cho biết, năm qua là năm hết sức khó khăn đối với Tổng công ty, giá trị sản lượng đã có hợp đồng của Thăng Long từ đầu năm chỉ đạt khoảng 60% so sản lượng kế hoạch. Thời gian gần đây, Tổng công ty hầu như không nhận thêm được công trình lớn nào. Nếu không được hỗ trợ về cơ chế, tạo điều kiện tham gia các dự án mới, nguồn dự án đã ký hợp đồng của Thăng Long năm 2013 chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu.

 Tự xoay nguồn vốn

 Do nguồn vốn ngày càng eo hẹp, nếu như trước đây các chủ đầu tư và nhà thầu thụ động chờ đợi Bộ GTVT rót vốn, giao dự án thì nay các PMU đã chủ động và linh hoạt hơn trong việc tìm kiếm dự án. PMU 1 đã làm việc với nhà tài trợ EDCF (Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc) và các bộ, ngành liên quan, đưa hai dự án (cầu Hưng Hà và cầu Thịnh Long) vào danh mục đầu tư giai đoạn 2012 - 2015; phối hợp, thương thảo với các nhà tài trợ như EDCF, ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á),... về nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình, có nguồn chắc chắn mới báo cáo Bộ cho phép triển khai. PMU 1 cũng thực hiện các biện pháp đẩy nhanh công tác phê duyệt chính thức và thanh toán kịp thời, đồng thời áp dụng điều chỉnh giá theo quy định, tạo điều kiện cấp kinh phí cho nhà thầu. Những "điểm nút" về mặt bằng, các cán bộ chuyên trách đã về "nằm" tại địa phương hằng tháng trời để phối hợp giải quyết dứt điểm từng trường hợp. Ngoài ra, chủ động nâng cao chất lượng hồ sơ mời thầu, chọn đúng nhà thầu và tư vấn đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu dự án.

 Ngoài việc tháo gỡ những rào cản về cơ chế từ phía Bộ GTVT, các nhà thầu cũng tự thân vận động "tự cứu mình trước khi trời cứu", nâng cao năng lực tài chính, cơ cấu lại bộ máy, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ, thiết bị hiện đại, đáp ứng tiến độ và yêu cầu ngày càng cao đối với các dự án xây lắp. Việc nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ mới vào thi công chính là mũi nhọn có tính đột phá, nâng cao năng lực cạnh tranh để đấu thầu và thắng thầu các dự án.

 Trong bối cảnh khó khăn của công tác XDCB giao thông, để vượt qua thách thức, các doanh nghiệp xây lắp giao thông (Cienco) không còn cách gì khác là phải nghiên cứu kỹ, có kế hoạch, dự báo thị trường chính xác để chủ động về nguồn dự án, gạt bỏ tâm lý ỷ lại, trông chờ Bộ và các cơ quan chức năng giao dự án, rót vốn. Ðồng thời, xây dựng chiến lược và giải pháp cụ thể, hợp lý, tăng thêm vốn sở hữu, vốn điều lệ để làm cơ sở quay vòng vốn, phục vụ đấu thầu và thi công các dự án, công trình. Ðiểm yếu của các Cienco thời gian qua là hiệu quả trong sản xuất kinh doanh rất thấp, vì vậy các doanh nghiệp đang xúc tiến tái cấu trúc, cổ phần hóa, bảo đảm quy mô lao động hợp lý, giá trị sản lượng tăng mạnh, tiết giảm chi phí đầu tư xây dựng, hạch toán chính xác giá trị lợi nhuận của công trình, tăng hiệu quả và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người lao động.

 Kỳ vọng các dự án lớn

 Trong năm 2012, ngành GTVT đã đưa vào khai thác nhiều công trình trọng điểm như đường vành đai 3 Hà Nội (giai đoạn 2), dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình,... đạt hiệu quả lớn về mặt kinh tế - xã hội. Còn năm nay, nguồn vốn ngân sách dành cho giao thông chưa đầy 6.300 tỷ đồng (chỉ đáp ứng 25% nhu cầu) và trái phiếu Chính phủ 13 nghìn tỷ đồng (85% nhu cầu). Tuy khó khăn hơn năm trước, nhưng năm 2013 cũng "phát lộ" nhiều tín hiệu khả quan từ các dự án giao thông quy mô lớn. Dự kiến, nhiều tuyến cao tốc lớn sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác như Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên,... Ðồng thời, có thể khởi công một số tuyến như Ðà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành và rất có thể cả Dầu Giây - Phan Thiết, tuyến cao tốc đầu tiên triển khai theo hình thức PPP. Một điểm nhấn khác là việc triển khai các dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 1 (từ Hà Tĩnh đến Cần Thơ) và quốc lộ 14, Bộ GTVT đang tích cực kêu gọi đầu tư, phê duyệt dự án, lựa chọn các nhà đầu tư và nhà thầu xây lắp. Theo tính toán, mở rộng quốc lộ 1 sẽ cần phát hành gần 47.850 tỷ đồng trái phiếu công trình, quốc lộ 14 khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

 Giữa tháng 1 vừa qua, chủ đầu tư Tổng công ty Ðầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) đã ký hợp đồng gói thầu số 9 dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây trị giá hơn 2.400 tỷ đồng cho nhà thầu Cienco 4. Gói thầu có tám nhánh nút giao lập thể vành đai 2, gồm 7,6 km đường và 3,9 km cầu, hệ thống thoát nước, an toàn giao thông, cây xanh, chiếu sáng,... Ðây là gói thầu có giá trị lớn nhất từ trước đến nay do nhà thầu nội trúng thầu quốc tế mà không cần liên danh với các đối tác nước ngoài. Tổng Giám đốc Cienco 4 Lê Ngọc Hoa cam kết sẽ tập trung cao nhất nhân lực và phương tiện, bảo đảm rút ngắn tiến độ để cuối năm 2014 thông xe gói thầu trên tuyến cao tốc bắc - nam này.

 Năm 2013 tiếp tục được ngành GTVT chọn là "Năm kỷ cương, chất lượng, tiến độ công trình giao thông". Bộ trưởng GTVT Ðinh La Thăng khẳng định, bảo đảm chất lượng công trình là lương tâm, đạo đức và trách nhiệm, tự hào của những người làm trong ngành GTVT. Bộ sẽ huy động cao nhất mọi nguồn lực, thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, từ nhiều thành phần kinh tế, bằng nhiều hình thức như ngân sách nhà nước (gồm cả ODA), phát hành trái phiếu, BOT, PPP, chuyển nhượng quyền kinh doanh, khai thác,... để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Ngoài ra, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cao nhất cho các chủ đầu tư, PMU trong quản lý đầu tư, đi đôi với trách nhiệm bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình. Ðây là những việc làm cần thiết, nhằm giải quyết triệt để các bất cập, yếu kém cố hữu của công tác đầu tư XDCB ngành GTVT.